Tin bất động sản ngày 16/5: TP HCM muốn chuyển 684ha đất phi nông nghiệp thành đất ở
TP HCM muốn chuyển 684ha đất phi nông nghiệp thành đất ở
Với kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM trình chỉ tiêu phân bổ hơn 102.191ha đất nông nghiệp, 106.750ha đất phi nông nghiệp và 598ha đất chưa sử dụng.
Về kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, TP HCM đặt chỉ tiêu chuyển 9.867ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng 4.480ha đất trong nội bộ đất nông nghiệp; chuyển 684ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở.
Để thực hiện có kết quả phương án kế hoạch sử dụng đất 5 năm, TP HCM đề ra các giải pháp bao gồm đẩy nhanh quá trình thu hồi đất vùng phụ cận các dự án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.
Từ đây tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất và phần đất dôi dư được bán đấu giá. Song song đó khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện tốt di dời tháo dỡ cải tạo và xây dựng mới thay thế các chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 bằng cách hỗ trợ tín dụng, tiền sử dụng đất và bồi thường...
TP HCM muốn chuyển 684ha đất phi nông nghiệp thành đất ở. Ảnh minh họa |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, trong năm 2020, TP HCM được duyệt chỉ tiêu 88.000ha đất nông nghiệp nhưng kết quả vẫn còn gần 23.000ha chưa thực hiện. Đối với sử dụng đất phi nông nghiệp, chỉ tiêu phê duyệt là 118.890ha nhưng TP. HCM chỉ thực hiện được 96.643ha, đạt 81,28%.
Trong đó, đất thương mại, dịch vụ, chỉ tiêu Chính phủ giao là 3.443ha, kết quả thực hiện là 3.933ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 899,48ha. Đất ở tại đô thị, chỉ tiêu Chính phủ giao là 24.060ha, kết quả thực hiện là 20.305ha, thấp hơn so với kế hoạch được duyệt là 3.754ha, đạt tỷ lệ 84,39% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Sau 5 năm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020, Sở này cho biết kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của thành phố còn một số hạn chế.
Cụ thể, trong quá trình lập quy hoạch, chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình của các ngành và địa phương đã đăng ký. Đến năm 2020, trên địa bàn TP. HCM vẫn còn 562 công trình, dự án đã đăng ký nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, 117 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 73 dự án phát triển đô thị; 31 dự án công nghiệp; 29 dự án giáo dục; 18 dự án thương mại, dịch vụ…
Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch các ngành có sử dụng đất chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…; thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành có sử dụng đất.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ bố trí hơn 10.300 tỷ mua lại 8 dự án BOT thua lỗ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giải pháp xử lý khó khăn tại 8 dự án BOT hạ tầng giao thông do Bộ quản lý. Đây là lần thứ 2 Bộ GTVT kiến nghị nội dung này.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết 8 dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ. Có dự án đã thu phí song doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng. Nhiều năm qua, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã tìm giải pháp nhưng không khả thi.
"Các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông", văn bản của Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bộ GTVT cho biết đã đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng: xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận. Sau khi đàm phán, có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.
LBộ GTVT đề xuất Chính phủ bố trí hơn 10.300 tỷ mua lại 8 dự án BOT thua lỗ. Ảnh minh họa |
Cụ thể, 5 dự án được đề xuất mua lại, gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP.Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỷ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi nhà nước bố trí ngân sách mua lại.
Ngoài ra, 3 dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình, gồm: dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ đồng vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.
Với nguồn vốn khoảng 10.340 tỷ đồng để xử lý 8 dự án, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT cân đối nguồn vốn phù hợp báo cáo Chính phủ thông qua.
Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có giải pháp phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư như cho khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất vốn vay đối với các khoản vay tín dụng.
Trước đó, vào giữa năm 2022, Bộ GTVT đã trình Chính phủ giải pháp xử lý bất cập tại 8 dự án BOT sau khi đã thống nhất với nhà đầu tư. Nguồn vốn nhà nước dự kiến cần để mua lại các dự án này là 13.115 tỷ đồng.
Thanh Hóa đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng 1,5km đường
Ngày 15/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống, thuộc TP Thanh Hóa.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí 450 tỷ đồng; vốn ngân sách TP Thanh Hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 558 tỷ đồng). Trong hơn 1.000 tỷ đồng thì chi phí dành cho công tác GPMB, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) gần 720 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 165 tỷ đồng...
"Dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Theo khai toán ban đầu số tiền chi phí bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án gần 720 tỷ đồng. Hiện nay, công tác rà soát kiểm kê mặt bằng đang được thực hiện để triển khai dự án", ông Trịnh Huy Triều cho biết thêm.
Theo hồ sơ thiết kế, dự án dài 1,5km có điểm đầu (Km 0+00) giao với QL47 tại Km 20+050 (ngã tư Phú Sơn) thuộc địa bàn phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa. Điểm cuối (Km 1+500) nối tiếp phạm vi nút giao thuộc dự án đường từ TP Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn thuộc phường An Hưng, TP Thanh Hóa. Vận tốc thiết kế 50km/h.
Mục tiêu của dự án nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đồng thời, dự án tăng cường khả năng kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại giữa các vùng trong khu vực với Cảng hàng không Thọ Xuân, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường trục chính của TP Thanh Hóa và tạo trục cảnh quan đô thị.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.
Quảng Ngãi giao gần 2.400m2 đất cho Công Ty Trường Thành làm dự án điện mặt trời
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định về việc cho Công ty Cổ phần Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi thuê đất để thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên (Hạng mục: Móng trụ đường dây 110kV), tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn.
Theo đó, địa phương này cho Công ty Cổ phần Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi thuê phần diện tích 2.388m2 đất đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép chuyển mục đích sử dụng, để thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên.
Cụ thể, diện tích 2.388 m2 này chủ yếu là nhóm đất đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Thời hạn sử dụng đất kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định cho thuê đến ngày 30/3/2067.
Để triển khai dự án này, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Công ty Cổ phần Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan đúng quy định hiện hành; trong quá trình sử dụng đất phải thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Quảng Ngãi giao 2.388m2 đất cho Công Ty Trường Thành làm dự án điện mặt trời. Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm bóc, tách tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước thuộc phạm vi ranh giới thực hiện dự án trước khi san lấp mặt bằng; vận chuyển, sử dụng lớp đất mặt theo đúng Phương án sử dụng tầng đất mặt của đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước đã lập.
Trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi bàn giao đất trên thực địa, Công ty Cổ phần Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi phải đưa đất vào sử dụng.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì được gia hạn sử dụng 24 tháng và hết thời hạn được gia hạn, Công ty Cổ phần Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp do bất khả kháng).
Ngoài ra, hết thời hạn thuê đất, đơn vị còn nhu cầu sử dụng thì lập thủ tục để nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê. Trường hợp thực hiện quy hoạch, Nhà nước không tiếp tục cho thuê thì phải bàn giao mặt bằng cho Nhà nước theo quy định.