Cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà

Ngày 17/4, lực lượng chức năng quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) bắt đầu thực hiện cưỡng chế các công trình trái phép trên Bán đảo Sơn Trà theo quyết định cưỡng chế của chính quyền đã ban hành trước đó 15 ngày.

Theo kế hoạch, trong đợt này, lực lượng chức năng quận Sơn Trà tiến hành cưỡng chế 5 nhà hàng, quán ăn của 5 hộ tại tiểu khu 62 và tiểu khu 64 thuộc bán đảo Sơn Trà.

Trước khi cưỡng chế, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà phối hợp với UBND phường Thọ Quang đã tổ chức thông báo đến các hộ vi phạm, in pano thông báo tại khu vực có công trình trái phép theo quy định. Lực lượng chức năng yêu cầu các hộ buộc thực hiện biện pháp di dời, tháo dỡ công trình sai phép trước ngày 17/4. Tuy nhiên các hộ vi phạm không chấp hành buộc chính quyền phải cưỡng chế.

Các hộ dân vi phạm này trước đó đã bị UBND quận Sơn Trà xử phạt từ 5 đến 12,5 triệu đồng vì đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp và xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất là rừng trồng ở bán đảo Sơn Trà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, trong sáng 17/4, lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế đối với quán nhậu Tuân Núi do ông Trần Viết Tuân (SN 1971) tồn tại nhiều năm ở bán đảo Sơn Trà. Ông Tuân đã chiếm đất chưa sử dụng và xây dựng các công trình trên đất tại khu vực đô thị, bán đảo Sơn Trà với diện tích 392m2. Hành vi này đã phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ về cháy rừng; đồng thời, ảnh hưởng đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố. Chủ hộ kinh doanh được yêu cầu bắt buộc tháo dỡ các công trình trên đất, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm.

Tin bất động sản ngày 18/4: Cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà
Lực lượng chức năng quận Sơn Trà tiến hành gỡ bảng hiệu "Tuân Núi". Ảnh: Sài Gòn Online

Tại điểm cưỡng chế, lực lượng chức năng đã đọc quyết định với chủ quán Tuân Núi. Ngành điện lực được yêu cầu cắt điện đối với các hộ dân xây dựng công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà. Phương tiện cơ giới được huy động để cưỡng chế, phá bỏ công trình trái phép. Lực lượng công an đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực phá dỡ.

Theo ông Nguyễn Trần Bang, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà, từ đầu năm 2023, đây là trường hợp đầu tiên xây dựng công trình trái phép trên bán đảo Sơn Trà bị cưỡng chế. Từ nay đến ngày 30/4, lực lượng chức năng quận Sơn Trà sẽ tiến hành cưỡng chế 5 công trình trái phép. Sau đó sẽ tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế đối với các nhà hàng, quán ăn còn tồn tại trên bán đảo Sơn Trà.

Bà Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết, từ năm 2022 đến nay, các đơn vị chức năng đã tổ chức vận động tháo dỡ 10 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên bán đảo Sơn Trà. Quá trình xử lý vi phạm gặp một số khó khăn trong việc lập hồ sơ đảm bảo tính pháp lý. Vì vậy, chính quyền xử lý theo hình thức cuốn chiếu, công trình nào hoàn thiện hồ sơ đảm bảo pháp lý sẽ tiến hành cưỡng chế. Ngoài ra, nhiều người dân yêu cầu hỗ trợ, thanh lý tài sản trên đất, do vậy, việc xử lý vi phạm kéo dài...

Bộ Xây dựng cho ý kiến về đề xuất xây 2 thủy điện trên sông Hồng

Bộ Xây dựng vừa có ý kiến gửi Bộ Công Thương về việc bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Thái Niên và Bảo Hà, tỉnh Lào Cai.

Dự án thủy điện Thái Niên có quy mô công suất 75MW với 4 tổ máy, mực nước dâng bình thường 74m. Dự án thủy điện Bảo Hà có quy mô công suất 75MW với 4 tổ máy, mực nước dâng bình thường 63m.

Theo thông tin được đăng tải trên báo điện tử của Bộ Giao thông Vận tải ngày 16/4, Bộ Xây dựng cho rằng, cần có đánh giá tổng thể bậc thang các công trình thủy điện có liên quan của 2 dự án nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong việc phát triển các dự án thủy điện theo quy định.

Đồng thời, cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an sinh cho người dân hạ du của dự án.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hồ sơ cần bổ sung các bản vẽ thiết kế phương án đấu nối của dự án vào lưới điện khu vực (trạm biến áp và hệ thống cột điện lưới điện đấu nối), nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ và thuyết minh các nội dung về đầu tư xây dựng của dự án.

Những nội dung đề xuất tại hồ sơ bổ sung quy hoạch đối với các hạng mục công trình: Hệ thống đập thủy điện, âu tàu, nhà máy thủy điện,... cần được nghiên cứu, thiết kế căn cứ vào các số liệu điều tra, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn đáp ứng đủ cơ sở để đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn công trình hồ, đập.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình là một trong 3 nhà máy thủy điện được đánh giá lại tài sản, vốn.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là một trong 3 nhà máy thủy điện được đánh giá lại tài sản, vốn.

Bên cạnh đó, phương án thiết kế hồ, đập thủy điện cần được các cơ quan, đơn vị liên quan của dự án chấp thuận theo quy định.

Đối với đề xuất quy mô công suất dự án thủy điện Thái Niên (75MW), dự án thủy điện Bảo Hà (75MW), Bộ Xây dựng cho rằng cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực dự án, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ bổ sung quy hoạch của dự án nhằm đảm bảo tính pháp lý, đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt.

Trước đó, tháng 9/2022, Bộ Công Thương trả lời đề nghị của Lào Cai về xem xét cho chủ trương nghiên cứu tiềm năng thủy điện trên sông Hồng thuộc địa phận tỉnh này (xem thêm tại đây)

Năm 2016, Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) cũng từng đề xuất làm nhiều phần, trong đó có 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông Hồng.

Hacom Holdings đề xuất xây 2 khu nhà ở xã hội hơn 1.400 tỷ đồng tại Quảng Trị

Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings (Công ty Hacom Holdings) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo đề xuất đầu tư và phương án thực hiện dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Đông Hà.

Theo báo cáo đề xuất đầu tư của Công ty Hacom Holdings, nhằm sớm cụ thể hóa mục tiêu của tỉnh về việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Quảng Trị đã được phê duyệt, Công ty Hacom Holdings muốn đồng hành với địa phương trong vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có chất lượng, giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trên địa bàn.

Qua khảo sát, Công ty Hacom Holdings đề xuất đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội tại vị trí lô B2 (1,67 ha) và lô B4 (1,77 ha) thuộc Khu đô thị Nam Đông Hà (giai đoạn 3). Theo đó, tại lô B2, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu nhà ở xã hội trên diện tích đất khoảng 1,34 ha với khoảng 720 căn hộ; khu nhà ở thương mại trên diện tích đất khoảng 0,33 ha với khoảng 46 căn hộ, kích thước điển hình 5x14 m. Tổng mức đầu tư tại lô B2 khoảng 700 tỷ đồng.

Tại lô B4, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu nhà ở xã hội trên diện tích đất khoảng 1,41 ha với khoảng 720 căn hộ; khu nhà ở thương mại trên diện tích đất khoảng 0,35 ha với 45 căn hộ, kích thước điển hình 5x15 m. Tổng mức đầu tư tại lô B4 khoảng 701 tỷ đồng.

Kế hoạch triển khai dự án được Công ty Hacom Holdings đưa ra là thực hiện xây dựng đồng thời toàn bộ các công trình trong dự án với tổng thời gian thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư.

Hacom Holdings đề xuất xây 2 khu nhà ở xã hội hơn 1.400 tỷ đồng tại Quảng Trị. Ảnh minh họa
Hacom Holdings đề xuất xây 2 khu nhà ở xã hội hơn 1.400 tỷ đồng tại Quảng Trị. Ảnh minh họa

Kết luận buổi làm việc, về đề xuất của Công ty Hacom Holdings thực hiện dự án nhà ở xã hội này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà ở xã hội trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng cao. UBND tỉnh thống nhất về mặt chủ trương để Công ty Hacom Holdings triển khai thực hiện dự án tại các vị trí đã đề xuất…

Về nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án nhà ở xã hội này, được biết, Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings có địa chỉ đóng tại khu đô thị Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội được thành lập năm 2005 với lĩnh vực kinh doanh ban đầu gồm: xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng khu đô thị, đường, cầu, nhà máy, tư vấn dự án bất động sản, nhà ở và thương mại.

Hiện nay, Hacom Holdings mở rộng một số lĩnh vực như: Khách sạn, dịch vụ du lịch lữ hành, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo trên khắp cả nước.

Tại tỉnh Quảng Trị, ngoài việc đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án nhà ở xã hội trên thì Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings cũng đã được tỉnh Quảng Trị cho nghiên cứu đầu tư 3 dự án đô thị khác là: Khu phức hợp dịch vụ, phụ trợ thuộc KKT Đông Nam Quảng Trị; dự án Khu du lịch, dịch vụ sinh thái hồ Khe Mây, TP. Đông Hà và dự án Khu đô thị mới phía Đông TP. Đông Hà.

Ngoài ra, Hacom Holdings cũng đã được tỉnh Quảng Trị cho phép nghiên cứu và chấp thuận về mặt chủ trương cho phép thực hiện bổ sung quy hoạch lưới điện quốc gia dự án nhà máy điện gió Cam Nghĩa 50 MW, nhà máy điện mặt trời Hacom Quảng Trị - 50 MWp…

Hà Nam tìm nhà đầu tư khu dân cư gần 1.600 tỷ tại thị xã Duy Tiên

Dự án Khu đô thị mới kết hợp chỉnh trang khu dân cư phía Đông Nam tổ dân phố Đôn Lương, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.585,297 tỷ đồng, chi phí bồi thường, tái định cư 137,463 tỷ đồng; tổng diện tích 42,56 ha.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho biết, dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, tiến độ thực hiện từ năm 2022 - 2027. Nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước 2 giờ ngày 19/5/2023.

Mục tiêu đầu tư là hình thành khu đô thị mới có hạ tầng đồng bộ, kết hợp với chỉnh trang khu dân cư hiện trạng; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, tiến tới mục tiêu phấn đấu đưa thị xã Duy Tiên đạt tiêu chí đô thị loại III.

Thị xã Duy Tiên được xác định là trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ phía bắc, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và là đầu mối giao thông quan trọng phía nam vùng Thủ đô Hà Nội. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Hà Nam thu hút 359 dự án đầu tư như dự án xã hội hóa, dự án thương mại dịch vụ - đô thị, dự án sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác. Riêng lĩnh vực thương mại dịch vụ - đô thị có 231 dự án đầu tư.

Riêng thị xã Duy Tiên, giai đoạn 2022 - 2025, thị xã đã có 73 dự án thu hút đầu tư với diện tích khoảng 2.180ha, trong đó có 40 dự án thương mại dịch vụ, 33 dự án khu nhà ở đô thị, nhà ở xã hội tập trung chủ yếu ở các phường Tiên Nội, Hoàng Đông, Duy Minh, Yên Bắc, Châu Giang, Hòa Mạc và thị trấn Đồng Văn.