HoREA kiến nghị không tăng thuế TNCN khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị UBND TP HCM, Sở Tài chính không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở và không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại TP HCM vào thời điểm hiện nay vì không hợp tình hợp lý.

Đặc biệt hiện nay là trong lúc thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân nhìn chung đang bị sụt giảm và cả nước đang trong quá trình nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 lại phải đương đầu với những thách thức rất lớn của “các cơn gió ngược” tác động từ bên ngoài.

Theo HoREA, đề xuất này cũng không phù hợp với lộ trình dự kiến đến khoảng năm 2025 thì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế, trong đó có đề án về Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản).

HoREA kiến nghị không tăng thuế TNCN khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên. Ảnh minh họa
HoREA kiến nghị không tăng thuế TNCN khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên. Ảnh minh họa

Nhất là hiện nay Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ “khung giá đất” và giao cho cấp tỉnh ban hành “bảng giá đất” hàng năm theo nguyên tắc “việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường”, có nghĩa là giá đất trong “bảng giá đất” sẽ cao hơn và không còn tình trạng giá đất quá thấp, chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất trên thị trường như hiện nay.

Hiện, mức thuế suất sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở tính trên mức giá của bảng giá đất hiện nay: áp dụng thuế suất 0,03% với diện tích đất ở trong hạn mức; 0,07% với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức; 0,15% với phần tiện tích đất ở vượt quá 3 lần hạn mức.

“Nếu tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở theo phương án thí điểm thì sẽ làm tăng thêm mức chịu thuế của người dân tại TP HCM. Nếu vậy càng không hợp lý bởi lẽ chỉ trong khoảng 2 năm nữa thì sẽ xem xét sửa đổi các luật thuế, trong đó có dự kiến bổ sung thuế tài sản và dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét ban hành vào cuối năm 2023”- ông Châu phân tích.

Hiệp hội nhận thấy, với đề xuất thí điểm “tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên” với mức thuế suất tăng khá cao so với mức thuế suất hiện nay là 2% giá trị hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất thì người bán, chuyển nhượng nhà đất thứ 2 tại TP HCM sẽ phải nộp thêm tiền thuế do “được thí điểm trước” là không hợp tình hợp lý.

HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng Đề án Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản), trong đó có nghiên cứu đánh thuế người có nhiều nhà đất, hoặc chậm hoặc không đưa nhà đất vào sử dụng thì cần phải đánh giá tác động của luật thuế thật đầy đủ, chính xác đối với các đối tượng chịu thuế, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân để luật thuế vừa tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, vừa phù hợp với đối tượng chịu thuế, vừa bồi dưỡng nguồn thu, không tận thu, vừa là công cụ hiệu quả để điều tiết thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Thái Nguyên: Kêu gọi đầu tư Khu đô thị Quyết Thắng gần 1.500 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản kêu gọi đầu tư tại Khu đô thị Quyết Thắng.

Theo đó, dự án Khu đô thị Quyết Thắng có quy mô diện tích là 430,844m2, tọa lạc tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 1.496 tỷ đồng; trong đó chi phí thực hiện dự án là 750 tỷ đồng, còn lại 746 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thời hạn hoạt động của dự án Khu đô thị Quyết Thắng là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện đến quý 2/2027. Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là trước 15 giờ ngày 31/3/2023.

Bên cạnh thông tin sơ bộ của dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cũng nêu ra một số tiêu chuẩn để lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Cụ thể, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 225 tỷ đồng (không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư).

Về kinh nghiệm, chủ đầu tư phải từng là chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính của 1 dự án. Nếu là dự án loại 1, dự án phải được hoàn thành trong vòng 7 năm trở lại đây và phải có tổng mức đầu tư tối thiểu là 898 tỷ đồng (tương đương 60% tổng mức đầu tư), trong đó nhà đầu tư phải góp tối thiểu 135 tỷ đồng. Nếu là dự án loại 2 hoặc loại 3 thì phải hoàn thành trong vòng 5 năm trở lại đây và có giá trị tối thiểu là 375 tỷ đồng (tương đương 50%).

Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023. Trong năm nay, Thái Nguyên sẽ thu hút kêu gọi đầu tư đối với 276 dự án nhà ở thương mại, 8 dự án nhà ở xã hội và 20 dự án tái định cư.

Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất để xây nhà ở trong 2023 là 1.639ha, trong đó: nhà ở thương mại 1.225ha, nhà ở xã hội 134 ha và nhà ở tái định cư 280ha. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là 10.387 tỷ đồng.

55 hộ dân trong đường kết nối sân bay Long Thành bốc thăm tái định cư

UBND huyện Long Thành ( tỉnh Đồng Nai) vừa tổ chức bốc thăm vị trí đất tái định cư cho 55 hộ dân trong quy hoạch tuyến đường T1, thuộc dự án Sân bay Long Thành.

Việc bốc thăm được tiến hành ngẫu nhiên. Trong đó, ngành chức năng phân loại các gia đình được cấp đất tái định cư thành từng nhóm gồm: lô trục đường, nhà ở liên kế, nhà vườn, lô tối thiểu. Quy trình bốc thăm chọn vị trí đất tái định cư đảm bảo tính công bằng.

Các hộ sau khi bốc thăm sẽ được hướng dẫn, tạo điều kiện để sớm triển khai xây dựng nhà ở.

55 hộ dân trong đường kết nối sân bay Long Thành bốc thăm tái định cư
55 hộ dân trong đường kết nối sân bay Long Thành bốc thăm tái định cư,

Dự án thành phần 4 (sân bay Long Thành) gồm 2 tuyến đường T1 và T2, với tổng diện tích đất thu hồi là 126 ha của 765 trường hợp và đất giao thông, thủy lợi, sông suối.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã hoàn tất công tác kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, hiện đang khẩn trương tiến hành các bước áp giá đền bù, hỗ trợ theo quy định và sẽ tiến hành công bố, chi trả trong thời gian sớm nhất.

Hiện đơn vị cũng đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã Long An và Long Phước, thực hiện xác minh và xét duyệt tái định cư theo quy định cho những hộ còn lại.

Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi diện tích đất 5.000 ha với hơn 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong số này, có hơn 4.300 hộ dân bị giải tỏa trắng và thuộc diện phải bố trí tái định cư.

Dự án khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh II tại Quảng Ninh

Deep C Quảng Ninh II (hay còn gọi là Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong) có vị trí tọa lạc tại xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự án nằm ngay tuyến đường và cầu vượt Phong Lưu, liền kề cao tốc Hạ Long Hải Phòng thuận tiện cho việc di chuyển và lưu thông đến các khu vực lân cận.

Khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh II có tổng diện tích 1.193 ha với tổng mức đầu tư lớn gần 7.000 tỷ đồng tương đương trên 315 triệu USD. Dự án thuộc cụm Khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh có diện tích 1.680,3 ha.

Dự án Khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh II được quy hoạch xây dựng với các ngành công nghiệp chính như logistics, cảng biển, hóa chất hóa dầu.

Từ dự án kết nối đến các cảng biển lớn và các tuyến đường cao tốc phục vụ cho công nghiệp như: Cách cảng Đình Vũ 15 km, cách cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi 20km, cách cảng nước sâu Lạch Huyện 30 km, cách cảng nước sâu Cái Lân 40 km, cách cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn 80 km, kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng - Hạ Long – Móng Cái.

Quy mô dự án Deep C Quảng Ninh II
Quy mô dự án Deep C Quảng Ninh II.

Chủ đầu tư dự án Deep C Quảng Ninh II là Cổ phần Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, được thành lập ngày 26/12/2016, đặt trụ sở tại số 23 Khu đô thị Vinhomes Dragon Bay Hạ Long, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Được biết dự án Khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh II có tên pháp lý là Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 1792/QĐ-TTg ngày 16/09/2016 cho liên danh Công ty tập đoàn Quốc tế CDC (Đảo Cayman), Công ty TNHH Tiện ích Trung Đông (Singapore), Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Á Châu Hồng Kông và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 23/09/2016.

Dự án có thời hạn hoạt động là 50 năm, thực hiện theo 03 giai đoạn: Giai đoạn I (từ năm 2017 đến năm 2021) hoàn thành việc san lấp mặt bằng và xây dựng giai đoạn I. Giai đoạn II (từ năm 2022 đến năm 2031) hoàn thành việc san lấp mặt bằng và xây dựng giai đoạn II; Giai đoạn III (từ năm 2032 đến năm 2036) hoàn thành việc xây dựng hoàn thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

Ngày 19/01/2022, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (do Warburg Pincus và Becamex IDC đồng sáng lập) đã mua lại khu đất đắc địa có diện tích khoảng 7,4 ha trong Khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh II.

Ngày 12/01/2023, tại dự án Khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh II đã khởi công dự án phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong với tổng diện tích quy hoạch 7,4 ha, tổng mức đầu tư 20,5 triệu USD.

Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao để phục vụ cho các dự án sản xuất, thuộc Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2023.

Ngày 12/2/2023, tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai nhà đầu tư Đài Loan là Boltun Corporation và QST International Corporation dự án Boltun Việt Nam. Dự án sẽ xây dựng nhà máy với quy mô 35,27 ha tại Khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh II với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD (tương đương 4.080,45 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, dự án Boltun Việt Nam được chia thành hai giai đoạn với tổng công suất thiết kế là 60.000 tấn/năm. Giai đoạn 1 dự kiến khởi công vào quý II/2023.