Khu nhà trọ có từ 10 phòng trở lên phải có phòng sinh hoạt chung và thiết bị kết nối internet

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi văn bản đến Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ vào Dự thảo TCVN Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế.

Theo HoREA, điều đáng lo ngại hiện nay là đa số các khu nhà trọ dạng “dãy phòng trọ cho thuê” thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, cá biệt có khu nhà trọ là “vùng trũng” của tội phạm.

Vì vậy, theo HoREA, rất cần thiết ban hành quy định về “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”, nhất là “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê” để “chuẩn hóa” phòng trọ, góp phần cải thiện điều kiện ở, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống dịch bệnh cho công nhân, lao động tại các khu nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, HoREA đề nghị bổ sung Mục 1.2 “Dự thảo TCVN” như sau: “Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, cho thuê để ở hoặc nhà ở riêng lẻ chỉ dùng để kinh doanh cho thuê phòng trọ, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trong tiêu chuẩn này…”.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị bổ sung thêm quy định mỗi phòng ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê phải đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2 hoặc 15 m2; chiều rộng thông thủy không dưới 2,40 m; chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,70 m.

Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5 m2 hoặc 7,5 m2 cho một người; khu nhà trọ có từ 10 phòng ở trở lên phải có phòng sinh hoạt chung có tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn, kết nối Internet; lối đi giữa hai dãy nhà trọ, còn gọi là hẻm, có khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn 2 m hoặc 2,2 m.

Theo nhận định của HoREA, thực tiễn tại TP HCM, đang có hàng triệu công nhân lao động sinh sống trong hàng trăm ngàn phòng trọ trong cả nước, chỉ số ít người có chỗ ở trong các nhà lưu trú công nhân. Phần lớn đang thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình, nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn về chỗ ở. Tại TP HCM trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tổng số khoảng 1.600 doanh nghiệp với tổng số công nhân lao động khoảng 380.000 người.

Khu nhà trọ có từ 10 phòng trở lên phải có phòng sinh hoạt chung và thiết bị kết nối internet. Ảnh minh họa: TTXVN
Khu nhà trọ có từ 10 phòng trở lên phải có phòng sinh hoạt chung và thiết bị kết nối internet. Ảnh minh họa: TTXVN

Đến nay, TP HCM đã có 6 khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hoàn thành khu lưu trú công nhân (KCX Tân Thuận, Linh Trung 1, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc). Các khu nhà lưu trú mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% (57.000) lượng công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp, còn lại đa số công nhân lao động nhập cư thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình.

Với số lượng phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê rất lớn trong phạm vi cả nước, nên rất cần thiết ban hành quy định về “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”, nhất là “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê” để chuẩn hóa phòng trọ, góp phần cải thiện điều kiện ở, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống dịch bệnh…

HoREA cho rằng tại Thông tư số 20 (có hiệu lực từ 15/8/2016 đến ngày 30/9/2021) của Bộ Xây dựng có quy định về “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”: Diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2; Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên; Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 cho một người…

Tuy nhiên, Thông tư 09 (hiệu lực từ ngày 1/10/2021, thay thế Thông tư 20) của Bộ Xây dựng, đã không quy định “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”. HoREA lo lắng khi quy định cũ về diện tích tối thiểu đối với phòng ở là 10m2 đã bị xóa bỏ, nhưng nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về chuẩn nhà ở. Điều này sẽ khiến cho điều kiện nơi ở của người dân, nhất là công nhân sẽ không được đảm bảo…

Bên cạnh đó, kiến nghị của HoREA còn đề cập đến các yêu cầu về nước, ánh sáng, vật liệu, cửa đi, khu vệ sinh chung và các tiện ích khác. Ngoài ra, hiện nay đa số khu nhà trọ dạng dãy phòng cho thuê ở TP HCM lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, an ninh, thiếu tiện ích, không chống chịu được dịch bệnh... Trong khi đó, loại tòa nhà phòng trọ chất lượng và bài bản do doanh nghiệp quản lý đang có rất ít.

Chính vì vậy, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét việc cho doanh nghiệp được thực hiện dự án đầu tư phòng trọ, nhà trọ để nâng cao chất lượng chỗ ở cho công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư và tạo áp lực cạnh tranh lành mạnh lên các hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh chỗ ở, phòng trọ.

Gần 40.000 tỷ đồng nâng cấp sân bay Cam Ranh

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, cơ quan này xác định nhu cầu vốn đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 dự kiến là 39.376 tỷ đồng. Trong đó thời kỳ 2021 - 2030 dự kiến là 24.311 tỷ đồng, giai đoạn sau 2030 tầm nhìn đến 2050 khoảng 15.065 tỷ đồng.

Vẫn theo Cục Hàng không, quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh giai đoạn đến 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2009. Từ đó đến nay, sân bay Cam Ranh đã được triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản theo quy hoạch được duyệt. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hành khách thông qua sân bay Cam Ranh vượt tốc độ dự báo.

Cụ thể, theo quy hoạch được duyệt, giai đoạn đến 2020 lượng hành khách tiếp nhận đạt 5,5 triệu hành khách/năm, định hướng đến 2030 lượng hành khách tiếp nhận đạt 8,0 triệu hành khách/năm. Tuy vậy, thực tế khai thác 2019, sân bay này đã đón 10 triệu lượt khách. Năm 2020 và 2021, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, sản lượng hành khách thông qua sân bay vẫn đạt khoảng 3,3 triệu hành khách. Một số nghiên cứu và dự báo của các tổ chức quốc tế như ICAO, IATA đều nhận định đến 2024, sản lượng hành khách hàng không sẽ khôi phục lại thời điểm 2019.

Dự báo sản lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh trong đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức triển khai lập và báo cáo Thủ tướng phê duyệt là 25 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021 - 2030 và tăng lên 36 triệu hành khách/năm trong tầm nhìn đến năm 2050.

Do đó, Cục Hàng không khẳng định cần phải xem xét, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch Csân bay quốc tế Cam Ranh để phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và nhu cầu thực tế.

Theo đề xuất của Cục Hàng không, trong thời kỳ 2021 - 2030, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất thông qua đạt 25 triệu hành khách/năm và 55.000 tấn hàng hóa/năm.

Sân bay có tổng số vị trí đỗ tàu bay là 75 vị trí; loại tàu bay khai thác là Boeing 747, Boeing 777, Boeing 787, Airbus 321, Airbus 350 và tương đương trở xuống; phương thức tiếp cận hạ cánh bằng thiết bị hạ cánh chính xác theo tiêu chuẩn CAT II. Tầm nhìn đến 2050, sân bay quốc tế Cam Ranh sẽ có công suất 36 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Thời điểm nay, sân bay được quy hoạch 102 vị trí đỗ tàu bay với loại tàu bay khai thác là Boeing 747, Boeing 777, Boeing 787, Airbus 321, Airbus 350 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh bằng thiết bị hạ cánh chính xác theo tiêu chuẩn CAT II.

Trong thời kỳ 2021 - 2030, Cục Hàng không đề xuất giữ nguyên đường cất hạ cánh số 2 đã được nâng cấp đồng thời xây mới đường cất hạ cánh số 1 cách đường cất hạ cánh số 2 là 360m. Tầm nhìn đến 2050 sẽ giữ nguyên theo quy mô đã xây dựng tại giai đoạn trước.

Về nhà ga hàng không, thời kỳ 2021-2030, Cục Hàng không đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T1 theo nhu cầu, công suất quy hoạch 21 triệu hành khách/năm (quốc nội 8,5 triệu hành khách/năm, quốc tế 12,5 triệu hành khách/năm), giữ nguyên nhà ga T2 (quốc tế) công suất 4 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến 2050 sẽ cải tạo nhà ga T2 và hợp khối nhà ga T1 thành nhà ga T1 (quốc tế) mới công suất 24 triệu hành khách/năm. Xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm đảm bảo theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050 đạt 36 triệu hành khách/năm.

Đối với nhà ga hàng hóa, Cục Hàng không đề xuất quy hoạch diện tích đất cho khu ga hàng hóa là 12,1ha. Thời kỳ 2021 - 2030 sẽ xây dựng mới nhà ga hàng hóa tại vị trí về phía Bắc sân đỗ máy bay, tiếp giáp đường ven biển; công suất nhà ga hàng hóa đáp ứng khoảng 55.000 tấn hàng hóa/năm giai đoạn đến năm 2030. Tầm nhìn đến 2050 sẽ tiến hành mở rộng nhà ga hàng hóa về phía Đông, công suất nhà ga hàng hóa đáp ứng khoảng 100.000 tấn hàng hóa/năm, có thể mở rộng đảm bảo phát triển dài hạn.

Khẩn trương chỉ định thầu các gói thầu thuộc chương trình phục hồi

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 193/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tại thông báo trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với tinh thần trách nhiệm cao tích cực, nỗ lực triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 về việc nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản để hướng dẫn chi tiết đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lưu ý nghiên cứu kỹ hình thức văn bản trên nguyên tắc đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật, nội dung văn bản quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chí bảo đảm lựa chọn được các nhà thầu có tiềm lực mạnh và uy tín…

Tiếp đó, tại cuộc họp trung tuần tháng 6, các bộ, cơ quan tiếp tục trao đổi, thảo luận, đánh giá kỹ về căn cứ pháp luật, thẩm quyền và sự cần thiết xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện cơ chế chỉ định thầu theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Chính phủ có thể ban hành Nghị định hướng dẫn. Về cơ bản, các bộ, cơ quan (Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ) đề nghị xem xét sự cần thiết ban hành Nghị định với lý do Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH14 ngày 11/1/2022 là một đạo luật, trong đó, cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu trong thời gian 2 năm 2022 và 2023, áp dụng với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp… Đồng thời, quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tuy nhiên, "hiện quy định về trình tự, thủ tục pháp luật về đấu thầu cơ bản đầy đủ và pháp luật xây dựng đối với điều kiện về năng lực hoạt động xây dựng không cần có quy định riêng", thông báo nêu rõ.

Bản tin bất động sản 6/7: Khu trọ 10 phòng trở lên phải có kết nối internet
Hiện hàng loạt cao tốc trọng điểm được "rót" vốn từ chương trình phục hồi thực hiện trong 2 năm. Ảnh: vneconomy.vn

Cùng với đó, việc chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ mà ban hành thêm các quy định để áp dụng cho các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có thể phát sinh quy định chồng chéo hoặc khác biệt với quy định pháp luật hiện tại sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

Do đó, để bảo đảm tiến độ triển khai thành công, hiệu quả chương trình, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, chủ động triển khai các cơ chế, giải pháp được quy định rõ trong các Nghị quyết của Quốc hội (số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022) và các Nghị quyết của Chính phủ (số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022) bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kịp thời hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện.

Trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư theo thẩm quyền, theo trình tự thủ tục rút gọn được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 để hướng dẫn chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các gói thầu xây lắp trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022.

Đối với việc chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư thuộc dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải trao đổi, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện chỉ định thầu theo thẩm quyền.

"Các địa phương chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ về việc không triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung của dự án", thông báo nêu rõ.

Mở bán đất nền tại khu dân cư Biang Village tại Lâm Đồng có giá từ 6 - 9 triệu đồng/m2

Biang Village có vị trí tọa lạc tại đường Đoàn Thị Điểm, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án cách đường Liên Xã Lộc Đức khoảng 400 m, di chuyển đến sân bay Liên Khương và thành phố Bảo Lộc chỉ 30 phút.

Khu dân cư Biang Village có tổng diện tích 11.704 m2, được xây dựng với các sản phẩm lô đất nền. Cung cấp ra thị trường 63 sản phẩm với diện tích đa dạng: Đất nền nhà vườn nghỉ dưỡng với số lượng 58 lô, diện tích từ 100 m2 – 230 m2, thổ cư 100 m2; Đất nền biệt thự nghỉ dưỡng với số lượng 5 lô, diện tích từ 400 m2 – 800 m2, thổ cư 160 m2.

Hệ thống tiện ích nội khu Biang Village được đáp ứng với nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của gia đình như: đường nhựa 6 m, vỉa hè hai bên mỗi bên 1,2 m, cây xanh và vườn hoa bao quanh, điện năng lượng mặt trời, hệ thống điện nước âm, vườn hoa, vườn rau sạch…

Mở bán đất nền tại khu dân cư Biang Village tại Lâm Đồng có giá từ 6 - 9 triệu đồng/m2.
Mở bán đất nền tại khu dân cư Biang Village tại Lâm Đồng có giá từ 6 - 9 triệu đồng/m2.

Từ dự án Biang Village có thể tiếp cận những tiện ích ngoại khu như: chỉ 5 phút đến UBND xã Lộc Đức, nhà thờ Đức Thanh, THCS Lộc Đức; 10 phút để đến trung tâm y tế huyện Bảo Lâm, chợ Bảo Lâm, đỉnh Lung Linh, chùa Pháp Hoa, đập Đaklong Thượng, KDL sinh thái Hoa Sơn…

Chủ đầu tư dự án Biang Village Lâm Đồng là Công ty Cổ phần Địa ốc 3T Land, được thành lập ngày 07/12/2021, đặt trụ sở tại 34 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp do ông Trần Nam Trung làm người đại diện, hoạt động trong các lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới bất động sản, xây dựng nhà để ở, xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng.

Dự án Biang Village được mở bán vào ngày 18/06/2022, các sản phẩm đất nền tại dự án có mức giá từ 6 - 9 triệu đồng/m2.