Thủ tướng yêu cầu bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, diễn ra ngày 12/2 tại tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ KH&CN bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho TP Hà Nội.

“Tôi đã chỉ đạo đồng chí Huỳnh Thành Đạt (Bộ trưởng Bộ KH&CN - PV) phải khẩn trương bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho TP Hà Nội quản lý trong quý I/2023”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, nhân đây, Bộ KH&CN cần rà soát, đánh giá mô hình quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để rút kinh nghiệm làm căn cứ tập trung phát triển, quản lý các khu công nghệ cao trên cả nước hoạt động hiệu quả.

“Bộ KH&CN không chỉ làm một khu mà phải sản sinh ra nhiều khu công nghệ cao ở nhiều địa phương khác nhau và phải hoạt động thật hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thêm.

Tin bất động sản ngày 14/2: Thủ tướng yêu cầu bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội
Thủ tướng yêu cầu bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Hà Nội.

Trước đó, để tăng cường hiệu quả quản lý và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị hướng tới xây dựng thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thành phố Hà Nội đã có kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý.

Hiện Hà Nội đang thực hiện quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai. Theo lãnh đạo TP Hà Nội, vùng trung tâm của 2 thành phố là khu vực sân bay Nội Bài và Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Đại học quốc gia Hà Nội. Đây là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là “vùng trũng” ở xung quanh lên.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, hiện đang thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN. Khu có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc phát triển Khu này còn nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thái Bình tìm nhà đầu tư cho hai dự án bất động sản gần 2.000 tỷ đồng

Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình vừa thông báo mời thầu rộng rãi 2 dự án: Dự án Phát triển nhà ở khu dân cư tại xã Đông Hòa, TP. Thái Bình và Dự án Đầu tư phát triển nhà ở khu dân cư nông thôn kiểu mẫu tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, với tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 1.946 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án Phát triển nhà ở khu dân cư tại xã Đông Hòa, TP. Thái Bình có tổng chi phí thực hiện dự kiến 1.840,5 tỷ đồng, tổng diện tích 422.592 m2; thời gian thực hiện hợp đồng 138 tháng. Dự kiến đóng thầu vào ngày 13/4/2023.

Còn Dự án Đầu tư phát triển nhà ở khu dân cư nông thôn kiểu mẫu tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có tổng chi phí thực hiện dự kiến 105,919 tỷ đồng, tổng diện tích 99.375 m2; thời gian thực hiện hợp đồng là 66 tháng. Dự kiến đóng thầu vào ngày 14/4/2023.

Được biết, trong quý I/2023, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình sẽ đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nêu trên với thời gian thực hiện dự án dự kiến là 138 tháng.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Bình có 17 dự án đầu tư phát triển nhà ở có sử dụng đất với quy mô từ vài trăm tỷ đồng cho đến hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ (86,3 tỷ đồng); Dự án khu dân cư tại xã Đông Hòa, TP. Thái Bình (1.840 tỷ đồng); Dự án thương mại khu dân cư dọc hai bên đường số 2 tại xã Minh Quang, huyện Kiến Xương (1.161 tỷ đồng)...

Thông tin các dự án được công khai minh bạch trên Hệ thống mạng đấu giá quốc gia và các website của tỉnh Thái Bình. Điều đó giúp các nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt và tra cứu thông tin, dự kế hoạch thực hiện dự án khiến các dự án phát triển nhà ở tại tỉnh có sức hút so với các địa phương khác.

Hồ sơ mời quan tâm đầu tư các dự án phát triển nhà ở tại tỉnh Thái Bình được xây dựng với yêu cầu ở mức trung bình, không quá cao hay quá thấp, không gây khó khăn cho nhà đầu tư. Do đó, không chỉ có các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm mà còn thu hút các nhà đầu tư đến từ nhiều địa phương khác như Hà Nội, Quảng Ninh… Với việc có nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu càng tăng tính cạnh tranh, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt và kinh nghiệm để triển khai các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Không được để xảy ra tình trạng 'bán thầu' tại các dự án giao thông

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị được Bộ giao là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Sở GTVT các địa phương, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trong triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, thực hiện các dự án tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT liên quan đến công tác quản lý chất lượng, tiến độ thi công, siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

“Các chủ đầu tư/Ban QLDA phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thực hiện đúng quy định đối với việc lập, thương thảo và ký hợp đồng, đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ và rõ ràng các điều khoản về quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan, nhất là đối với nội dung điều chỉnh giá.

Quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng đã ký kết, thường xuyên kiểm tra, rà soát danh sách toàn bộ nhà thầu chính, thầu phụ, giá trị và nội dung hợp đồng, các hợp đồng thuê nhân công, thiết bị, các đơn vị, tổ đội đã và đang tham gia thực hiện các dự án trên công trường, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của hợp đồng, của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm sử dụng nhà thầu phụ, chuyển nhượng thầu… tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển nhượng thầu trái pháp luật”, Bộ GTVT yêu cầu.

Tin bất động sản ngày 14/2: Thủ tướng yêu cầu bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội
Không được để xảy ra tình trạng 'bán thầu' tại các dự án giao thông. Ảnh minh họa

Bộ GTVT cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì làm việc với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) để làm rõ các căn cứ, quy định liên quan đến hành vi chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật (nếu cần) làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

“Trên cơ sở thông tin do các Chủ đầu tư, Ban QLDA, doanh nghiệp dự án báo cáo, Cục Quản lý xây dựng phải tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu Bộ xử lý hoặc chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các nhà thầu vi phạm nội dung hợp đồng đã ký kết, theo đúng quy định pháp luật.

Cùng đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu của các Chủ đầu tư để lựa chọn các nhà thầu có năng lực phù hợp với yêu cầu của công trình, dự án, bảo đảm dự toán tính đúng, tính đủ, giảm thiểu tối đa việc điều chỉnh, bổ sung, phát sinh trong quá trình thực hiện”, văn bản nêu rõ.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư/Ban QLDA phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác bồi thường GPMB, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, gia hạn giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ vật liệu đảm bảo đúng quy định của pháp luật, rà soát các phương án tận dụng vật liệu trong quá trình thi công.

“Quá trình quản lý, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà thầu sử dụng các vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đưa vào thi công tại các dự án, công trình”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Hải Phòng thành lập mới 2 cụm công nghiệp An Thọ và Quang Phục

Theo Quyết định 374/QĐ-UBND, Cụm công nghiệp (CCN) An Thọ có diện tích gần 50 ha, do Công ty cổ phần An Thọ là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ngành nghề hoạt động chủ yếu của CCN là thu hút đầu tư các dự án công nghiệp thuộc ngành công nghiệp cơ khí sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ ngành đóng tàu (sản xuất thép tấm vỏ tàu, thép hình, chế tạo thiết bị, phụ tùng và lắp ráp thủy lực, máy động cơ và phương tiện vận tải...). Sản xuất công cụ gia công kim loại, sản xuất vỏ container, sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác, thiết bị, máy móc kiểm tra, đo lường; công nghiệp hỗ trợ ngành tàu biển (sản xuất sản phẩm nhựa nội thất tàu biển, sản xuất đồ gỗ nội thất tàu, sản xuất sơn tàu biển...).

Quy mô đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đồng bộ trên diện tích khoảng gần 50 ha theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, lựa chọn cốt nền xây dựng chung cho cả khu vực CCN là >2,52 m (cao độ lục địa); xây dựng tuyến đường trục chính của CCN kết nối với các tuyến đường đối ngoại có mặt cắt 25m nối với trục giao thông đối ngoại; bố trí các tuyến đường nội bộ kết nối với tuyến đường trên. Xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, vỉa hè; nhà điều hành, hệ thống thoát nước mặt, nước thải. Xây dựng 01 Trạm xử lý nước thải tập trung của CCN công suất 750 m3/ngày; xây dựng Trạm biến áp, hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp nước, PCCC...

Tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN gần 480 tỷ đồng. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa Dự án vào hoạt động từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.

UBND Thành phố giao UBND huyện An Lão chỉ đạo lập, phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp An Thọ, huyện An Lão làm cơ sở để Chủ đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định.

Tin bất động sản ngày 14/2: Thủ tướng yêu cầu bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội
Đô thị huyện An Lão.

Theo Quyết định số 375/QĐ-UBND, CCN Quang Phục do Công ty cổ phần Tập đoàn Đăng Khoa là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng. Diện tích CCN khoảng 50 ha có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của CCN, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu; ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực cơ khí, đóng tàu; sản xuất đồ gỗ phục vụ lĩnh vực cơ khí, đóng tàu, sửa chữa tàu...

Quy mô đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đồng bộ trên diện tích khoảng 50 ha theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó: lựa chọn cốt nền xây dựng chung cho cả khu vực CCN là >2,52m (cao độ lục địa); xây dựng tuyến đường trục chính của CCN chạy dọc theo hướng Đông - Tây với mặt cắt 37,5m nối với trục giao thông đối ngoại; bố trí các tuyến trục giao thông nội bộ có mặt cắt lộ giới từ 13,5m đến 17,5m được kết nối liên hoàn. Xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, vỉa hè; nhà điều hành, hệ thống thoát nước mặt, nước thải. Xây dựng 01 Trạm xử lý nước thải tập trung của CCN, công suất 1.390 m3/ngày. Xây dựng Trạm biến áp, hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc; cấp nước phòng cháy, chữa cháy... Thời gian thực hiện dự án từ quý III/2024 đến quý IV/2025.

UBND thành phố giao UBND huyện Tiên Lãng đề xuất, báo cáo UBND thành phố đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối CCN với đường huyện 212 đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Quang Phục. Đồng thời, chỉ đạo lập, phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 CCN Quang Phục, làm cơ sở để Chủ đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định. Đối với nhà đầu tư, huy động đủ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tiến độ thu hút đầu tư CCN như cam kết đã đề ra.

Sắp tới, TP.Hải Phòng sẽ khởi công loạt khu công nghiệp (KCN), CCN trọng điểm như KCN Tiên Thanh (dự kiến khởi công vào dịp 13/5/2023), KCN, dịch vụ và Khu phi thuế quan Xuân Cầu (dự kiến khởi công từ ngày 15-20/2/2023); các CCN Tiên Cường 2, Đại Thắng, Giang Biên (dự kiến khởi công trong tháng 4/2023)...