Lào Cai: Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng và Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch dọc sông Hồng

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 320/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng và Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch dọc sông Hồng kết nối đô thị thành phố Lào Cai với đô thị Phố Lu, quy mô 4.220ha.

Theo đó, phạm vi ranh giới và quy mô quy hoạch thuộc một phần địa giới hành chính các xã: Thái Niên, Gia Phú, Xuân Giao, Sơn Hải (huyện Bảo Thắng). Ranh giới quy hoạch: Phía Đông giáp các khu vực đồi cao, khu vực sản xuất nông lâm nghiệp xã Thái Niên (chiều dài bám dọc sông Hồng khoảng 20km từ giáp xã Vạn Hòa đến giáp thị trấn Phố Lu); phía Tây giáp đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài khoảng 10km (khoảng từ Km 228 đến Km 240); phía Nam giáp khu dân cư, khu sản xuất xã Sơn Hải; phía Bắc giáp Suối Bo, xã Thống Nhất, xã Vạn Hòa. Vớqi tổng diện tích lập quy hoạch 4.220ha, trong đó, diện tích thuộc xã Thái Niên 1.742,0ha, xã Gia Phú 921,0ha, xã Xuân Giao là 580,0ha và xã Sơn Hải là 977,0ha.

Theo UBND tỉnh Lào Cai, mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa nội dung Quy hoạch tỉnh Lào Cai, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Thắng nói riêng làm căn cứ xây dựng và quản lý đô thị. Góp phần cụ thể hóa không gian trục động lực dọc sông Hồng, phát triển hệ thống các vệ tinh, trung tâm vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp dọc hai bên sông Hồng, có vai trò quan trọng tạo động lực, nguồn lực, không gian mới cho sự phát triển của tỉnh Lào Cai.

Hình thành các khu chức năng mới (các khu đô thị, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, khu công nghiệp sản xuất chế biến, khu công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ công nghệ cao, khu logictics...), với ranh giới phân khu chức năng rõ ràng, tạo động lực và đáp ứng nhu cầu phát triển gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp đặc hữu của từng vùng, địa phương dọc hai bên sông Hồng.

Thành phố Lào Cai.
Thành phố Lào Cai.

Tăng cường phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ thống xã hội đồng bộ, mở rộng kết nối đô thị, giảm thiểu khoảng cách và thúc đẩy phát triển đồng đều toàn vùng, hướng tới phát triển tổng thể dọc sông Hồng bền vững, trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và gắn việc củng cố an ninh quốc phòng quốc gia.

Quy hoạch dọc sông Hồng có tính chất là khu trung tâm đô thị vệ tinh, khu du lịch, vui chơi giải trí, khu dân cư, khu sản xuất và khu phụ trợ dọc hai bên bờ sông Hồng, đảm bảo tính liên kết chặt chẽ về phân khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, thuận tiện cho phát triển chung dọc sông Hồng đoạn từ thành phố Lào Cai đến đô thị Phố Lu, là khu vực có vai trò trục động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dọc hai bên bờ sông Hồng và tỉnh Lào Cai…

UBND tỉnh Lào Cai giao UBND huyện Bảo Thắng tổ chức công bố công khai Quy hoạch chung xây dựng và quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch dọc sông Hồng kết nối đô thị thành phố Lào Cai với đô thị Phố Lu được duyệt. Đồng thời, tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các Quy hoạch chi tiết xây dựng phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng được duyệt...

Khởi công xây dựng Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 tại huyện Quốc Oai - Hà Nội

Hôm nay, 23/2, Bệnh viện Nhi Trung ương và nhà thầu đã tổ chức khởi công xây dựng Bệnh Viện Nhi Trung ương cơ sở 2 tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Dự án nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.

Theo Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 15/02/2023 của UBND TP Hà Nội, dự án Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 có tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 6 hecta.

Trong đó, diện tích xây dựng công trình khoảng 7.530m2 gồm 01 khối nhà hành chính cao 03 tầng, 02 khối điều trị nội trú cao 06 tầng; có 01 tầng hầm nằm phía dưới.

Hình ảnh phối cảnh tổng thể Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2
Phối cảnh tổng thể Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2.

Đây sẽ là bệnh viện chuyên khoa Nhi với quy mô 300 giường bệnh nội trú hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong nội thành và cũng được kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa Nhi cho cả nước.

Về địa điểm, dự án Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 đặt tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai; vị trí giao thông thuận lợi, có đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, quốc lộ 21A, cùng tỉnh lộ 80, 81 chạy qua.

Tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, việc khởi công Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 tại huyện Quốc Oai cũng là thực hiện chủ trương giảm tải, di dời từng phần cho các bệnh viện, trường học tại khu vực trung tâm Thành phố Hà Nội. Ông Luận mong muốn khi cơ sở này đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao sức khỏe trẻ em trên địa bàn Thủ đô và các vùng lân cận.

PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cam kết sẽ nỗ lực hết sức đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, chuẩn bị tốt nhân lực, trang thiết bị, để cơ sở 2 sớm hoạt động phục vụ nhân dân.

Sóc Trăng tìm nhà đầu tư cho dự án gần 3.300 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng vừa thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phường 4 – Khu 02, TP Sóc Trăng.

Theo đó, dự án Khu đô thị mới Phường 4 – Khu 02, TP Sóc Trăng có phía Đông Bắc giáp khu Công an tỉnh và đất người dân đang sử dụng; phía Tây Bắc giáp Vành đai II và Dự án xây dựng nhà ở thương mại thuộc Khu đô thị mới Phường 4 – Khu 02, TP Sóc Trăng (phần đấu giá).

Dự án có tổng diện tích khoảng 45,24ha, quy mô dân số khoảng 7.480 người.

Trong đó, diện tích đất ở khoảng 17,7ha (nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, đất tái định cư, đất hỗn hợp cao tầng), đất giáo dục 1,5ha, đất cây xanh – quảng trường 11,19ha, đất hạ tầng – giao thông 14,7ha.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.653 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án khoảng 3.295 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 357,994 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng Khu đô thị mới có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị mới, thông minh của thành phố Sóc Trăng; góp phần phát triển khu đô thị trung tâm; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà ở xã hội, thương mại và dịch vụ của nhân dân. Phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung của thành phố Sóc Trăng.

Tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ tuân theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn tham gia phải phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu không thấp hơn 547,979 tỷ đồng (tương đương không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư).

Bên cạnh đó, trường hợp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nhỏ hơn tổng vốn đầu tư dự án thì nhà đầu tư cần phải có hồ sơ chứng minh khả năng huy động vốn bằng một trong các tài liệu như: cam kết tài trợ vốn hoặc hợp đồng tín dụng từ tổ chức tài chính; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính từ tổ chức, cá nhân khác.

Trường hợp nhà đầu tư được công ty mẹ hay tổ chức, cá nhân khác (không phải tổ chức tín dụng) cam kết hỗ trợ tài chính thực hiện dự án thì phải bổ sung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của bên cam kết để chứng minh tính khả thi của việc thực hiện cam kết.

Đặc biệt nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phải không vi phạm pháp luật về đất đai và pháp luật khác.

Hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng 1 căn nhà

Ngày 23/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 04/2023/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Các đối tượng thụ hưởng, triển khai các nội dung hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình.

Các đối tượng thụ hưởng, triển khai đầu tư, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc Dự án 1 của Chương trình; đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình.

Ngân sách trung ương sẽ: Hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép; Hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng).

Hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng 1 căn nhà. Ảnh minh họa: VTCnews.
Hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng 1 căn nhà. Ảnh minh họa: VTCNews.

Hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất; hỗ trợ bình quân 3.000 triệu đồng/công trình để đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ bình quân 1.600 triệu đồng/km để đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa.

Cùng với đó, ngân sách trung ương hỗ trợ bình quân 4.400 triệu đồng/chợ để đầu tư xây dựng mới và bình quân 800 triệu đồng/chợ để cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong khi đó, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

Ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng).

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và bố trí từ ngân sách địa phương, các địa phương huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất; đầu tư, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã; xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.