Chủ tịch Quốc hội: Không thể bắt buộc mua bán bất động sản phải qua sàn giao dịch

Sáng 12/4, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, một trong những điểm mới của dự luật này là bổ sung quy định về việc bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Cụ thể, Điều 57 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản: Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật này…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các phương thức để thực hiện giao dịch, vì vậy đề nghị nghiên cứu quy định cho phép các bên tham gia giao dịch được quyền lựa chọn phương thức giao dịch qua sàn hoặc không qua sàn, để bảo đảm lợi ích vì chưa đủ cơ sở thực tiễn, sự cần thiết.

Theo ông Thanh, sàn giao dịch bất động sản không phải là công cụ quản lý nhà nước, không thực hiện các dịch vụ công, chỉ đóng vai trò là môi giới, trung gian, cung cấp thông tin. Hơn nữa, việc buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tăng thêm tầng lớp trung gian, tăng chi phí giao dịch và được tính vào giá giao dịch. Một số ý kiến phản ánh việc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản có thể làm tăng chi phí từ 8-10%...

Cũng bày tỏ băn khoăn về quy định tại Điều 57 dự luật kể trên, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết quy định tất cả giao dịch phải qua sàn giao dịch bất động sản.

Theo ông Cường, qua phản ánh của một số chủ đầu tư, có thể tiến hành bán trực tiếp cho người mua mà không cần thông qua sàn giao dịch bất động sản. Vì vậy, có thể cân nhắc thêm quy định để giảm phí khi qua sàn giao dịch bất động sản hoặc có quy định mở về các giao dịch bất động sản.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, bản chất các sàn giao dịch là nghiêng về việc môi giới, tư vấn, không có ý nghĩa bảo đảm an toàn pháp lý như đối với cơ sở công chứng. Thực tế, bên môi giới không chỉ môi giới riêng, mà vừa môi giới vừa kinh doanh, nên việc quy định chặt chẽ về sàn giao dịch, tổ chức môi giới, tư vấn là cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu, hiện chưa có quy định rõ ràng về cơ chế bảo vệ quyền lợi của khách hàng, người tham gia vào giao dịch bất động sản hoặc tham gia sàn giao dịch, hậu quả pháp lý liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, nhất là của sàn giao dịch. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung các quy định này để quản lý chặt chẽ hơn nữa việc kinh doanh bất động sản.

Chủ tịch Quốc hội: Không thể bắt buộc mua bán bất động sản phải qua sàn giao dịch. Ảnh: VPQH
Chủ tịch Quốc hội: Không thể bắt buộc mua bán bất động sản phải qua sàn giao dịch. Ảnh: VPQH

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết 18 của Trung ương năm 2022 yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề này lại không thấy trong dự án luật mà lại bắt buộc phải giao dịch qua sàn.

“Không ai nói là phải giao dịch qua sàn giao dịch cả. Anh chỉ có thể quy định thiết chế, địa vị, điều kiện thành lập, cơ chế hoạt động sàn giao dịch. Còn tôi là người mua chọn tham gia hay không, tham gia sàn nào là quyền của tôi” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Về các quy định khác, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung quan trọng trong việc phát triển thị trường bất động sản là về quy hoạch, xây dựng trục quy hoạch theo thời gian. Do đó, việc tái cấu trúc cần được thực hiện cả với thị trường, doanh nghiệp, sản phẩm, trong đó, quy hoạch là vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn chưa thể hiện rõ nét nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự án luật này có sự giao thoa với nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Do vậy, lần sửa đổi luật này là cơ hội lớn để giải quyết những vấn đề tổng thể, tạo ra sự thay đổi nhưng vẫn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Giải trình, làm rõ hơn một số ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về nguyên tắc giao dịch qua sàn bất động sản quy định đối với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. Còn lại khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, mua, cho thuê giao dịch qua sàn.

Chuyển cơ quan điều tra vụ 500 căn nhà trái phép của công ty LDG

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có luận thanh tra về việc thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom).

Dự án Khu dân cư Tân Thịnh hơn 18 ha được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2016, do Công ty cổ phần Đầu tư LDG (Công ty LDG) xây dựng dự án tại xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom).

Theo kết luận, Công ty LDG chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án.

Tuy nhiên, phía công ty đã tổ chức thi công 680 căn nhà, trong đó 198 căn biệt thự. Có 290 căn nhà liên kế đã thi công xong, 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở.

Công ty LDC đã ký hợp đồng nguyên tắc bán nhà với 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỉ đồng. Các khách hàng đã thanh toán cho công ty từ 25% đến 95% giá trị hợp đồng, có 7 hộ chuyển đến sinh sống. Trong khi đó, dự này chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và kinh doanh bất động sản.

Kết luận cũng xác định, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai xác nhận trên trang 4 của 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với nội dung “Chuyển nhượng cho Công ty cổ phần đầu tư LDG” diện tích 16.094m2, trong đó có 12.889m2 đất trồng lúa khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp thực hiện dự án là không đúng theo quy định khoản 1, Điều 193, Luật Đất đai năm 2013.

Hành vi có dấu hiệu tội phạm theo quy định Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và trách nhiệm thuộc về Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, nguyên lãnh đạo đơn vị này và các tổ chức, cá nhân liên quan nên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cánh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra làm rõ.

.Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại Viva Park) được chủ đầu tư quảng cáo là khu đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Vietnamdaily
.Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại Viva Park) được chủ đầu tư quảng cáo là khu đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Vietnamdaily

Kết luận Thanh tra xác định hơn 20 cá nhân khác liên quan đến sai phạm được xác định gồm: Giám đốc và Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thời kỳ Công ty LDG thực hiện dự án; lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom; lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Trảng Bom; Trung tâm phát triển quỹ đất huyện; 4 chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã Đồi 61…

Ngoài ra, 13 tổ chức liên quan đến sai phạm cũng được chỉ rõ. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu tổ chức, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân thiếu sót, sai phạm.

Đối với Công ty LDG, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị báo cáo tình hình thực hiện dự án gửi cơ quan quản lý nhà nước và chấp hành nghiêm việc xử lý sai phạm; không được thực hiện các giao dịch mua bán, đến khi hoàn thành các thủ tục.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị đang tiến hành điều tra về tin báo về tội phạm "Vi phạm quy định về sử dụng đất đai", "Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Khu dân cư Tân Thịnh.

Bước đầu đầu, công an xác định Công ty LDG đã tiến hành thi công một số hạng mục nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh.

Nhằm bảo vệ quyền cho người dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị những người đã ký hợp đồng với Công ty LDG trong thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà ở tại Khu dân cư Tân Thịnh liên hệ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai (số 1034 đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) trình báo.

Được biết, dự án Khu dân cư Tân Thịnh là một trong những vụ việc được bổ sung vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc họp tháng 11/2022.

Danh tính 2 nhà đầu tư muốn làm khu đô thị Hồng Phong hơn 910 tỷ tại Thanh Hóa

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu dân cư mới Hồng Phong tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương.

Kết quả có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nêu trên là Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai.

Dự án khu dân cư mới Hồng Phong được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư hồi cuối tháng 2/2022. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 12,69ha, tổng vốn đầu tư hơn 910 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện dự án là 876 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 33,8 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất). Tiến độ thực hiện dự án không quá 3 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư.

Về 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, theo tìm hiểu, Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa vừa mới được được thành lập vào ngày 7/7/2022, có địa chỉ đăng ký đóng tại thôn Làng Trù, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê… và do bà Trần Minh Phương, sinh năm 1996, quê Hà Nội làm người đại diện pháp luật công ty.

Ngoài là người đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa, bà Trần Minh Phương còn đứng tên đại diện pháp luật cho một loạt công ty khác như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Môi trường đô thị & Điện năng Hà Nội – chi nhánh tại Thanh Hóa; Công ty TNHH Khai thác và quản lý chợ Việt Nam (trụ sở đăng ký đóng tại xóm Tân Lập, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa); Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hạ tầng Đức Anh – chi nhánh tại Thanh Hóa (trụ sở đăng ký đóng tại xóm Tân Lập, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa); Công ty Đầu tư và phát triển BĐS Miền Trung (địa chỉ đăng ký đóng tại số nhà 412, ngõ 7, thôn Làng Trù, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).

“Đối thủ” cạnh tranh với Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa tại dự án nêu trên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM). Doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 326 Hùng Vương, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Theo giới thiệu, Tập đoàn Sao Mai tiền thân là Công ty liên doanh kiến trúc tỉnh An Giang và được thành lập năm 1988. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp công trình tại các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ rồi phát triển mở rộng lên Tây Nguyên. Đến nay, địa bàn kinh doanh của Sao Mai đã mở rộng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hòa Bình, Thanh Hóa…

5F Orianna: Dự án khu nhà ở tại Bình Dương

5F Orianna có vị trí tọa lạc tại mặt tiền đường ĐT 741 (QL14), xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Từ dự án cách ngã ba Cổng Xanh khoảng 3,5 km, là tâm điểm kết nối đến thị xã Bến Cát và thành phố Tân Uyên.

5F Orianna có tổng diện tích 419.809,1 m2, được thiết kế xây dựng với các hạng mục đất quy hoạch sử dụng bao gồm:

Đất ở: Chiếm 209.685,5 m2 (49,95%).

Đất giao thông: 137.315,3 m2 (32,71%).

Đất hạ tầng kỹ thuật: 20.995,2 m2 (5%).

Đất cây xanh: 14.095 m2 (3,36%).

Phần còn lại dành cho các hạng mục đất hành lang, đất giáo dục, trạm y tế, trung tâm văn hóa, cây xanh cách ly và mặt nước…

Hình ảnh thực tế dự án 5F Orianna vào tháng 04/2023
Hình ảnh thực tế dự án 5F Orianna vào tháng 04/2023.

Dự án 5F Orianna được chia làm 3 phân khu đất nền nhà phố và biệt thự, cung cấp ra thị trường 2.760 sản phẩm có diện tích đa dạng từ 70 – 120 m2. Sở hữu hệ thống hạ tầng nội khu với đường điện âm, nước máy và đường trải nhựa rộng từ 12 – 22 m.

Khu nhà ở 5F Orianna được xây dựng cùng với hệ thống 20 tiện ích cao cấp như: Khu clubhouse, hồ bơi vô cực Orianna, khu thể thao đa năng ngoài trời, sân bóng đá, các câu lạc bộ giải trí, trường mầm non Sunflower Orianna, khu vui chơi trẻ em, hồ cảnh quan, hệ thống nhà hàng và quán cafe…

Bên cạnh hệ thống tiện ích nội khu, dự án 5F Orianna còn sở hữu hệ thống tiện ích ngoại khu như: Cách 3 phút đến Khu đô thị Đại học Cổng Xanh, 5 phút đến chợ Chánh Lưu, UBND phường Chánh Phú Hòa; 10 phút đến Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Vsip 2; 15 phút đến trung tâm thành phố Thủ Dầu Một…

Chủ đầu tư dự án 5F Orianna Bình Dương là Công ty Cổ phần tập Đoàn Phương Trường An, đơn vị phân phối dự án Hệ thống 5F.

Công ty Cổ phần tập Đoàn Phương Trường An được thành lập ngày 18/04/2018, đặt trụ sở tại số 9A đường C, Khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Hoạt động trong các lĩnh vực: Kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới bất động sản, xây dựng các công trình nhà ở…

Được biết dự án 5F Orianna có tên pháp lý là Khu nhà ở Phương Trường An 6 xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Được UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định số 72/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Ngày 08/04/2023, Tập đoàn Nam Dương (thuộc 5F) và Hệ thống 5F tổ chức lễ kick off dự án 5F Orianna.