Đất tái định cư hộ phụ dự án sân bay Long Thành lên hơn 2.400 lô

Theo UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, hiện nay số lượng lô tái định cư hộ phụ phát sinh, cộng thêm số lô đất cũ của dự án sân bay Long Thành là hơn 2.400 lô. Trong khi đó, khi tiến hành khảo sát như trước đây thì cơ quan chức năng ghi nhận cần khoảng 900 lô đất để tái định cư hộ phụ.

Nguyên nhân là do có nhiều trường hợp mua bán, cho tặng đất bằng giấy viết tay; chưa đủ điều kiện tách thửa hoặc trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống.

Hiện nay, các đơn vị đã tăng các lô đất tái định cư hộ phụ trong phân khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn để phục vụ dự án sân bay Long Thành. Diện tích mỗi lô đất là 80 m2, đồng thời, điều chỉnh lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phục vụ nhu cầu điện, nước cho người dân.

Tính đến tháng 7-2023, huyện Long Thành đã xét duyệt khoảng 4.200 hộ được bố trí tái định cư. Ảnh: TL
Tính đến tháng 7-2023, huyện Long Thành đã xét duyệt khoảng 4.200 hộ được bố trí tái định cư. Ảnh: TL

Cũng theo bản tin trên, tính đến tháng 7/2023, huyện Long Thành đã xét duyệt khoảng 4.200 hộ được bố trí tái định cư, trong đó, khoảng 2.000 hộ đã xây dựng nhà, chuyển đến khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn sinh sống.

Theo tính toán, để xây dựng sân bay Long Thành, ngành chức năng cần thu hồi 5.000 ha diện tích đất, trong đó, gần 3.000 ha diện tích đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân. Huyện Long Thành đã bàn giao xong mặt bằng trong giai đoạn 1 với hơn 2.500 ha đất cho chủ đầu tư dự án. Giai đoạn 2, ngành chức năng đã phê duyệt phương án bồi thường toàn bộ diện tích đất, các đơn vị đang khảo sát thực tế để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Kiến nghị mới về hệ số K để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Chính phủ áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tất cả dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị, không chỉ giới hạn thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất (BGĐ) dưới 200 tỷ đồng.

Theo HoREA, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014 (gọi tắt là dự thảo) của Chính phủ quy định về ba phương pháp định giá đất. Trong đó, phương pháp hệ số K được áp dụng để định giá đất cho trường hợp xác định giá đất của thửa đất, khu đất dưới 200 tỷ đồng theo BGĐ.

HoREA cho rằng, phương pháp này sẽ giúp cho Nhà nước và doanh nghiệp tiên lượng được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án nộp vào ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không làm thất thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng cho các khu đất có mức giá dưới 200 tỷ đồng so với BGĐ là chưa sát thực tiễn. Bởi thực tế, rất nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn mà thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong BGĐ trên 200 tỷ đồng. “Thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ đồng tại các đô thị lớn, nhất là đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP HCM”, HoREA nhận định.

Trong khi đó, hiện không có phương pháp định giá đất nào phù hợp để áp dụng định giá đất cho các trường hợp này. Lý do, trong các phương pháp định giá đất, dự thảo chỉ quy định phương pháp hệ số K để tính tiền sử dụng đất, thuê đất trong trường hợp này.

“Vì vậy Hiệp hội đề nghị áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả các thửa đất, khu đất định giá, không phân biệt giá trị dưới hoặc trên 200 tỷ đồng so với BGĐ”, HoREA đề nghị.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị cần có hai điều kiện để các dự án áp dụng phương pháp hệ số K. Cụ thể, điều kiện 1: Phải xây dựng BGĐ theo tuyến đường (đoạn đường) để xác định chỉ số giá đất trong BGĐ là giá đất trung bình của các giao dịch nhà đất cùng loại đã thực hiện trong một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định. Hoặc xây dựng BGĐ theo khu vực là chỉ số giá đất được xác định bằng các phương pháp định giá được pháp luật công nhận.

Điều kiện 2: Phải xây dựng được các hệ số K phù hợp theo từng khu vực (như TP HCM chia thành 5 khu vực giá đất); hoặc theo từng loại dự án bất động sản (cao cấp, trung cấp, bình dân)…

Lâm Đồng: Tháo dỡ loạt công trình 'mọc' trái phép trong rừng cộng đồng

Suốt 4 ngày qua, Ban cưỡng chế của huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã phối hợp với UBND xã Lộc Phú và các hộ dân vi phạm tiến hành tháo dỡ các công trình xây dựng trái pháp luật trên đất rừng cộng đồng (thôn 4, xã Lộc Phú).

Bốn hộ dân lấn chiếm, chiếm dụng đất rừng cộng đồng để xây dựng công trình trái pháp luật, vừa bị buộc tháo dỡ công trình vi phạm, bao gồm các ông: Giáp Văn Thống, Mẫn Văn Đỉnh, Lê Văn Ba, và Nguyễn Đức Dạo. Bốn hộ này cùng ngụ tại thôn 4, xã Lộc Phú.

Ban cưỡng chế huyện Bảo Lâm đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ căn nhà với diện tích 105m2 xây dựng trái pháp luật của ông Giáp Văn Thống; đồng thời giải tỏa toàn bộ cây nông nghiệp trồng trên đất lâm nghiệp.

Trước đó, UBND huyện Bảo Lâm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Thống vì đã lấn chiến 670m2 đất rừng sản xuất trái pháp luật tại lô c, Khoảnh 3, Tiểu khu 438A, thuộc rừng cộng đồng xã Lộc Phú.

Tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép trên đất rừng.
Tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép trên đất rừng. Ảnh: Báo Thanh niên

Những ngày qua, các hộ Mẫn Văn Đỉnh và Nguyễn Đức Dạo đã chấp hành tháo dỡ các công trình xây dựng nhà ở trái pháp luật trên đất rừng cộng đồng thuộc xã này.

Sau khi hoàn tất việc tháo dỡ, Ban cưỡng chế huyện Bảo Lâm và UBND xã Lộc Phú đã giải tỏa các diện tích cây nông nghiệp trồng trái phép trên đất lâm nghiệp của các hộ nói trên.

Trong đó hộ ông Mẫn Văn Đỉnh lấn chiếm 1.470m2 đất rừng tại tiểu khu 438A, hộ ông Nguyễn Đức Dạo lấn chiếm 327,43m2 tại tiểu khu 438.

Riêng hộ ông Lê Văn Ba từng lấn chiếm 258m2 đất rừng sản xuất thuộc tiểu khu 438A, nhưng đã tự nguyện tháo dỡ, giải tỏa từ tháng 6/2022.

Sau khi lực lượng chức năng hoàn tất việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, toàn bộ diện tích đất rừng nói trên được giao lại cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý, bảo vệ và trồng lại rừng theo quy định.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri đã tổ chức trồng một số cây thông trên diện tích đất vừa tiến hành giải tỏa trong mấy ngày qua nhằm phục hồi rừng.

Điều chỉnh phương án xử lý khu 'đất vàng' hơn 15.000m2 ở TP Phan Thiết

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất tại số 207 đường Lê Lợi, phường Hưng Long, TP Phan Thiết do Trường Chính trị tỉnh quản lý.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận quyết định điều chỉnh phương án 'Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cơ sở nhà, đất số 207 đường Lê Lợi, phường Hưng Long, TP Phan Thiết' sang phương án 'Chuyển giao về UBND TP Phan Thiết để quản lý, xử lý'.

Được biết, tháng 9/2017, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ đã phê duyệt quyết định phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích đất hơn 15.000m2 và diện tích nhà hơn 5.000m2 khu Trường Chính trị tỉnh (cũ).

Khu nhà, đất tại số 207, Lê Lợi được xem là khu 'đất vàng' có diện tích lớn hiếm hoi còn sót lại ở TP Phan Thiết. Ảnh: PĐ.
Khu nhà, đất tại số 207, Lê Lợi được xem là khu 'đất vàng' có diện tích lớn hiếm hoi còn sót lại ở TP Phan Thiết. Ảnh: PĐ.

Mục đích sử dụng đất theo quy hoạch ở khu vực này được xác định là đất thương mại dịch vụ kết hợp đất ở tại đô thị.

Đến tháng 5/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn dừng thực hiện bán cơ sở nhà đất nói trên để nghiên cứu hoàn chỉnh lại quy hoạch.

Đây là khu đất vàng có diện tích khá lớn hiếm hoi còn sót lại ở trung tâm TP Phan Thiết, nằm đối diện biển Đồi Dương và liền kề với các khách sạn Đồi Dương, Bình Minh, TTC…

Ngoài diện tích hơn 15.000m2, khu đất này có 10 căn nhà có diện tích từ 200m2 đến hơn 1.000m2 trước đây là hội trường; nhà hiệu bộ, văn phòng, ký túc xá…của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận.