Cụ thể, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng vốn, tăng 4,9%; Vốn khu vực ngoài nhà nước ước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%, tăng 4,2%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,0%, tăng 8,9%.

Trong tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I/2024 ước đạt 97748,4 tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức đạt kế hoạch năm cao nhất trong các quý I từ năm 2019 đến nay: Năm 2019 đạt 13,3%; năm 2020 đạt 11,8%; năm 2021 đạt 13,7%; năm 2022 đạt 12,9%; năm 2023 đạt 12,9%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2024 ước đạt gần 614 nghìn tỷ đồng
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2024 ước đạt gần 614 nghìn tỷ đồng

Kết quả này đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm 2024, khẳng định sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của các Bộ ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, theo cơ quan thống kê, các tháng đầu năm còn tập trung vào việc phân giao kế hoạch vốn, và có kỳ nghỉ tết Nguyên tán, một số vướng mắc khó khăn đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa được xử lý triệt để nên đã tác động nhất định làm chậm tiến độ thực hiện nguồn vốn đầu tư công.

Để thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn nữa vốn đầu tư toàn xã hội các quý tiếp theo của năm 2024, cần thực hiện một số giải pháp như: Các Bộ ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan. Thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; củng cố niềm tin của thị trường cần có những biện pháp bảo đảm an toàn thị trường để các nhà đầu tư tư nhân đã gia nhập thị trường sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, còn các nhà đầu tư tiềm năng thì sẵn sàng đưa vốn ra nhập thị trường.

Ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư và duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam.

Rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, đặc biệt quan tâm đến các ngành có khả năng đóng góp cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.

Bộ ngành cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các chính sách đã ban hành cũng như ban hành các chính sách mới trong thời gian tới về chính sách tài khóa, tiền tệ thiết thực và cụ thể đến từng đối tượng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi, ổn định, tiếp tục rót vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tạo tiền để quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư FDI.

Chú trọng nghiên cứu và ban hành các giải pháp, chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhóm giải pháp hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quản trị… từ đó đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân.

Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch triển khai thực hiện dự án; Đồng thời chú trọng công tác chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự án, thủ tục đấu thầu, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân, tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ các tháng đầu năm, không để dồn đến cuối năm.

Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo sát sao chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện các dự án đã được giao vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp, khởi công các công trình, dự án mới đã được phê duyệt đầu tư theo đúng kế hoạch đề ra.

Xây dựng quy chế yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thường xuyên báo cáo cơ quan cấp trên tiến độ triển khai và giải ngân của từng dự án, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Đối với những dự án thực hiện không đúng tiến độ, giải ngân chậm thì cần kịp thời điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, đảm bảo thực hiện và giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư.

Tăng cường công tác phối hợp các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, tập trung giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư, tạo động lực để tăng trưởng thu hút các nguồn đầu tư mới cũng như các nguồn vốn mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.

Hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút những dự án đầu tư tiềm năng.