Hà Nội thống nhất hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố vừa tổ chức cuộc họp rà soát các nội dung liên quan đến hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, về hướng tuyến qua địa phận thành phố, các bên thống nhất giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ GTVT vào tháng 12/2018.

Cụ thể, vị trí nhà ga dự kiến bố trí Depot đầu tuyến tại huyện Thường Tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85ha).

Qua rà soát quy hoạch vị trí nhà ga của các loại hình đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị), đơn vị Tư vấn thẩm tra đề xuất Tư vấn thiết kế mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia.

Hà Nội dự kiến bố trí Depot đầu tuyến tại huyện Thường Tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85ha). Ảnh minh họa
Hà Nội dự kiến bố trí Depot đầu tuyến tại huyện Thường Tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85ha). Ảnh minh họa

Liên ngành nhận thấy nội dung đề xuất của đơn vị Tư vấn thẩm tra là phù hợp, tuy nhiên cần tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi làm cơ sở để thành phố Hà Nội rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan; thống nhất đề xuất bỏ vị trí depot tại huyện Thường Tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6 km) và tích hợp depot này vào tổ hợp ga Ngọc Hồi, để tăng diện tích phát triển đô thị hai bên Vành đai 4.

Liên ngành cũng thống nhất với đề xuất của Tư vấn thẩm tra, trên địa bàn thành phố Hà Nội xem xét bố trí 1 vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2 trong tương lai.

Trên cơ sở tổng hợp các nội dung liên quan đến hướng tuyến, vị trí nhà ga Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua địa bàn thành phố Hà Nội được liên ngành rà soát, Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên theo phương án đã được UBND thành phố Hà Nội có ý kiến thống nhất với Bộ GTVT vào năm 2018.

Khánh Hòa: Loạt doanh nghiệp 'khủng' muốn đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong

Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vừa lên kế hoạch làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư các dự án ưu tiên thu hút vào Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 7-10/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với 8 nhà đầu tư quan tâm đề xuất các dự án ưu tiên thu hút vào khu vực Nam Vân Phong và các khu công nghiệp.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương làm việc về dự án lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp; Công ty Stanvian hóa chất và Công ty Stavian Land làm việc về dự án hóa dầu, công nghiệp; Công ty Cổ phần Trung Nam về dự án năng lượng, công nghiệp.

Các Công ty Cổ phần Sonadezi, Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty Cổ phần SSI, Công ty Cổ phần Sinnec sẽ làm việc về các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp. Riêng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ làm việc về đầu tư xây dựng cảng biển.

Từ ngày 14-15/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp quan tâm đề xuất các dự án tại khu vực Bắc Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh minh họa
Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh minh họa

Cụ thể, Tập đoàn Novaland và Công ty Cổ phần Đầu tư Đất Tâm, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group sẽ làm việc về các dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch. Riêng Tập đoàn Sungroup sẽ làm việc liên quan đến các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển…

Tại buổi làm việc, các nhà đầu tư sẽ giới thiệu tổng quan dự án và quy mô dự án, quy mô sử dụng đất, dự kiến tổng vốn dự án. Đồng thời, sơ bộ đánh giá về tác động, ảnh hưởng môi trường của dự án; hiệu quả kinh tế xã hội của dự án. Đối với dự án công nghiệp, nhà đầu tư phải nêu rõ công nghệ, xuất xứ dây chuyền công nghệ, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra…

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, buổi làm việc nhằm nắm bắt nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch phân khu các khu chức năng tại Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Đồng thời, Ban quản lý cũng thu thập thông tin để có cơ sở tham mưu xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong vừa phù hợp với định hướng đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII thông qua tại Nghị quyết số 25NQ/TW ngày 30/9/2022, vừa phù hợp với nhu cầu thực tế của nhà đầu tư để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của Khu kinh tế Vân Phong.

Hà Giang khởi công đập dâng nước tạo cảnh quan lớn khu vực miền núi phía bắc

Chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), chiều 2/2, tỉnh Hà Giang đã tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng công trình đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang. Đây là công trình đập dâng tạo cảnh quan có quy mô lớn nhất khu vực miền núi phía bắc.

Đập dâng nước được xây dựng trên sông Lô, thuộc địa phần phường Nguyễn Trãi và Minh Khai (thành phố Hà Giang) với các hạng mục chính: Đập dâng có cửa van điều tiết; cầu giao thông, đường nối tiếp; tràn tự do hai bên vai đập; kè bảo vệ bờ phạm vi công trình, gia cố lòng dẫn hạ lưu; điện điều khiển công trình...

Công trình có chiều cao lớn nhất là 17,5m, dâng nước sông lô lên 6m, tạo lòng hồ trong lòng thành phố với chiều dài khoảng 7km, diện tích mặt hồ hơn 53ha, dung tích 2,2 triệu mét khối nước.

Đập sử dụng công nghệ hiện đại để quản lý vận hành như thiết bị nâng hạ đập bằng hệ thống xy lanh thủy lực, hệ thống quan trắc các chỉ tiêu công trình như thấm, ứng suất thân đập, mực nước được tự động truyền số liệu về trung tâm điều hành đập.

Ông Nguyễn Song Tứ, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra ba phương án kiến trúc công trình, đó là: Mô phỏng hình ảnh của cột cờ Lũng Cú; mô phỏng phố cổ Đồng Văn; mô phỏng cánh hoa tam giác mạch. Trong ba phương án này, phương án mô phỏng cánh hoa tam giác mạch thể hiện được ý nghĩa, sức sống của đất và người Hà Giang nên được chọn làm phương án kiến trúc công trình.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 330 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2025.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ đạt được nhiều mục tiêu: Dâng và giữ mực nước ổn định cho sông Lô đoạn qua thành phố Hà Giang vào mùa khô, tạo cảnh quan không gian trung tâm thành phố. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc khai thác nguồn nước mặt cấp cho sản xuất, sinh hoạt vùng ven sông Lô.

Tạo không gian mặt nước thoáng rộng nhằm điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển dịch vụ, du lịch trên sông và hai bên bờ sông. Giảm biên độ lên xuống của mực nước sông, gia tăng độ ổn định bờ sông, đồng thời làm giảm lưu tốc dòng chảy ở chân mái bờ sông, giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ sông.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, đây là dự án trọng điểm. Do đó, yêu cầu chủ đầu tư phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai thi công; chấp hành nghiêm các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng, bảo đảm công trình đập dâng hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng công trình.

Đề nghị Viện khoa học thủy lợi Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tư vấn, nhất là về kỹ thuật, công nghệ, các yêu cầu về thiết kế, thi công, bảo dưỡng, bảo trì để công trình vận hành ổn định, tuyệt đối an toàn, bền vững.

Dự án khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú tại Long An

Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú có vị trí tọa lạc tại mặt tiền Tỉnh lộ 830, thuộc ấp Tam Quý Hạ, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dự án di chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh bằng đường vành đai 3 và 4, trục hành lang kinh tế thành phố Hồ Chí Minh dọc theo Quốc lộ 22 gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú có tổng diện tích quy hoạch 262 ha với quy hoạch sử dụng đất bao gồm:

Đất nhà máy, kho tàng: 176,24 ha chiếm 67,27%.

Đất công trình hành chính, dịch vụ: 5,2 ha chiếm 1,99%.

Đất các khu kỹ thuật: 2,6 ha chiếm 1%.

Đất giao thông: 46,87 ha chiếm 17,89%.

Dự án Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án có diện tích 105,47 ha và giai đoạn 2 có diện tích 156,59 ha. Dự kiến sẽ thu hút khoảng 40.000 lao động và chuyên gia.

Với các hạng mục xây dựng tại dự án bao gồm: Khu công nghiệp, khu nhà ở chuyên gia, khu bến cảng, khu trạm xăng dầu, khu công viên cây xanh, khu công cộng.

Phối cảnh Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú.
Phối cảnh Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú.

Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú sở hữu khả năng liên kết vùng thuận tiện, hỗ trợ di chuyển đến các khu vực bao gồm: cách đường Xuyên Á 15 km, cách tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương 30 km, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 35 km, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 40 km, Cách cảng Hiệp Phước 50 km, cách sân bay Long Thành 60 km…

Chủ đầu tư dự án Trần Anh Tân Phú Long An là Công ty Cổ phần Đầu tư DNN Tân Phú, được hoạt động ngày 05/08/2009, đặt trụ sở tại 2977/8/1 Quốc lộ 1A, Khu biệt thự Hoàng Gia, khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết dự án Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú có tên pháp lý là Khu công nghiệp DNN – Tân Phú, được phê duyệt quy hoạch 1/500 khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp Tân Phú và phê duyệt quyết định 1/2.000 Khu công nghiệp DNN – Tân Phú.

Dự án đã được chính thức khởi công vào ngày 30/7/2020. Hiện các lô đất nền nhà xưởng đang được chủ đầu tư chào bán với giá từ 65 USD/m2 (có thời hạn đến 10/06/2061).

Liền kề dự án Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú là dự án Khu dân cư - Tái định cư tại xã Tân Phú có diện tích 20 ha.

Ngày 10/6/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú và dự án Khu dân cư - Tái định cư tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.