Xu hướng thoái trào

Thịt thực vật đã tạo ra cơn sốt vào năm 2019 sau khi Beyond Meat (Mỹ), công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này, niêm yết cổ phiếu. Thị trường này tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng kể từ đó.

Vào đầu năm nay, chuỗi đồ ăn nhanh McDonald's đã tung ra dòng bánh mì kẹp thịt thực vật McPlant để phục vụ thực khách, khiến cho viễn cảnh của thịt thực vật càng có vẻ sáng sủa hơn.

Xu hướng tiêu dùng thịt thực vật tại Mỹ thoái trào vì lạm phát
McDonald's cho ra mắt sản phẩm bánh mì kẹp thịt thực vật.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của thịt thực vật bắt đầu suy giảm bởi tình trạng lạm phát, giá cả leo thang tại Mỹ thời gian qua.

Theo tờ Guardian (Anh), kế hoạch chạy thử dòng bánh mì kẹp thịt McPlant ở Mỹ đã lặng lẽ bị hoãn lại vô thời hạn mặc dù chương trình này vẫn được cung cấp tại một số thị trường khác của McDonald’s, bao gồm cả Vương quốc Anh.

Dù vậy, việc khuyến khích những người ăn thịt ở Mỹ chuyển sang các thực phẩm thay thế thịt dựa trên thực vật vẫn là một thách thức lớn.

Beyond Meat, công ty sản xuất nhiều loại sản phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm thịt bò xay, bánh mì kẹp thịt, xúc xích, thịt viên và thịt khô làm từ thực vật, đã trải qua một năm khó khăn, với lượng dự trữ giảm gần 70%.

Nhiều chuỗi hợp tác với công ty, bao gồm cả McDonald’s, đã lặng lẽ kết thúc quá trình thử nghiệm nguyên liệu thịt thực vật trong các dòng thức ăn nhanh của chuỗi.

Vào tháng 8, công ty Beyond Meat đã sa thải 4% lực lượng lao động trong đội ngũ 1.400 người đồng thời giảm dự báo chi tiêu đầu tư xuống 80 triệu đô la so với mức 136 triệu đô la vào năm 2021. Cổ phiếu Beyond Meat cũng suy sụp theo triển vọng kinh doanh với thị giá chỉ còn 1/10 so với mức cao nhất năm 2019.

Xu hướng tiêu dùng thịt thực vật tại Mỹ thoái trào vì lạm phát
Beyond Meat gặp khó khăn vì doanh thu chững lại.

Đáng nói, sau gần một thập kỷ phát triển, thịt có nguồn gốc từ thực vật bắt đầu trở thành xu hướng chủ đạo vào năm 2018. Các cửa hàng tạp hóa bắt đầu bán xúc xích và thịt bò xay Beyond Meat, trong khi nhiều nhà hàng cung cấp thịt thực vật trong thực đơn của họ.

Burger King đã cho ra mắt Impossible Whopper, trong khi các chuỗi thức ăn nhanh khác cũng ra mắt với những món ăn sử dụng thịt thực vật như như bánh sandwich xúc xích làm từ thực vật tại Dunkin’ và pizza pepperoni không thịt tại Pizza Hut.

Xu hướng này còn lan đến cả thung lũng công nghệ Silicon Valley khi tỷ phú Bill Gates đã từng ủng hộ Beyond Meat. Một số công ty đầu tư mạo hiểm thường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ đã chia tiền cho các công ty khởi nghiệp sản xuất thịt thực vật.

Vào năm 2019, Beyond Meat được định giá hơn 10 tỷ đô la Mỹ, cao hơn trị giá của thương hiệu Macy’s hoặc Xerox. Các nhà đầu tư lạc quan nhất tin rằng thịt thực vật sẽ chiếm 15% tổng doanh số bán thịt vào năm 2030. Dường như ngành công nghiệp thịt thực vật đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm.

Nhưng thực tế về mối quan tâm của người Mỹ đối với thịt thực vật đã được chứng minh là phức tạp hơn các nhà đầu tư nghĩ. Việc người tiêu dùng lựa chọn các nguyên liệu thay thế thịt đã cho thấy tốc độ chậm hơn so với kỳ vọng của các nhà sản xuất thịt thực vật. Hiện nay Beyond Meat được định giá chỉ hơn 900 triệu đô la Mỹ. Đó là một sự sụt giảm giá trị nghiêm trọng.

Bế tắc vì lạm phát

Theo nhà cung cấp dữ liệu Spins, doanh số thịt thực vật ở Mỹ đã giảm 0,4% trong 32 tuần tính đến đầu tháng 8, sau khi giảm 0,5% vào năm 2021. So với năm 2020, doanh số bán hàng ở Mỹ tăng trưởng đến 46%.

Xu hướng tiêu dùng thịt thực vật tại Mỹ thoái trào vì lạm phát
Thị trường thịt thực vật được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại khi hết lạm phát.

Số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Kantar cho thấy sau khi ghi nhận mức tăng trưởng cao trong hai năm qua ở Anh, doanh số các loại thịt làm từ thực vật chỉ tăng 2,5% trong 36 tuần tính đến đầu tháng 9.

Jeff Crumpton, quản lý cấp cao tại Spins, cho biết những người theo chế độ ăn linh hoạt (flexitarians), chỉ ăn một lượng thịt vừa phải, đã cân nhắc lại về các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật trong bối cảnh áp lực chi phí sinh hoạt đè nặng lên ngân sách của họ do giá thực phẩm tăng cao.

“Họ đang phải đưa ra quyết định khó khăn về cách phân bổ ngân sách chi tiêu”, Crumpton nói.

Theo các nhà phân tích trong ngành, thịt làm từ thực vật đặc biệt dễ bị người tiêu dùng quay lưng vì chúng thường có giá bán lẻ cao hơn thịt thật. Tại Mỹ, một pound (0,453 kg) thịt bò xay làm từ thực vật của Công ty Beyond Meat, có giá 8,35 đô la hồi tháng 6, trong khi đó, giá thịt bò xay thật có giá gần 4,90 đô la/pound.

Ngay cả trước năm nay, khi lạm phát và suy thoái chưa phải là mối lo ngại lớn, thị trường thịt thực vật đã chùng xuống do sự hưng phấn ban đầu của người tiêu dùng đối với chúng hạ nhiệt.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều chuyên gia và doanh nghiệp giữ hy vọng lạc quan về thị trường thịt thực vật trong dài hạn.

Maple Leaf Foods, nhà sản xuất thịt đóng gói của Canada, cảnh báo triển vọng phục hồi doanh số các sản phẩm thịt thực vật đang dần tắt.

Tuy nhiên, công ty này vẫn đang đặt cược rằng thị trường thịt thực vật có thể tăng 10-15% mỗi năm một khi lạm phát giảm xuống.

Jessica Moulton, đối tác cấp cao tại hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, cho rằng có lý do để lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường thịt thực vật.

“Thị trường thực phẩm thường khá ổn định. Sự trỗi dậy mạnh mẽ thịt thực vật trong vài năm qua là rất bất thường. Tốc độ tăng trưởng của thịt thực vật đang giảm đi, nhưng đã có một sự thay đổi cơ bản về cách chúng ta ăn uống, điều mà chúng tôi nghĩ là sẽ duy trì lâu dài”, bà Moulton nói.