Hà Nội: Khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng 1.216 biệt thự

Mục đích của việc khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ các biệt thự và một số công trình kiến trúc khác để xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm, có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành. Việc khảo sát, đánh giá chất lượng cũng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.

UBND thành phố yêu cầu việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng 1.216 biệt thự (theo danh mục biệt thự xây dựng từ trước năm 1954 ban hành kèm theo Quyết định số 1845/QĐ- UBND ngày 2/6/2022 của UBND thành phố) và một số công trình kiến trúc khác được thực hiện theo quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng tại Quyết định số 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016.

Việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng được ưu tiên với 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác, xây dựng từ trước năm 1954, thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý để phục vụ kế hoạch của UBND thành phố về bảo tồn, chỉnh trang theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy theo tiêu chí: Đã được đánh giá xếp nhóm 1, nhóm 2; thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không được bán, hiện Nhà nước quản lý, sử dụng; các biệt thự, công trình kiến trúc khác có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc; các biệt thự, công trình kiến trúc khác đang sử dụng làm trụ sở, các đại sứ quán; các biệt thự, công trình kiến trúc khác xuống cấp, chưa được cải tạo, sửa chữa (khoảng 3-5 năm).

Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang từ năm 2014 đến nay. Ảnh: Quang Phong
Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang từ năm 2014 đến nay. Ảnh: Vietnamnet

Việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý được yêu cầu thực hiện xong trước ngày 30/9/2023. Với toàn bộ 1.192 biệt thự, thành phố đưa ra hạn thời gian xong trước ngày 30/6/2024.

UBND thành phố khuyến khích các chủ sở hữu, quản lý, sử dụng tự bỏ kinh phí đánh giá, kiểm định, đánh giá chi tiết chất lượng công trình để sớm có phương án bảo tồn, chỉnh trang biệt thự và công trình kiến trúc khác xây dựng từ trước năm 1954.

Sau khi có kết quả đánh giá, kiểm định biệt thự và công trình kiến trúc khác xây dựng từ trước năm 1954, thành phố sẽ đầu tư kinh phí để chỉnh trang, bảo tồn các công trình do thành phố quản lý. Thành phố thông báo kết quả, danh sách các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm do Trung ương quản lý hoặc các tổ chức, cá nhân khác đã được khảo sát bằng phương pháp chuyên gia, xác định là biệt thự và khuyến nghị các cơ quan Trung ương sớm bố trí kinh phí để kiểm định chi tiết chất lượng biệt thự, từ đó có giải pháp, phương án chỉnh trang, bảo tồn biệt thự.

Đề xuất tạm dừng 3 dự án để bổ sung vốn cho dự án đường nghìn tỷ

Ngày 7/4, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả rà soát các dự án dừng, điều chuyển vốn để bổ sung thêm phần kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh tại Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.

Theo nội dung văn bản, trước đó tại Kết luận số 818 ngày 21/2/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cân đối nguồn ngân sách địa phương để bổ sung thêm phần kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát các dự án thuộc kế hoạch trung hạn 2021-2025 chưa triển khai thi công xây dựng, chưa thực sự cấp bách để tạm dừng, điều chuyển vốn.

Qua rà soát, đánh giá điều kiện, tình hình thực tế của từng dự án, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị tạm dừng thực hiện, điều chuyển vốn đối với 3 dự án trong giai đoạn 2021-2025, ưu tiên bổ sung thêm phần kinh phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, Dự án Hệ thống cấp nước liên xã Cư Króa, xã Cư M'ta, Krông Jing và thị trấn M'đrắk, huyện M'đrắk (có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh) bị đề xuất tạm dừng.

Bởi vị trí, địa điểm trạm bơm nước, hướng tuyến ống nước chưa có quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch sử dụng đất; chưa có văn bản thỏa thuận về nguồn cung cấp nước của đơn vị quản lý nguồn nước.

Bên cạnh đó, việc đầu tư dự án làm ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ (Núi Vọng Phu); việc khai thác nguồn nước từ suối Thác Bay không đảm bảo và dự án nếu thực hiện thì tổng mức đầu tư tăng thêm 39,391 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dự án Trục đường số 14 thuộc quy hoạch phân khu 1/2000 khu đô thị mới đồi thủy văn (đoạn từ cuối đường Ama Khê đến đường Đông - Tây), TP Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư là 180 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cũng được đề xuất tạm dừng thực hiện.

Theo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk, lý do đề xuất dừng dự án này vì còn vướng mắc quy hoạch xây dựng, để triển khai thực hiện được thì phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 khu đô thị mới đồi thủy văn và Hồ Ea Tam.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch cần có nhiều thời gian để thực hiện, sau đó mới triển khai các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư; lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Do đó, chưa thể triển khai ngay được trong năm 2023, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Tiếp đó, Dự án đầu tư xây dựng và chỉnh trang đô thị khu trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng (trong đó hơn 79 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương là hơn 30 tỷ đồng).

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, bị đội vốn hơn 330 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, bị đội vốn hơn 330 tỷ đồng. Ảnh: Tiền Phong

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất điều chuyển số vốn hơn 79 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh của dự án để bố trí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, sử dụng hơn 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để chuẩn bị đầu tư và một số công việc khác ở giai đoạn đầu. Sau khi thực hiện xong công tác chuẩn bị thì tiếp tục thực hiện dự án.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk nêu lý do điều chuyển vốn tại dự án nói trên là chưa lựa chọn được phương án kiến trúc tổng thể phù hợp với vị trí trung tâm thành phố, chủ đầu tư và các ngành chức năng tiếp tục tổ chức thi tuyển phương án, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đề xuất phương án kiến trúc.

Đồng thời, dự kiến phương án đầu tư xây dựng mới dự án thì tổng mức đầu tư tăng lên khoảng 500 tỷ đồng.

Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Lắk, với phương án dừng và điều chuyển vốn của 3 dự án trên, có tổng số vốn khoảng 349 tỷ đồng. Số vốn này dự kiến bố trí đủ cho chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng thêm của Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, khoảng 332 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 10/4/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.

Theo đó, Ban QLDA được giao làm chủ đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột và triển khai các thủ tục theo quy định hiện hành.

Dự án có tổng chiều dài 39,606km; 6 nút giao; 6 cầu bê tông cốt thép nhịp > 24m và 6 hầm chui dân sinh. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.509,1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thi công xây dựng dự án vẫn còn chậm khoảng 38% so với kế hoạch, nguyên nhân do vướng mắc mặt bằng thi công.

Om phí bảo trì chung cư, Công ty bất động sản (BĐS) Phú Thịnh bị phạt 180 triệu đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Bất động sản Phú Thịnh (Công ty BĐS Phú Thịnh) địa chỉ tại trụ sở tại KCN Phan Thiết, xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do ông Trần Thanh Đức làm người đại diện pháp luật.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, Công ty BĐS Phú Thịnh đã không bàn giao kinh phí bảo trì và lãi suất tiền gửi kinh phí bảo trì (phần sở hữu chung) nhà chung cư cho Ban Quản trị nhà chung cư số 4 Huyền Trân Công Chúa, phường 5, TP Đà Lạt. Số tiền cần ban giao là 546 triệu đồng và phần lãi suất tiền gửi.

Tin tức bất động sản ngày 8/4: Hà Nội khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng 1.216 biệt thự
Công ty BĐS Phú Thịnh bị phạt 180 triệu đồng do có hành vi "om" phí bảo trì chung cư tại dự án chung cư nhà ở xã hội Phú Thịnh. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp

Do vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty BĐS Phú Thịnh số tiền 180 triệu đồng, buộc phải bàn giao số tiền 546 triệu đồng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và phần lãi suất tiền gửi theo quy định cho Ban Quản trị nhà chung cư số 4 Huyền Trân Công Chúa.

Dự án chung cư nhà ở xã hội Phú Thịnh tại số 4 Huyền Trân Công Chúa có tổng diện tích đất 1.054m2 với mức đầu tư gần 27 tỷ đồng. Chung cư quy mô một tầng bán hầm và 5 tầng nổi; tổng diện tích sàn xây dựng hơn 3.600m2 với 42 căn hộ. Dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2021.

Sắp ra mắt Dự án phố thương mại New Orchard tại Thái Nguyên

New Orchard có vị trí tọa lạc tại đường Cách Mạng Tháng 8, phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Dự án nằm trên tuyến đường nối liền đến tuyến Quốc lộ 3 và nằm gần tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, thuận tiện cho việc di chuyển đến các khu vực trong vùng và các tỉnh lân cận.

New Orchard Sông Công có tổng diện tích chỉ 13.256,3 m2 với mật độ xây dựng 25,52%, công viên cây xanh 8,02%, trung tâm thương mại 36,07%. Được quy hoạch xây dựng theo phong cách Singapore.

Dự án New Orchard cung cấp ra thị trường 45 sản phẩm shophouse (3 tầng và 1 tum) và 1 trung tâm thương mại. Các sản phẩm shophouse được thiết kế với 3 block bao gồm:

Block SH1: Gồm 22 căn chia làm 2 dãy quay lưng đối xứng nhau, diện tích điển hình là 62,5 m2 (5×12,5 m).

Block SH2: Gồm 15 căn diện tích điển hình là 75 m2 (5x15 m).

Block SH3: Gồm 8 căn, diện tích điển hình 75 m2 (5x15 m).

Dự án sở hữu hệ thống tiện ích nội khu với tuyến phố thương mại, công viên, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, từ dự án New Orchard Sông Công có thể dễ dàng di chuyển đến: Chợ trung tâm thành phố Sông Công 20 m, siêu thi điện máy HC Sông Công 200 m, nhà máy Diezen Sông Công 2 km, trung tâm y tế thành phố Sông Công 2 km và cách nhà máy SamSung Thái Nguyên 11 km.

New Orchard Sông Công
Phối cảnh Dự án phố thương mại New Orchard Sông Công.

Chủ đầu tư dự án New Orchard Thái Nguyên là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Enterland, đơn vị phát triển dự án NewstarGroup, đơn vị tư vấn chiến lược NewstarHomes, đơn vị phân phối dự án Phú Khang Land.

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Enterland được thành lập ngày 12/02/2015, đặt trụ sở tại tầng 2 - CT1 - Ecogreen City, 286 Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp đồng thời cũng là chủ sở hữu của dự án New Vegas Hà Tiên, được ra mắt vào cuối năm 2022 tại tỉnh Kiên Giang.

Ngày 10/11/2022, NewstarHomes và Phú Khang Land đã thực hiện lễ ký kết độc quyền phân phối dự án New Orchard.

Dự án được dự kiến hoàn thành cơ sở hạ tầng vào tháng 3/2023, tháng 4 hoàn thành công viên New Orchard và đến quý IV bắt đầu bàn giao nhà.