5 nhóm vướng mắc thủ tục nhà đất chờ tháo gỡ

Ngày 9/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) đã phối hợp với Sở TN&MT TP tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) cho biết công ty đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương làm chủ đầu tư thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng và khách sạn tại vị trí thương xá Tax từ năm 2010.

Theo đó, diện tích đất thuộc dự án gồm hai phần. Phần 1: Với diện tích thuộc thương xá Tax, UBND TP có quyết định giao Satra quản lý và quyết định giao tài sản cố định để chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên.

Phần 2: Với diện tích thuộc Nhà nước quản lý và sở hữu cá nhân, Satra tạm ứng tiền thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án phê duyệt của UBND TP. Công ty cũng đã hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ di dời toàn bộ trên diện tích này.

Bên cạnh đó, Satra cũng đã thực hiện một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc; công tác bảo tồn theo chỉ đạo của UBND TP; báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Thế nhưng Satra lại chưa được chính thức giao làm nhà đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và chưa được giao đất thực hiện dự án theo Luật Đất đai 2013. “Nếu công ty không được giao làm nhà đầu tư dự án, không được giao đất thực hiện dự án… mà nhà đầu tư nước ngoài trúng đấu giá quyền sử dụng đất và được chọn làm nhà đầu tư dự án thì các chi phí của công ty đã thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như đã đề cập sẽ được giải quyết như thế nào?”, Satra nêu câu hỏi.

Liên quan vấn đề này, ông Võ Công Lực, Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT TP, giải đáp: UBND TP HCM đã có chỉ đạo tại công văn ngày 26/1. Theo đó, giao Sở Tài chính hướng dẫn Satra lập phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đồng thời giao Sở TN&MT, Sở KH&ĐT căn cứ phương án được phê duyệt để báo cáo, đề xuất UBND TP lựa chọn nhà đầu tư hoặc thực hiện quản lý khu đất theo phương án.

“Do đó, sau khi UBND TP phê duyệt phương án, Sở TN&MT TP sẽ thực hiện theo quy định” - ông Lực thông tin.

Cũng tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thanh Thảo, đại diện Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, cho biết đơn vị đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai.

“Các khu đất của tổng công ty đã được phê duyệt phương án xử lý tổng thể và đã có quyết định của UBND TP về việc cho thuê đất từ năm 2014; UBND TP giao cho Sở TN&MT thực hiện ký hợp đồng thuê đất nhưng đến nay tám năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được ký hợp đồng này” - bà Thảo dẫn chứng.

Các doanh nghiệp nêu nhiều vướng mắc tại buổi đối thoại. Ảnh: PLO
Các doanh nghiệp nêu nhiều vướng mắc tại buổi đối thoại. Ảnh: PLO.vn

Nhiều công ty khác cũng nêu gặp khó khăn, vướng mắc liên quan thủ tục đất đai. Đơn cử, đại diện Công ty MTV Dịch vụ công ích quận 4 đề nghị xem xét xác định nghĩa vụ tài chính đối với phần đất ở bổ sung khu nhà ở phường 3, quận 4; Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV thì cho biết năm 2015 đơn vị này đã nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho các sở, ngành của TP nhưng do chưa có hợp đồng thuê đất nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Qua buổi gặp gỡ này, chúng tôi rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và sẽ có trả lời cụ thể. Cái nào thuộc trách nhiệm của chúng tôi thì chúng tôi sẽ thực hiện; cái nào thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM, cam kết.

Theo ông Thắng, sở sẽ rà soát những vấn đề, vướng mắc mà doanh nghiệp nêu tại buổi đối thoại. Từ đó xem trong quá trình thực hiện chức năng tham mưu, giải quyết còn điều gì thiếu sót, tồn tại sẽ có giải pháp khắc phục.

“Có những cái mình còn chậm, có những cái mình trả lời chưa đầy đủ; có những công việc làm chưa tốt thì sở sẽ giải quyết làm sao làm tốt hơn để doanh nghiệp bớt đi phiền hà, bớt những vấn đề còn tồn tại” - ông Thắng thẳng thắn.

Ngoài ra, theo giám đốc Sở TN&MT TP, hiện quy định pháp luật vẫn còn chồng chéo, khiến bản thân cơ quan thực thi pháp luật cũng gặp khó khăn và các doanh nghiệp cũng vậy. Cuối tuần vừa qua, TP HCM họp với Bộ TN&MT và các bên để lấy ý kiến sửa Luật Đất đai thì thấy có rất nhiều bất cập.

“Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng và các luật có liên quan, trong đó có hơn 50 mâu thuẫn tồn tại giữa các luật thì chúng ta khó làm tốt được. Chính vì vậy, TP HCM và các địa phương đã kiến nghị các luật phải phù hợp với nhau thì mới triển khai nhanh được” - ông Thắng phân tích.

Ví dụ như Luật Đất đai ban hành năm 2013, có trên 25 nghị định và thông tư hướng dẫn luật kèm theo. Và một cán bộ thụ lý phải rà soát bấy nhiêu thông tư, nghị định đó khi xử lý các hồ sơ.

Giám đốc Sở TN&MT TP đúc kết hiện có năm nhóm vướng mắc chính về lĩnh vực đất đai của doanh nghiệp nhà nước gồm: Gia hạn các khu đất đang sử dụng; vướng mắc về hợp đồng; cấp chứng nhận; tính tiền sử dụng đất và trả lại một số khu đất không thuộc lĩnh vực ngành nghề của mình. “Sở sẽ tham mưu cho UBND TP để đưa ra các giải pháp giải quyết năm nhóm vướng mắc này trong thời gian tới” - ông Thắng cam kết.

Sau khi tháo dỡ thương xá Tax vào tháng 10/2016, khu đất này bị bỏ trống. Ngày 23/7 vừa qua, UBND quận 1 đã có văn bản đề xuất UBND TP HCM dùng tạm khu đất trống góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, nơi từng là thương xá Tax, để làm bãi giữ xe.

Bên cạnh đó, UBND quận 1 đề nghị Satra cho sử dụng tạm khu đất trên bố trí làm bãi giữ xe cho khách tham quan và sẽ hoàn trả ngay khi UBND TP HCM có chỉ đạo.

Điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ GTVT vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030.

Theo Quyết định của Bộ GTVT, sẽ điều chỉnh, bổ sung diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý là 3,54 ha để di dời hệ thống ụ bê tông xi măng tại khu vực phía Đông Bắc của Cảng.

Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất với tổng diện tích đất là 787,46 ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý).

Trong đó, diện tích đất Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu là 545,10ha; Diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ là 19,79ha; Diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng là 15,26ha; Diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam có 25,66ha và diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Bắc gồm 171,65ha.

Bộ GTVT vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030.
Bộ GTVT vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030. Ảnh minh họa

Với những điều chỉnh này, Bộ GTVT giao Cục Hàng không VN có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu báo cáo thẩm định của Vụ Kế hoạch - Đầu tư. Cùng đó, rà soát, hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Ngoài ra, Cục Hàng không VN cũng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch phù hợp với quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, tiếp tục rà soát quy hoạch các công trình để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu khai thác và đầu tư phát triển.

Trước đó, tại Quyết định 1942/QĐ-BGTVT về điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đến 2020, tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791,00 ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý).

Trong đó, diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng là 18,80 ha và diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam là 35,66 ha.

Thái Nguyên kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ

Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thái Nguyên, về tiến độ một số dự án, công trình đang triển khai trên địa bàn thành phố.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải yêu cầu cần phải thông tin “công khai, minh bạch” hơn nữa về nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án đầu tư công chậm tiến độ, đồng thời, cần quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai.

Cùng với đó, TP Thái Nguyên cần tập trung rà soát, phân loại từng dự án đầu tư ngoài ngân sách; đề xuất giải pháp, lộ trình xử lý, khắc phục phù hợp với từng dự án.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng yêu cầu đối với các dự án chậm tiến độ không có lý do chính đáng, dự án ngừng hoạt động, dự án sử dụng đất sai mục đích theo quy định của pháp luật, phải kiên quyết thu hồi, nhằm tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nhà đầu tư mới có uy tín, có năng lực triển khai, thực hiện các dự án.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu địa phương và các cơ quan có chức năng cần xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng trong quá trình cấp phép các dự án mới đối với các nhà đầu tư có dự án đã bị thu hồi.

Đối với cấp ủy, chính quyền TP Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định lộ trình, công việc theo từng quý, từng năm với tiến độ cụ thể; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hiện tượng xây dựng trái phép, đón bồi thường, đền bù để trục lợi, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của tỉnh và gây bức xúc trong nhân dân...

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn TP Thái Nguyên có một số dự án, công trình trọng điểm được triển khai, gồm: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP. Thái Nguyên; Phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Thái Nguyên; đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài theo hình thức PPP - hợp đồng BT; cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối các phường Đồng Bẩm, Quang Vinh và xã Cao Ngạn; đầu tư xây dựng tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn từ nút giao Sông Công đến nút giao Tân Lập; xây dựng sân vận động Thái Nguyên; xây dựng trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh; Khu du lịch văn hóa thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng Linh Sơn Hills; Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc, giai đoạn 1; sân Golf hồ Núi Cốc; Khu nhà ở Cao Ngạn...

Ngoài ra, trên địa bàn còn có 56 dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đang được triển khai.

Trước đó, ngày 7/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký loạt quyết định chấm dứt, thu hồi một số dự án đầu tư trên địa bàn sau khi rà soát như thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và chế biến chè của Công ty CP Vạn Tài tại xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, nay là TP Phổ Yên;

Dự án đầu tư xây dựng vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe, các dịch vụ công cộng và Trường mầm non quốc tế chất lượng cao Việt Cường của doanh nghiệp tư nhân Việt Cường nay là Công ty TNHH bê tông xây dựng Việt Cường; Dự án xây dựng vùng chè công nghệ cao hướng hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái Hoàng Nông tại xóm Đồng Khuôn, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ của Công ty CP Dreamfarm Việt Nam cũng nằm trong diện bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực đầu tư.

Tháng 5/2021, lần thứ 3 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định kiểm tra các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn.

Trên cơ sở quyết định này, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 4 tổ kiểm tra, tiến hành kiểm tra 116 dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, trong đó có 14 dự án khu dân cư, khu đô thị; 6 dự án nhà ở, 89 dự án sản xuất kinh doanh; 7 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ hiệu lực chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án 23 dự án chậm tiến độ kéo dài, nhà đầu tư chưa thực hiện hoặc chưa hoàn tất các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường, tài chính, thuế... có liên quan đến dự án, nhà đầu tư không có nhu cầu và không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án.

Dự án khu nghỉ dưỡng Central Lake Di Linh tại Lâm Đồng có giá từ 8,5 triệu đồng/m2

Central Lake Di Linh có vị trí tọa lạc tại đường Ngô Quyền, thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. dự án nằm ven Hồ Tây, gần kề Quốc lộ 20 và Quốc lộ 28, cách cao tốc Dầu Giây - Bảo Lộc - Di Linh - Đức Trọng chỉ 3 km, thuận tiện di chuyển trong vùng và các tỉnh lân cận.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Central Lake Di Linh có tổng diện tích 3 ha, cung cấp ra thị trường khoảng 74 lô đất nền, diện tích đa dạng từ 120 - 300 m2.

Từ dự án, cư dân có thể tiếp cận những tiện ích ngoại khu như: 3 phút di chuyển đến chợ Di linh, UBND huyện Di linh, TH Võ thị Sáu; 5 phút di chuyển đến THCS Lê Lợi, THPT Phan Bội Châu, trung tâm y tế Di Linh; 10 phút đến các hệ thống ngân hàng và 80 phút để đến trung tâm thành phố Đà Lạt.

Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng Central Lake Di Linh
Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng Central Lake Di Linh.

Chủ đầu tư dự án Central Lake Di Linh Lâm Đồng là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phương Đông Holding, được thành lập ngày 05/08/2021, đặt trụ sở tại số 57 đường số 10, phường An Lợi Đông, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo công bố thành lập mới ngày 05/08/2021, doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Bao gồm các cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Vũ (30%), ông Đoàn Trí Khoa (30%), ông Nguyễn Chánh Tín (40%). Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới bất động sản, xây dựng nhà để ở.

Các sản phẩm đất nền tại dự án Central Lake Di Linh có mức giá bán từ 8,5 triệu đồng/m2