Quảng Ninh hủy bỏ quyết định cho thuê 2,4 triệu m2 đất và mặt nước tại Vân Đồn

Theo Quyết định 2234/QĐ-UBND ngày 4/8/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 15/1/2019 của UBND tỉnh về việc cho Công ty TNHH HDMON Vân Đồn thuê gần 2,4 triệu m2 đất và đất mặt nước đợt 1 theo hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất để thực hiện Dự án Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên, huyện Vân Đồn.

Lý do thu hồi, hủy bỏ là do Công ty TNHH HDMON Vân Đồn đã có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động đầu tư vào tháng 2/2022; UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 526/QĐ-UBND ngày 28/2/2022 để thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; Thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh…

Việc thu hồi còn là để triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn tương tác hoạt động du lịch tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn), theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 208/QĐ-TTg ngày 15/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư số 1159/QĐ-UBND ngày 04/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 15/2/2022, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 24.883 tỉ đồng và được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.

Dự án có quy mô khách lưu trú khoảng 3.000 người/ngày và quy mô dân số là 9.800 người. Diện tích thuộc phạm vi dự án là 299,64 ha với diện tích đất liền là 279,54 ha, diện tích khu vực biển khoảng 20,1 ha. Cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm: Biệt thự: 236 căn, nhà phố, liền kề: 257 căn, nhà ở chung cư cao tầng: 2.614 căn, nhà ở xã hội 606 căn.

Thời hạn hoạt động của dự án tối đa 70 năm. Tiến độ thực hiện là trong vòng 9 năm, tính từ quý II/2022 đến hết quý IV/2030. UBND tỉnh Quảng Ninh được giao chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Phối cảnh Dự án quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ giải trí tại khu vực Ao Tiên, huyện Vân Đồn.
Phối cảnh Dự án quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ giải trí tại khu vực Ao Tiên, huyện Vân Đồn.

Theo tìm hiểu, Dự án quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ giải trí tại khu vực Ao Tiên mới có quyết định hủy bỏ, thu hồi quyết định cho thuê đất, được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH xây dựng công trình Hải Đăng trụ sở tại Hà Nội và Công ty Rockingham Asset Management, LLC trụ sở tại Mỹ. Hai doanh nghiệp này sau đó đã thành lập Công ty TNHH liên doanh 167 - Việt Nam, nay là Công ty TNHH HDMon Vân Đồn để thực hiện dự án.

Dự án có quy mô diện tích 301 ha, bao gồm: 1 sân golf 27 lỗ, 1 khách sạn 5 sao cao 15 tầng, 1 câu lạc bộ, khu biệt thự biệt lập cho thuê và khách sạn nhỏ, điểm du lịch Ao Tiên, bến du thuyền cùng nhiều hạng mục có giá trị khác.

Tổng vốn đầu tư dự án tại thời điểm đăng ký là 112 triệu USD, tương đương khoảng 2.598 tỉ đồng. Thời gian triển khai dự án là 46 tháng kể từ khi có giấy chứng nhận đầu tư (năm 2007), tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu lập, phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Nội dung kết luận nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2) giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Thủ tướng yêu cầu lập, phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030)”. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh thành báo cáo Bộ Xây dựng trước ngày 15/8/2022 các nội dung, các dự án đang triển khai, các dự án đã có vị trí, có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai, các vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hộ, lập kế hoạch triển khai (số lượng dự án, số lượng căn hộ, diện tích xây dựng, tiến độ cụ thể của từng dự án) thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội (giai đoạn từ nay đến năm 2030) đảm bảo nhu cầu của địa phương.

Trong tháng 8, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ ngành bao gồm bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan, trên cơ sở báo cáo của các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030)”. Các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.

Trước đó, thông tin từ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.

Các đơn vị đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2. Trong đó, có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cùng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Xây dựng kiến nghị đẩy mạnh nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… Đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hiến kế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.

Khánh Hòa kỷ luật loạt cán bộ liên quan việc phân lô 2.350 thửa đất

Sáng 11/8, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết vừa tổ chức hội nghị, thông qua kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và 8 đảng viên.

Qua kiểm tra, UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận thấy từ ngày 1/1/2018 đến 30/6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Huyện ủy Cam Lâm không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, vi phạm quy định pháp luật về đất đai khi cho phép 114 trường hợp tặng - cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách tổng cộng thành 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57 ha.

Trong thời gian trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm để nhiều cán bộ chủ chốt của huyện thiếu gương mẫu, vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Theo UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa, những vi phạm trên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Việc này còn gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Khánh Hòa kỷ luật loạt cán bộ liên quan việc phân lô 2.350 thửa đất. Ảnh: Thanh Niên
Khánh Hòa kỷ luật loạt cán bộ liên quan việc phân lô 2.350 thửa đất. Ảnh: Thanh Niên

UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm nêu trên, trách nhiệm thuộc về các ông: Lương Dự (nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm), Nguyễn Hữu Hảo (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020-2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021); Nguyễn Trí Tuân (Phó chánh Văn phòng đoàn đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021); bà Lê Phạm Thùy Ngân (Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm); Lê Anh Tùng (Trưởng phòng kinh tế và hạ tầng huyện Cam Lâm); Mai Như Chi (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cam Lâm); Huỳnh Quốc Dũng (Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cam Lâm) và Nguyễn Tấn Đạt (Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cam Lâm).

UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với các ông Nguyễn Tấn Đạt, Huỳnh Quốc Dũng; thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Mai Như Chi.

Đồng thời, cơ quan này đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các ông Lương Dự, Nguyễn Hữu Hảo, Nguyễn Trí Tuân, Lê Phạm Thùy Ngân và Lê Anh Tùng.

Hồi tháng 6, UBND tỉnh Khánh Hòa có kết luận kiểm tra về việc xác minh tình trạng phân lô, bán nền tại huyện Cam Lâm.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm qua các thời kỳ, đồng thời hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sai.

Động thái trên được đưa ra sau khi báo chí phản ánh tình trạng phân lô bán nền bát nháo xảy ra trên địa bàn huyện Cam Lâm. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra thực tế, xử lý những tổ chức, các nhân sai phạm.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có giá từ 5,5 triệu đồng/m2

Dự án Khu công nghiệp Becamex Vsip có vị trí thuộc phân khu 7 và phân khu 8, khu kinh tế Nhơn Hội, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Dự án có vị trí nằm cạnh QL 19C, đường sắt Bắc Nam và tuyến tỉnh lộ ĐT 638, cách ga Diêu Trì 9 km, cách Cảng biển Quốc tế Quy Nhơn khoảng 25 km và cách sân bay Phù Cát 31 km.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có quy mô 2.308 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (khu A) dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có diện tích khoảng 1.425 ha, trong đó có 1.000 ha đất quy hoạch dành cho khu công nghiệp và 425 ha đất dành để đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ và khu tái định cư. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến gần 5.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (khu B) dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định diện tích khoảng 883 ha, được quy hoạch xây dựng khu đô thị, dịch vụ và thương mại thuộc phân khu 8 khu kinh tế Nhơn Hội, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng.

Với tổng vốn đầu tư hơn 1.782 tỷ đồng, nằm trong tổng thể dự án Becamex VSIP Bình Định giai đoạn 1 thuộc phân khu 7, khu kinh tế Nhơn Hội với 4 dự án khu tái định cư gồm:

Khu tái định cư – dân cư Hiệp Vinh 1A (thuộc thôn Hiệp Vinh 1 và An Long 2, xã Canh Vinh), có diện tích 90 ha, tổng mức đầu tư 545 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án là 369 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư 176 tỷ đồng).

Khu tái định cư – dân cư Hiệp Vinh 1B (thuộc thôn Hiệp Vinh 1, xã Canh Vinh), với diện tích là 90,4 ha, tổng mức đầu tư 325 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án 300 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư 25 tỷ đồng).

Khu tái định cư – dân cư Hiệp Vinh 2 (thuộc thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh), với diện tích là 95 ha, tổng mức đầu tư 493 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án là 323 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư 170 tỷ đồng).

Khu tái định cư – dân cư Tân Vinh (thuộc thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh), có diện tích là 100 ha, tổng mức đầu tư 418 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án 363 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư là 55 tỷ đồng).

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định là một Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành gắn liền với các công trình dịch vụ đa dạng như y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, vui chơi, giải trí, trung tâm văn hóa, thể thao cộng đồng, nhà ở xã hội...

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định tập trung thu hút các ngành chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao. Ưu tiên các ngành nghề: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng, công nghiệp tiêu dùng, điện tử, nội thất, công nghiệp ô tô, dệt may…

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I công suất 4.000 m3/ngày đêm. Sau khi đi vào hoạt động tạo việc làm cho 120.000 - 150.000 lao động địa phương và khu vực lân cận.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có giá từ 5,5 triệu đồng/m2.
Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có giá từ 5,5 triệu đồng/m2.

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định do Tổng Công ty Becamex IDC và VSIP Group (thương hiệu gắn liền với chuỗi các dự án khu công nghiệp và khu liên hợp công nghiệp, đô thị & dịch vụ) hợp tác và phát triển đầu tư.

Tổng Công ty Becamex IDC thành lập năm 1976 với tên gọi Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bến Cát, năm 1992 lấy tên chính thức là Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu tỉnh Sông Bé (Becamex). Năm 1999 công ty đã chính thức đổi tên thành Công ty Thương mại - Đầu tư và Phát triển (BECAMEX Corp).

Ngày 28 tháng 04 năm 2006, theo quyết định số 106/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC Corp) được thành lập trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của Công ty Thương mại - Đầu tư và Phát triển.

Hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty Becamex IDC là ông Phạm Ngọc Thuận, trụ sở chính công ty nằm tại số 8, đường Hùng Vương, Phường Hoà Phú, Thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương.

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định được chính thức khởi công ngày 29/7/2020. Ngày 6/9/2021, 200 ha giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định được UBND tỉnh phê duyệt giá trị bồi thường diện tích hơn 165,45 ha, phần diện tích còn lại 30,55 ha.

Đối với 2 công trình phụ trợ, phần diện tích 1,3 ha xây dựng trạm điện 110 KV đã bàn giao cho chủ đầu tư thi công, khu nhà máy xử lý nước thải, diện tích 5,6 ha đã bàn giao nhà đầu tư 1 ha để xây dựng.

Khu tái định cư - dân cư Hiệp Vinh 1A, đã thực hiện xong công tác kiểm đếm 89,9 ha, đạt 100% khối lượng công việc, đã chi tiền bồi thường diện tích hơn 88 ha và bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án hơn 82 ha. Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định đạt gần 70% trên diện tích 200 ha giai đoạn 1.

Giá bán đất nền tại khu tái định cư Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định tham khảo trên thị trường dao động từ 5,5 triệu đồng/m2.