Điều tra dấu hiệu sai phạm đất đai tại dự án Khu dân cư Long Phước

Ngày 19/3, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện cơ quan này đang tiến hành điều tra, xác minh dấu hiệu sai phạm tại dự án khu dân cư Long Phước, huyện Long Thành do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát làm chủ đầu tư.

Đây là dự án khu dân cư thương mại nằm ở một trong những vị trí đắc địa gần tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Quốc lộ 51, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Cụ thể, lực lượng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai đang tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm có dấu hiệu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật và trốn thuế xảy ra tại huyện Long Thành. Trong đó, có liên quan đến Dự án khu dân cư Long Phước, huyện Long Thành do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát làm chủ đầu tư.

Để phục vụ công tác điều tra, xác minh theo quy định pháp luật, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan cung cấp bằng văn bản thủ tục pháp lý đất đai, xây dựng của Dự án khu dân cư Long Phước.

Đồng thời, xác minh về việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và hình thức giao đất của dự án nêu trên.

Theo tìm hiểu, Dự án khu dân cư Long Phước có quy mô hơn 46ha, tại xã Long Phước, huyện Long Thành.

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát. Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Đây là dự án đầu tư xây dựng mới khu dân cư theo tiêu chuẩn đô thị loại IV với các loại hình nhà ở phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu.

Sai phạm tại Dự án khu dân cư Bình Đa đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Ảnh: Báo Nhân dân
Sai phạm tại Dự án khu dân cư Bình Đa đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Ảnh: Báo Nhân dân

Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân vào sáng 19/3, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành cho biết, Dự án khu dân cư Long Phước mới có chủ trương chấp thuận đầu tư, chưa được giao đất, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa xây dựng hình thành trên thực tế.

Vị lãnh đạo trên cũng cho hay, đây là một trong những dự án nằm ở vị trí đắc địa ở huyện Long Thành, khi nằm gần khu vực đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Quốc lộ 51, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Tại Đồng Nai, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát là chủ đầu tư của dự án khu dân cư và tái định cư phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa.

Dự án có quy mô gần 50ha. Trong quá trình thực hiện dự án này, nhiều người dân đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và Trung ương tố cáo chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân liên quan, vì cho rằng đã gây thất thoát số lượng tiền rất lớn cho Nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Đến nay, người dân vẫn tiếp tục tố cáo do chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết thấu tình, đạt lý.

Liên quan đến thực hiện một số dự án khu dân cư ở Đồng Nai thời gian qua “nóng” lên khi các cơ quan thực thi pháp luật quyết liệt vào cuộc kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện hàng loạt sai phạm.

Chỉ riêng Dự án khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước đã có hàng loạt cán bộ 3 cấp tỉnh, thành phố Biên Hòa, phường Tam Phước và chủ đầu tư dính vào vòng lao lý.

Đối với Dự án khu dân cư Bình Đa ở thành phố Biên Hòa, tháng 11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Hiện, đang trong quá trình xác minh rõ sai phạm từng cá nhân liên quan để khởi tố bị can, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, qua công tác thanh tra, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã phát hiện sai phạm tại Dự án khu dân cư Bình Đa liên quan đến nhiều cán bộ, trong đó có 3 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, gồm: Ông Võ Văn Chánh (hiện là Bí thư Thành ủy Biên Hòa); ông Trần Minh Phúc (đã nghỉ hưu) và ông Trần Văn Vĩnh (đã nghỉ hưu).

Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng tiến hành điều tra sai phạm tại Dự án khu dân cư Tam Phước, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa. Ngoài ra, một số dự án khu dân cư khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang được cơ quan thanh tra, điều tra xác minh, làm rõ.

Mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các sai phạm về đất đai, xây dựng.

Tất cả phải được xử lý theo quy định pháp luật, bảo đảm công bằng, minh bạch. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ công chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý sai phạm về đất đai, xây dựng.

Quảng Ninh sẽ có sân bay chuyên dụng tại Cô Tô

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo hồ sơ quy hoạch này, Quảng Ninh định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dùng Cô Tô giai đoạn 2030 - 2050 với diện tích trên 130 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.

Việc triển khai đường bay này sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho tỉnh, đồng thời góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực tiền tiêu của quốc gia.

Cô Tô sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch với lượng khách tới tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; lượng du khách không ngừng tăng qua các năm. Theo quy hoạch, đảo Cô Tô lớn phân thành 6 phân vùng chính: Nam Đồng sẽ phát triển cộng đồng sân golf, bãi biển Vàn Chảy nâng cấp thành thị trấn biển, xã Hải Tiến phát triển sân golf và dịch vụ biển, hồ Ông Tiên định hướng du lịch, khu vực sân bay và hậu cần hỗ trợ cho tổng thể cả đảo.

Tin bất động sản ngày 20/3: Điều tra dấu hiệu sai phạm đất đai tại dự án Khu dân cư Long Phước
Quảnh Ninh sẽ có sân bay chuyên dụng tại Cô Tô. Ảnh minh họa

Cũng theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái). Sây bay này sẽ kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn.

Với cảng hàng không Vân Đồn, đây là cảng hàng không quốc tế; cấp sân bay đạt cấp 4E, sân bay quân sự cấp II; diện tích 326,547 ha. Công suất thông qua cảng hàng không đạt khoảng 2,5 triệu khách/năm và 2.000 tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không này sẽ xây dựng thêm đường lăn nối, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm. Đến 2030, Vân Đồn trở thành sân bay xanh.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thêm một đường cất hạ cánh, các đường lăn mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách và khu hàng không dân dụng để nâng công suất cảng hàng không lên 12 triệu hành khách/năm.

Phạm vi xây dựng thêm đường cất hạ cánh khoảng 143,67 ha. Tầm nhìn đến 2050 quỹ đất của cảng hàng không này là khoảng 470,22 ha.

Đầu tư xây dựng Trạm kiểm dịch động thực vật tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1761/VPCP-CN ngày 18/3/2023 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng Trạm kiểm dịch động thực vật tại Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.

Theo văn bản, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm đầu tư Trạm kiểm dịch động thực vật bảo đảm phù hợp với Luật Thú y, Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 và các quy định có liên quan, sớm triển khai đầu tư bảo đảm đồng bộ với toàn bộ Dự án CHKQT Long Thành.

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.

Dự án CHKQT Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.

Giai đoạn 2 xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm; giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.

Hé mở tiềm lực doanh nghiệp 'chưa đầy 2 tuổi' muốn làm dự án hơn 8.600 tỷ tại Hà Nam

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hà Nam đang cùng lúc lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án khu đô thị có tổng chi phí thực hiện hơn 8.600 tỷ đồng (chưa kể chi phí bồi thường, tái định cư), mỗi dự án có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận TP Phủ Lý có tổng mức đầu tư hơn 6.369 tỷ đồng (trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 5.251,465 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 1.118,772 tỷ đồng), diện tích gần 300 ha tại xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên), xã Tiên Hiệp và xã Tiên Tân (TP Phủ Lý).

Hai nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án là Công ty TNHH Liên doanh Việt - SK Group; Công ty CP Đầu tư địa ốc Vina Land (Vina Land).

Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (KB-DT.06.22.4) có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.638,94 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 183,111 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện trên quỹ đất 521.000 m2, quy mô đầu tư xây dựng khoảng 317 căn nhà ở. Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án, có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ gồm: Vina Land; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Long - Lands.

Sở KH&ĐT Hà Nam cũng đang tìm nhà đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Đại Cương (KB-DT.06.22.3).

Đây là dự án được đầu tư trên quỹ đất 529.000 m2, quy mô đầu tư khoảng 751 căn nhà ở liền kề trên các trục đường chính của Dự án; khu đất ở tái định cư thực hiện trên diện tích khoảng 13.800 m2. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 1.796,25 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 245,636 tỷ đồng.

Vina Land muốn thực hiện 3 dự án tại Hà Nam. Ảnh minh họa.
Vina Land muốn thực hiện 3 dự án tại Hà Nam. Ảnh minh họa

Dự án này có sự tham gia của 2 nhà đầu tư: Vina Land và Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt.

Để trúng thầu cả 3 dự án nêu trên, ngoài kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, nhà đầu tư phải đáp ứng năng lực tài chính theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm ở mỗi dự án.

Cụ thể, tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Nam Cao, số vốn chủ sở hữu tối thiểu phải thu xếp là 787,719 tỷ đồng và vốn vay tối đa phải huy động là 4.463,745 tỷ đồng.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, vốn chủ sở hữu tối thiểu phải thu xếp là 288,018 tỷ đồng và vốn vay tối đa phải huy động là 1.632,102 tỷ đồng.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, vốn chủ sở hữu tối thiểu phải thu xếp là 323,129 tỷ đồng và vốn vay tối đa phải huy động là 1.831,065 tỷ đồng.

Trong số các nhà đầu tư nói trên, Vina Land là đơn vị muốn "ứng tuyển" tại cả 3 dự án khu đô thị.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này mới được thành lập chưa đầy 2 năm (thành lập ngày 1/6/2021); trụ sở tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thep đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 22/11/2022). Người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Trường Sơn.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 1.800 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: bà Lê Thị Lộc góp 1.764 tỷ đồng (98%), ông Đặng Văn Lân góp 18 tỷ đồng (1%) và bà Nguyễn Thị Thu góp 18 tỷ đồng (1%).

Được biết, bà Lê Thị Lộc là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Đầu tư PMT Land Việt Nam - pháp nhân nằm trong liên danh cùng Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Xanh, CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới thực hiện dự án khu dân cư quy hoạch tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (quy mô 12,97ha, tổng mức đầu tư 2.536 tỷ đồng).

Ngoài ra, bà Lê Thị Lộc cũng là cổ đông sáng lập CTCP Đầu tư Phát triển Ngôi Nhà Mới. Doanh nghiệp này còn 2 cổ đông sáng lập khác là ông Nguyễn Văn Quang và ông Lê Văn Hải (em trai ông Lê Văn Vọng- nhà sáng lập Lã Vọng Group).

Tuy nhiên, tính đến tháng 7/2018, cả 3 cổ đông trên thoái triệt vốn khỏi công ty này.