Bộ trưởng Xây dựng làm việc với Novaland về dự án Aqua City

Chiều 13/6, Bộ Xây dựng tổ chức Họp báo thường kỳ quý II/2023 và gặp mặt báo chí nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì buổi họp báo.

Chia sẻ với phóng viên sau họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngày 13/6, tại trụ sở Bộ Xây dựng ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) và các doanh nghiệp có dự án tại Đồng Nai.

Theo đó, nội dung buổi làm việc là tháo gỡ khó khăn cho Novaland, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tháo gỡ lớn nhất của Bộ Xây dựng là hướng dẫn Novaland về vấn đề quy hoạch.

“Chúng tôi nhận diện khó khăn vướng mắc thứ nhất liên quan đến nội dung về quy hoạch, sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết của các dự án. Về vấn đề này, chúng tôi đã thống nhất cùng UBND tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp để tháo gỡ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.

Đồng thời, ông Sinh cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Sau khi Bộ Xây dựng báo cáo, Thủ tướng sẽ giao nhiệm vụ cho các địa phương. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Biên Hòa đến năm 2045 và nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045".

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng chủ trì vào ngày 17/2/2023, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland kiến nghị chọn Aqua City làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý.

Dự án Aqua City do Novaland đầu tư và phát triển. Ảnh: Novaland.
Dự án Aqua City do Novaland đầu tư và phát triển. Ảnh: Novaland.

Tại Đồng Nai, Novaland và các công ty trực thuộc đang là chủ đầu tư của 9 dự án thuộc tổ hợp dự án Aqua City. Đây là các dự án thành phần của 2 dự án: Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng và Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng. 9 dự án thành phần này được hình thành từ việc tách dự án hoặc doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng một phần dự án từ các chủ đầu tư cấp một.

Thời điểm chuyển nhượng, hai dự án lớn trên đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500, giao đất, cho thuê đất, đóng tiền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng.

Sau đó, Novaland đã đầu tư, xây dựng các dự án thành phần.

Tuy nhiên, hai năm qua Novaland không thể hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng để kinh doanh các dự án vì việc phê duyệt các điều chỉnh quy hoạch bị kéo dài; do nguyên nhân từ sự không đồng bộ các quy hoạch chung TP. Biên Hòa, quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chi tiết của các dự án.

Đầu tháng 5/2023, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về việc tại thời điểm phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Biên Hòa (năm 2014), và Quy hoạch phân khu C4 (năm 2016) đã chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của các dự án đã được phê duyệt trước đó, trong đó có dự án của Novaland.

Do đó, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho Đồng Nai lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Biên Hòa.

Novaland cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép Đồng Nai điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu C4 trên cơ sở cập nhật hiện trạng và đồ án quy hoạch chi tiết các dự án, cho cập nhật đồ án quy hoạch phân khu C4 vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa đang làm…

Đồng thời, doanh nghiệp cũng có công văn gửi Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án Aqua City tại tỉnh Đồng Nai. Ban Dân nguyện có công văn về việc chuyển đơn của Novaland đến Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng 5/2023, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đề nghị Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp làm việc với ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Tập đoàn Novaland và báo cáo lại việc này.

Hà Nội: Quy hoạch đô thị mới theo trục sông Hồng, tuyến đường vành đai 4, 5

Chiều 13/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Sau khi nghe báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn về tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nội hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.

Thành phố phải lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch nổi tiếng, uy tín và chuyên gia phản biện hàng đầu để xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển. Hà Nội sẽ phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng cũng gợi ý thành phố cần tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về quy hoạch của Thủ đô, cũng như lấy ý kiến nhân dân về các nội dung trong Quy hoạch…

Đặc biệt, quy hoạch Thủ đô phải quan tâm đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm; định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị mới theo trục sông Hồng, tuyến đường vành đai 4, 5 và các trục hướng tâm đô thị…. Hình thành mạng lưới giao thông đa loại hình, kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh.

Phối cảnh tổng thể Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Phối cảnh tổng thể Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Quy hoạch cần đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đối với việc xây dựng, chỉnh trang, cải tạo ở các khu đô thị hiện hữu, phát triển khu đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch – kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hà Nội; xác lập vành đai khu vực nông thôn, thành thị đúng bản sắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.

"Đối với khu vực đô thị trung tâm cần nghiên cứu mô hình "nhà xây nén", "đô thị nén" nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng", Phó Thủ tướng gợi mở, đồng thời nhấn mạnh quan điểm "quy hoạch dẫn dắt phát triển hạ tầng giao thông. Giao thông dẫn dắt phát triển đô thị. Đô thị dẫn dắt nguồn lực thực hiện quy hoạch".

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng nông thôn hài hòa với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo sự bền vững.

Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; lập nhóm chuyên gia, nhà khoa học phản biện; đánh giá thực trạng, thu thập, chuẩn hóa số liệu.

Nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm tại dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Trong đó, đã chỉ rõ nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm…

Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ một số bất cập trong công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường và quy trình cấp phép mỏ sử dụng cho công trình giao thông trọng điểm quốc gia.

Cụ thể, đối với Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư dự án (đại diện là Ban Quản lý dự án Thăng Long) và nhà thầu thi công, công tác điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ vật liệu phục vụ Dự án chưa đáp ứng yêu cầu thực tế xây dựng, tỉ lệ sai số lớn, số mỏ theo khảo sát là 37 nhưng thực tế thi công chỉ có 17 mỏ cung cấp được vật liệu cho dự án (tỉ lệ 46%), còn 20 mỏ không cung cấp được vật liệu. Nguyên nhân do không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, không còn trữ lượng, chưa được cấp phép, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng... Nhiều điểm mỏ tại tỉnh Thanh Hóa có công suất khai thác thấp không đáp ứng nguồn cung lớn trong thời gian ngắn...

Bên cạnh đó, việc việc xây dựng giá đất đắp trong hồ sơ đấu thầu thực hiện theo quy định, nhưng còn thiếu thực tế, chưa chính xác, dẫn đến khi gặp biến động của thị trường, cước phí vận tải tăng cao, hoặc khi nguồn cung khan hiếm, giá đất đắp sẽ biến động tăng, trong khi nhà thầu thi công chỉ được thanh toán theo giá trúng thầu nên thi công cầm chừng, làm ảnh hưởng tiến độ.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Đối chiếu khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đường cao tốc (đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45), có sự khác biệt giữa báo cáo của chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản với báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Ngoài ra, qua xem xét 19 hồ sơ cấp phép các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đường cao tốc do các sở tài nguyên và môi trường các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cung cấp, bước đầu cho thấy còn có một số thiếu sót, vi phạm.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, ban hành quy định cụ thể áp dụng cho công tác khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ngành giao thông vận tải nhằm bảo đảm chính xác về trữ lượng theo thời gian, tiến độ, tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi phê duyệt dự án; phải có các phương án dự phòng để bảo đảm tính khả thi theo yêu cầu của dự án.

Xử lý nghiêm các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn chưa làm hết trách nhiệm, có vi phạm trong công tác điều tra, khảo sát nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Ngày 29-4, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ được khánh thành đưa vào khai thác
Ngày 29/4, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ được khánh thành đưa vào khai thác.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ về một số bất cập trong công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường và quy trình cấp phép mỏ sử dụng cho công trình giao thông trọng điểm quốc gia; tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Khi lập dự án, thực hiện đồng thời việc khảo sát, lựa chọn các mỏ khoáng sản có đủ kiện cấp phép để phê duyệt, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu ngay sau khi dự án khởi công. Khi xây dựng giá gói thầu, có vướng mắc về khối lượng cung cấp và đơn giá, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ.

Đối với UBND các tỉnh nơi có dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và Văn bản số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan việc cấp phép khai thác, nâng công suất, cung cấp vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm quốc gia và xử lý khi có vi phạm theo quy định pháp luật.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cấp phép, hoạt động khai thác khoáng sản, không để xảy ra vi phạm; xử lý việc đầu cơ, nâng giá vật liệu bất thường (nếu có); các hành vi cản trở, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Đối với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm tra, rà soát các điểm mỏ nâng công suất theo Nghị quyết 60/NQ-CP, Nghị quyết 133/NQ-CP của Chính phủ, xác định khối lượng thực tế đã khai thác để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan theo đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát ngân sách nhà nước; kiểm tra việc kinh doanh tại các mỏ được nâng công suất và mỏ đất Đồi Ao, tỉnh Thanh Hóa, trường hợp vi phạm bán vật liệu xây dựng ra thị trường mà không cung cấp cho dự án đường cao tốc thì xử lý nghiêm theo Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ và quy định của pháp luật.

Thanh tra, kiểm tra, rà soát ngay các dự án khai thác khoáng sản để làm rõ những thiếu sót, vi phạm trong việc cấp phép, trong hoạt động khai thác khoáng sản, chấp hành quy định pháp luật về quản lý đất đai, về thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan; quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm điểm trong công tác khảo sát, lấy mẫu, lựa chọn các mỏ vật liệu xây dựng thông thường chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 3760/VPCP-V.I, cụ thể như sau: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót; báo cáo kết quả thực hiện đến Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2023.

Léman Cap Residence: Dự án khu căn hộ nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu

Léman Cap Residence có vị trí tọa lạc tại số 24 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án trải dài 80 m mặt tiền dọc theo bờ biển Bãi Dừa thuận lợi di chuyển đến Bãi Trước và Bãi Sau của biển Vũng Tàu.

Léman Cap Residence có tổng diện tích 2.322 m2, mật độ xây dựng khoảng 55%. Dự án được thiết kế xây dựng với mô hình tòa tháp căn hộ nghỉ dưỡng, bao gồm 1 block căn hộ cao 14 tầng nổi và 1 tầng hầm. Tổng diện tích sàn của dự án là 19.396 m2.

Dự án Léman Cap Residence cung cấp ra thị trường 234 căn hộ condotel và 7 căn shophouse. Trong đó, mỗi căn hộ có diện tích từ 32 – 98 m2, sở hữu căn hộ từ 1 – 2 phòng ngủ với tổng diện tích sàn căn hộ là 11.514 m2.

Tại Léman Cap Residence, sở hữu hệ thống tiện ích nội khu bao gồm: Đài phun nước, hồ cảnh quan, bãi đậu xe, hệ thống chuỗi shophouse, phòng gym – spa, nhà hàng, sky garden & restaurant tại tầng thượng của dự án…

Thiết kế các căn hộ tại dự án Léman Cap Residence
Thiết kế các căn hộ tại dự án Léman Cap Residence.

Từ dự án Léman Cap Residence, có thể tiếp cận được những tiện ích ngoại khu lân cận trong bán kính 3 km như: Cách Khu du lịch Bãi Dừa, Mariana Restaurant, La Vie En Rose Restaurant 300 m; cách công viên Tao Phùng, mũi Nghinh Phong, bãi Vọng Nguyệt, Valley Beach 1 km; cách Bãi Sau, tượng Chúa Giesu Kito Vua, dải đăng Núi Lớn 3 km…

Chủ đầu tư dự án Léman Cap Residence Vũng Tàu là Tập đoàn C.T Group, được thành lập từ năm 1992, đặt trụ sở tại tòa nhà Léman, 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 13/10/2019, chủ đầu tư C.T Group và tổng thầu Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tổ chức lễ khởi công dự án Léman Cap Residence.

Các sản phẩm tại dự án được tham khảo trên thị trường với mức giá từ 50 triệu đồng/m2.