Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, MCK: HNR) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với tổng doanh thu 18 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng gần 20 tỷ đồng, giảm 16%, lợi nhuận gộp lỗ 2,5 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ lãi 2,2 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 11%; chi phí bán hàng 6,7 tỷ đồng, tăng 4%; chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 4,3 tỷ đồng, tăng 17%.

Sau khi khấu trừ chi phí, HNR báo lỗ ròng hơn 12,3 tỷ đồng.

Vodka Hà Nội chìm trong thua lỗ - 1

Halico liên tiếp 13 quý chìm trong thua lỗ.

Lãnh đạo Halico lý giải nguyên nhân lỗ do chi phí quản lý, chi phí bán hàng tăng là hai khoản mục ăn mòn lợi nhuận gộp cùng với bổ sung khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, HNR ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt 53 tỷ đồng; lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng, giảm 13%. HNR lỗ lũy kế gần 458 tỷ đồng.

Được biết, năm 2021 HNR đặt kế hoạch doanh thu 198 tỷ đồng, lỗ trước thuế 30 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ dự kiến 2,76 triệu lít. Như vậy, sau 6 tháng doanh nghiệp mới thực hiện được 27% kế hoạch doanh thu.

Lý giải về kế hoạch thua lỗ triền miên, ban lãnh đạo cho rằng nguyên nhân xuất phát từ thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, bao bì. Công ty cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu khác và tình trạng trốn thuế, hàng nhái của các cơ sở tư nhân.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản HNR đạt 382 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 215 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn có hơn 95 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 15 tỷ đồng xuống còn gần 9 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng giảm mạnh từ 72 tỷ xuống 68 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn 167 tỷ đồng, doanh nghiệp không còn các khoản phải thu dài hạn. Dự án dây chuyền sản xuất cồn khô không còn ghi nhận tại danh mục chi phí xây dựng dở dang. Trước đó, liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất cồn rượu và hồ xử lý nước thải, báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Halico cho thấy, tại ngày 31/12/2020, công ty đang ghi nhận giá trị xây dựng cơ bản dở dang gần 1,4 tỷ đồng của dự án đã bị dừng từ năm 2012.

Lãnh đạo Halico cho biết không có kế hoạch và cũng không cho rằng dự án này có thể tiếp tục đầu tư và giá trị thanh lý là không đáng kể.

Tính đến cuối tháng 6, nợ phải trả (chủ yếu là nợ ngắn hạn) của Halico ghi nhận hơn 26 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Halico tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, đặt tại 94 Lò Đúc. Công ty cổ phần hoá năm 2006 thì 5 năm sau có đối tác chiến lược là Diageo Singapore Private Ltd, trong đó Steecar Investment Holding Pte Ltd đại diện vốn và hỗ trợ về tiếp thị, bán hàng, sản xuất.

Halico có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chiếm chủ yếu với 54,29%, Streecar Investment Holding nắm giữ 45,57%.