Đà Nẵng đấu giá khu đất 35ha, dự kiến thu hơn 1.400 tỷ đồng

Khu đất có phía Bắc và phía Đông giáp các khu chức năng thuộc Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, phía Nam giáp Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, phía Tây giáp đường Trần Nam Trung.

Diện tích khu đất gần gần 35ha, hiện đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, khu thể thao điện tử là 0,35ha; trường đua Gokart hơn 2ha; khu khách sạn hơn 2,6ha; sân tập thể thao và làng văn hóa gần 9,6ha; diện tích khu công cộng, dịch vụ đô thị là hơn 10ha; diện tích đất giao thông, vỉa hè hơn 10ha.

Khu đất đấu giá nằm bên cạnh sân vận động Hòa Xuân. Ảnh: PLO.vn
Khu đất đấu giá nằm bên cạnh sân vận động Hòa Xuân. Ảnh: PLO.vn

Hình thức cho thuê đất là Nhà nước cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian cho thuê. Thời hạn sử dụng 50 năm.

Dự kiến thời gian tổ chức đấu giá từ quý III năm 2023 đến quý IV năm 2023. Hình thức đấu gia trực tuyến; phương thức trả giá lên, bước giá 10.000 đồng/m2.

Những người được đăng ký tham gia đấu giá là các tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định; hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

UBND TP Đà Nẵng dự kiến số tiền thu được từ việc đấu giá khu đất này là hơn 1.400 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập cho thuê mặt bằng mà không có đề án được duyệt

Chiều 31/7, Thanh tra TP HCM cho biết đã Kết luận thanh tra (KLTT) về chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấp hành pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách và chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống bệnh Covid-19 tại UBND quận 12 (thời kỳ từ 1/1/2020 đến 31/12/2021).

Riêng về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công sản, KLTT cho rằng UBND quận 12 đã chậm triển khai thực hiện 2/17 dự án đầu tư đất công và chậm thực hiện rà soát 22/25 địa chỉ nhà đất theo phương án xử lý tổng thể sắp xếp nhà, đất đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt.

UBND quận 12 chưa thực hiện đo đạc, cắm mốc, rào ranh đối với các khu đất dôi dư (có diện tích dưới 40m2) sau khi thực hiện thu hồi mặt bằng của Dự án nâng cấp, mở rộng đường Xuyên Á (10 phường trong quận), để người dân chiếm dụng làm lối đi đối với 13 khu đất dôi dư của Dự án đường Phan Văn Hớn và Trường Chinh.

Có 40 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận 12 đã thực hiện cho thuê mặt bằng mà không có Đề án sử dụng tài sản công được duyệt. Trong đó, Trung tâm Văn hóa quận 12 và Nhà Thiếu nhi quận 12 thực hiện cho thuê mặt bằng nhà, đất, tuy nhiên chưa có phê duyệt của cấp có thẩm quyền về chủ trương; chưa thực hiện đấu giá; cho thuê theo đơn giá cũ của các hợp đồng đã ký trước đây trên cơ sở tự thỏa thuận với các bên đối tác thuê...

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 12.
Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 12. ảnh: Công an Nhân dân

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 12 ký 16 phụ lục gia hạn hợp đồng cho thuê mặt bằng trễ từ 2 đến 9 tháng sau khi hợp đồng đã hết hạn; ký 1 phụ lục gia hạn hợp đồng thay đổi đối tượng thuê so với hợp đồng sau khi phát hiện đối tượng khác với đối tượng thuê sử dụng đất hơn 1 năm và để xảy ra 1 trường hợp cho thuê lại ki ốt - đã xử lý thu hồi mặt bằng; áp dụng đơn giá thuê mặt bằng nhà đất công theo các đơn giá cũ của hợp đồng hết hạn…

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 12 cũng chưa ký lại 11 hợp đồng và chưa ký 2 hợp đồng đối với 12 hộ đang thuê tại cư xá Trạm điện phường Tân Thới Hiệp và 1 căn nhà tại số 625/1 khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12; áp dụng đơn giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo các đơn giá cũ của hợp đồng hết hạn; còn tồn công nợ chưa thu được đến thời điểm thanh tra; bỏ trống đối với 3 địa chỉ và 2 ki ốt đang được tạm giao quản lý…

Qua đó, KLTT cũng nêu rõ trong thời gian chờ Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo, UBND quận 12 cần phải chủ động rà soát đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để kịp thời báo cáo cho Sở Tài chính khi có yêu cầu; đồng thời có biện pháp, giải pháp chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, Chủ tịch UBND quận 12 phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có liên quan, khẩn trương rà soát, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo 167 - Sở Tài chính thực hiện phương án xử lý tổng thể sắp xếp nhà, đất của UBND quận 12 theo quy định, báo cáo đề xuất trình UBND TP Hồ Chí Minh. Quản lý chặt chẽ các khu đất dôi dư sau thu hồi đất thực hiện dự án, cắm cột mốc để xác định ranh giới, tọa độ; đề xuất Chủ tịch UBND thành phố phương án quản lý, sử dụng theo quy định để tránh lấn chiếm, lãng phí.

Lạng Sơn phê duyệt quy hoạch phân khu phía Đông thành phố với hơn 723ha

Tỉnh Lạng Sơn vừa ký Quyết định số 1123/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu phía Đông, thành phố Lạng Sơn, tỷ lệ 1/2.000 với quy mô lập quy hoạch phân khu là 723,28ha và quy mô dân số khoảng 47.400 người.

Theo đó, phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm khu ở số 4 và một phần khu ở số 1, 2, 3, 5 được xác định trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2025. Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp với khu dân cư xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn (quy hoạch phân khu khu vực phía Bắc thành phố Lạng Sơn); phía Nam giáp với khu dân cư xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và khu du lịch sinh thái hồ Na Vàng; phía Đông giáp với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và xã Hợp Thành – huyện Cao Lộc; phía Tây giáp với khu dân cư phường Hoàng Văn Thụ, phường Vĩnh Trại, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.

Mục tiêu quy hoạch phân khu phía Đông là nhằm cụ thể hóa điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn; định hướng phát triển đô thị thành phố Lạng Sơn đáp ứng lâu dài cho các nhu cầu hoạt động của các cơ sở sản xuất, dịch vụ, các khu dân cư và khu đô thị; từng bước tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa với cảnh quan chung, có nét đặc trưng của địa phương. Đồng thời, bảo vệ tốt hệ thống môi trường sinh thái, cảnh quan. Từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng các khu dân sinh có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, hoàn thiện về dịch vụ, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt. Làm cơ sở pháp lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng.

Phối cảnh minh họa quy hoạch phân khu phía Đông, thành phố Lạng Sơn.
Phối cảnh minh họa quy hoạch phân khu phía Đông, thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Báo Xây dựng

Khu vực lập quy hoạch được định hướng phát triển 4 không gian mang bản sắc riêng tương hỗ lẫn nhau tương ứng với 4 tiểu khu, cụ thể: Tiểu khu 1 là tái thiết, chỉnh trang các công trình dân cư hiện trạng, phát triển các cụm dân cư mới bố trí đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với hạt nhân là Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Khoanh vùng phát triển du lịch sinh thái thuộc khu du lịch sinh thái hồ Thâm Sỉnh và hồ Phai Luông ở phía Bắc thành phố.

Tiểu khu 2 là địa hình bằng phẳng đã có sẵn đất dân cư hiện trạng, đây là khu vực có điều kiện thích hợp phát triển quỹ đất ở mới, phục vụ cho nhu cầu của người dân. Đồng thời bố trí các công trình công cộng, y tế, giáo dục thuận lợi cho người dân sinh hoạt. Đối với các khu vực khu dân cư hiện hữu, chỉnh trang cải tạo theo hướng hiện đại hóa nhưng không làm mất đi bản sắc địa phương.

Tiểu khu 3 là cụm công nghiệp Hợp Thành được bố trí tập trung ở phía Đông khu vực nghiên cứu, có lối tiếp cận từ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và ĐH.28, dự kiến cơ cấu sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng, gia công hàng xuất khẩu. Phía Nam cụm công nghiệp sẽ bố trí quỹ đất ở mới và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu (trường học, nhà văn hóa) cho công nhân lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp…

Tiểu khu 4 là phần lớn diện tích thuộc các phường Đông Kinh, Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tuân thủ định hướng phát triển không gian quy hoạch trung được duyệt, khu vực có mật độ dân cư lớn, tập trung nhiều trụ sở cơ quan của thành phố và của tỉnh. Định hướng tổ chức không gian chủ yếu của khu vực là cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu kết hợp bổ sung quỹ đất ở mới.

Lào Cai: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng trên địa bàn

Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai có Văn bản số 3634/UBND-XD yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương và chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tăng cường công tác quản lý dự án, nâng cao năng lực khi tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh và các chủ đầu tư có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng do đơn vị quản lý, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các Sở quản lý chuyên ngành xây dựng trong việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng và công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, chỉ đạo các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền cập nhật các quy định mới về lĩnh vực quản lý Nhà nước được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Sở Giao thông vận tải - Xây dựng có nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu khẩn trương xây dựng quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện năng lực đối với các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn xây dựng, thi công xây dựng trong quá trình tham gia hoạt động xây dựng. Kiên quyết loại bỏ các hồ sơ không đủ điều kiện năng lực tham gia thực hiện. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các Sở quản lý chuyên ngành xây dựng trong việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng và công tác thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, chỉ đạo phòng, ban, đơn vị thực hiện lựa chọn nhà thầu đảm bảo có đủ năng lực hoạt động xây dựng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động xây dựng. Thực hiện nghiêm trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lựa chọn các nhà thầu đã được quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.