Xuất khẩu thủy sản khó phục hồi nhanh

Theo nguồn tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), từ tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản (XK) giảm liên tục do COVID-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành phía Nam, ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu trong nước, làm giảm cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan. Nhiều mặt hàng thủy sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc được hưởng thuế 0% sang EU và các thị trường CPTPP nhưng thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, phải nhập khẩu nên không được chấp nhận xuất xứ thuần túy, không được hưởng thuế ưu đãi.

Ngoài ra, với nguyên liệu thủy sản đánh bắt trong nước, thủ tục xác nhận và chứng nhận theo quy định IUU gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình lập chứng nhận xuất xứ, chứng nhận vệ sinh xuất khẩu sang EU.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container, cước hàng hóa đường biển đi châu Âu tăng gấp nhiều lần khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ khó duy trì XK sang thị trường này.

Trong bối cảnh hồi phục sản xuất xuất khẩu 3 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 vẫn phức tạp, nhu cầu thị trường cao nhưng DN thiếu nguyên liệu, thiếu lao động và chịu các chi phí đầu vào tăng nên XK thuỷ sản nói chung chưa thể hồi phục nhanh 100% trong 1-2 tháng tới.

Xuất khẩu thủy sản hưởng lợi từ EVFTA

VASEP dự báo XK sang EU quý IV giảm nhẹ 2,5% và cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 4%. Dự báo XK sang CPTPP quý IV đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 5% và cả năm năm 2021 sẽ đạt khoảng 2,16 tỷ USD, giảm 3%.

XK thuỷ sản sang khối EU năm 2020 giảm 26% đạt khoảng 960 triệu USD, nguyên nhân chính là do Brexit, Anh rời khỏi thị trường. Anh là thị trường nhập khẩu (NK) lớn của khối này với kim ngạch NK thuỷ sản từ Việt Nam từ 280 – 340 triệu USD/năm. Do vậy, nếu chỉ tính EU27 (trừ Anh) thì XK sang khối này trong năm 2020 không giảm. Trong bối cảnh COVID-19 và thẻ vàng IUU, XK sang EU ổn định cho thấy tác động rõ rệt của hiệp định EVFTA đã thúc đẩy XK sang thị trường này.

Trong 9 tháng đầu năm nay, XK thuỷ sản sang khối EU tăng gần 4% đạt 744 triệu USD, trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến logistics cho thương mại, đặc biệt là chuỗi cung ứng trong quý III, cũng thể hiện xu hướng tích cực có lẽ một phần nhờ sự thúc đẩy từ thuế quan ưu đãi theo EVFTA.

Đối với XK tôm lại có cơ hội tăng trưởng, nguồn tin từ VASEP cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, XK tôm và thủy sản sang EU và nhiều nước CPTPP tăng mạnh nhờ nhu cầu cao hơn sau khi kiểm soát tốt hơn đối với COVID-19, duy trì ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu và áp dụng thuế ưu đãi đối với các mặt hàng có nguồn nguyên liệu trong nước.

XK tôm sang EU trong 7 tháng đầu năm tăng 26%. Tổng sản phẩm hải sản XK sang EU tăng 23%, chỉ bị giảm ở một số loài nhập khẩu để chế biến và xuất khẩu như cá tuyết, cá minh thái…do ảnh hưởng của vấn đề logistics tới việc nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu. Xuất khẩu cá tra sang EU giảm 13% do chi phí đầu vào quá cao (đặc biệt là logistic, container, đường biển) trong khi giá xuất khẩu không tăng.

Tôm Việt Nam có cơ hội vào thị trường Mỹ. Nguồn ảnh VASEP
Tôm Việt Nam có cơ hội vào thị trường Mỹ. Nguồn ảnh VASEP

Cơ hội cho tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ

Mỹ là thị trường NK đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam. Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh tốt hơn khi Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ) cũng gặp nhiều rào cản do dịch bệnh gây ra. Thị phần tôm Việt Nam ở Mỹ tăng từ khoảng 8% (2020) lên gần 10% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Trong top 5 thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, XK tôm sang Mỹ chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9.

Sau khi giảm trong tháng 8, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8% đạt 97,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, XK tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.

Mỹ vẫn duy trì là thị trường NK tôm chân trắng hàng đầu của các DN thủy sản Việt Nam. 89% giá trị XK tôm sang Mỹ là sản phẩm tôm chân trắng. Trong đó, giá trị tôm chân trắng chế biến (HS16) giảm nhẹ 0,6%, tôm chân trắng sống/tươi, đông lạnh (HS03) tăng 49%. Tôm sú chỉ chiếm 8,8% tổng XK tôm Việt Nam sang Mỹ, cũng ghi nhận giá trị tăng 46%. Trong đó, XK tôm sú tươi/đông lạnh (mã HS03) tăng 72%. Tuy nhiên, tôm sú chế biến XK sang Mỹ giảm 29%. XK tôm biển sang Mỹ tăng 42%, đặc biệt tôm biển khô tăng trưởng tốt 96% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tôm cỡ lớn của Mỹ đang hồi phục, Mỹ cũng có nhu cầu cao với sản phẩm tôm thịt tươi/đông lạnh (PD) của Việt Nam. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, XK tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng, đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ duy trì tăng trong đại dịch. Nhu cầu NK tôm của Mỹ vẫn cao phục vụ bán hàng mang đi và giao hàng tận nơi. Nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ dần phục hồi do tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng ở nước này.

Sản lượng khai thác tôm nước lạnh tại các nguồn cung cho Mỹ giảm, cũng khiến nhu cầu NK tôm nước ấm của Mỹ tăng. Bão Ida xảy ra đầu tháng 9 năm nay cũng ảnh hưởng tới nguồn cung tôm nội địa của Mỹ.

Nhu cầu NK tôm của Mỹ tăng cao khi thị trường này mở cửa trở lại hậu COVID-19, vaccine được bao phủ diện rộng và các dịp lễ cuối năm đang tới gần. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), NK tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 8/2021. Tháng 8 là tháng thứ 9 liên tiếp, NK tôm của Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương. Mỹ NK 89.407 tấn tôm, trị giá 822,9 triệu USD trong tháng 8/2021, tăng 8% về khối lượng và 17% về giá trị so với 82.427 tấn, trị giá 701,6 triệu USD trong tháng 8/2020.

Hiện Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam là 4 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ.