Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) tiếp tục tăng so với quý I/2024 và cuối năm 2023.

Trước đó, nợ xấu vào cuối quý IV/2023 từng giảm khoảng 15.000 tỷ đồng so với quý liền trước.

Sau 6 tháng đầu năm, số dư nợ xấu các ngân hàng nói trên đã tăng thêm tổng cộng 46.719 tỷ đồng hay 20,8% so với cuối năm 2024. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý I/2024 của 28 ngân hàng (không bao gồm Agribank), nợ xấu đã tăng thêm 14,4% so với cuối năm ngoái.

Có 27/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu đi lên, trong đó dẫn đầu là hai ông lớn Big4. Cụ thể, số dư nợ xấu của VietinBank tăng 8.038 tỷ đồng, hay 48,4% lên 24.646 tỷ đồng; nợ xấu BIDV tăng 6.319 tỷ đồng hay 28,3% lên 26.687 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, có hai ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu giảm sau nửa đầu năm là SHB và PG Bank. Trong đó, số dư nợ xấu của SHB giảm 362 tỷ đồng hay 2,7%, tiếp nối xu hướng giảm đã ghi nhận trong quý đầu năm. Nợ xấu của PG Bank cũng 50 tỷ đồng hay 5%.

TOP 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất nửa đầu năm 2024

Trong hai quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của 29 ngân hàng trên đã tăng 20,8% trong khi cho vay chỉ tăng 7,3%. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng 0,24 điểm % so với cuối năm ngoái, lên 2,17 %.

Nếu loại trừ Agribank, tỷ lệ nợ xấu là 2,22%, tăng 0,04 điểm % so với cuối quý I và 0,28 điểm % so với cuối năm ngoái. Trước đó vào quý IV/2023, tỷ lệ nợ xấu từng giảm khoảng 0,31 điểm % so với quý liền trước.

Vietcombank vươn lên dẫn đầu danh sách ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, ở mức 1,2%, tăng 0,22 điểm % so với cuối năm ngoái. So với cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã có sự cải thiện nhẹ.

Techcombank duy trì vị trí thứ hai, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,23%, tăng 0,07 điểm %. Trước đó, trong quý I tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này từng giảm so với cùng kỳ. ACB tăng ba bậc, vươn lên vị trí thứ hai với tỷ lệ nợ xấu 1,48%, tăng 0,27 điểm % so với cuối năm ngoái.

Bac A Bank, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất vào cuối quý I và cuối năm ngoái đã tụt xuống hạng 4. Tỷ lệ nợ xấu của Bac A Bank đã tăng 0,56 điểm % chỉ sau 6 tháng, lên 1,48%. Trong khi đó, BIDV vươn lên vị trí thứ 5.

Những vị trí còn lại trong TOP 10 lần lượt thuộc về VietinBank, MB, LPBank, Agribank và SeABank. Trong đó, Agribank và SeABank là hai ngân hàng ghi nhận chất lượng tài sản cải thiện trong nửa đầu 2024 nhờ có tăng trưởng cho vay tăng trưởng nợ xấu.

MB cũng đã trở lại TOP 10. Vào quý I/2024, số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 56% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên tính đến cuối quý II, mức tăng giảm chỉ còn 12,4%.

So với cuối năm ngoái, có 5 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm là Agribank (giảm 0,01 điểm %), Eximbank (giảm 0,01 điểm %). SeABank (giảm 0,03 điểm %), SHB (giảm 0,23 điểm %) và PGBank (giảm 0,24 điểm %).

Dù tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng nhích lên do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới "sức khỏe" của doanh nghiệp, song việc trích lập dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng giảm so với giai đoạn cuối năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cung ra thị trường trong bối cảnh tín dụng đang được đẩy tăng mạnh trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 15%.

Tuy nhiên, ông Lê Hoài Ân, Ban cố vấn Công ty dữ liệu Wingroup cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đã có trích lập dự phòng nhiều. Giai đoạn trước, tỷ lệ trích lập dự phòng trên 100% của cả hệ thống ngân hàng, nếu tính số nợ xấu đang ghi nhận, số trích lập đã đủ để xử lý nợ xấu. Do đó, giai đoạn này trích lập dự phòng giảm nhưng vẫn đảm bảo trên 80%.

Hiện nay, mỗi ngân hàng cũng có cách riêng để kiểm soát nợ xấu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay: "Có những ngân hàng thành lập cả một đội nhóm thu hồi và xử lý nợ xấu, phân tích từng khoản nợ đi thu hồi xử lý từ hệ thống trung ương tới địa phương, không để các chi nhánh manh mún tự tổ chức thu hồi nợ nữa mà phải có một hệ thống trung tâm thu hồi nợ xấu ở trụ sở chính của ngân hàng".

Tại Tọa đàm Data Talk số tháng 8/2024, ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng, đánh giá tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đang ở mức khá cao và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

"Nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết chỉ ở mức 2,2%, nợ xấu lớn thường tại những ngân hàng không niêm yết, một số ngân hàng quy mô nhỏ", ông cho biết.