Thủ tướng yêu cầu cắt giảm thủ tục rườm rà trong giao dịch đất đai

Sáng 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thủ tướng cho rằng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó phải tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu theo tinh thần không cầu toàn, nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh hiệu quả. Các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu, có thể thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng.

Dự thảo luật cần theo nguyên tắc phát huy tối đa nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; có công cụ kiểm tra, giám sát, tránh bị lợi dụng và tham nhũng.

"Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp sáng 10/4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp sáng 10/4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.

Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh cũng rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề "nóng" phải tiếp tục từng bước giải quyết. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.

Thủ tướng cũng nêu ý kiến về một số vấn đề cụ thể, trong đó lưu ý thiết kế các chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần được khuyến khích phát triển. Dự kiến Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 5.

Sử dụng nguồn cát hồ Dầu Tiếng cho dự án đường Vành đai 3 TP HCM

UBND TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở ngành tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang rà soát, khảo sát khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Theo ước tính, khối lượng vật liệu xây dựng thông thường cần thiết phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 bao gồm 4 loại như sau: Đất đắp nền đường 1,6 triệu m3; Cát đắp nền đường 7,3 triệu m3; Cát xây dựng 1,5 triệu m3. Đá xây dựng 4,4 triệu m3.

Theo UBND TP HCM, sau khi làm việc với các tỉnh cho thấy vật liệu đá xây dựng, cát xây dựng và đất đắp nền đường đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, đối với nhu cầu về cát đắp nền đường còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp.

Tin bất động sản ngày 11/4: Thủ tướng yêu cầu cắt giảm thủ tục rườm rà trong giao dịch đất đai
Sơ đồ Vành đai 3 TP HCM.

Tại cuộc họp với các tỉnh về nguồn vật liệu cát cho dự án Vành đai 3, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước tình hình nguồn cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn do có nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai đồng thời cùng lúc. Vì vậy chủ đầu tư dự án Vành đai 3 TP HCM nên tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước) để phục vụ cho dự án.

Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho dự án, UBND TP đề nghị UBND các tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng (giấy phép khai thác, giấy phép thăm dò, trữ lượng quy hoạch, trữ lượng khai thác, thông tin về chủ mỏ cát).

UBND TP HCM cũng đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, hỗ trợ để dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM được triển khai đúng tiến độ.

Xử lý trách nhiệm liên quan sai phạm tại các dự án điện gió ở Đắk Lắk

Ngày 10/4, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo việc kiểm điểm sai phạm tại các dự án điện gió mà Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương; các ông Võ Thanh, Phạm Thái, đều là cựu giám đốc Sở Công Thương.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cuối năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp chủ trương đầu tư cho Công ty CP Xây dựng Trung Nam thực hiện dự án đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành nhà máy điện gió Trung Nam và trạm biến áp 33/500K, đường dây 500KV đấu nối từ trạm nâng áp của dự án vào điện lưới khu vực, mạch kép dài khoảng 1,2 km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.500 tỉ đồng.

Diện tích đất cấp cho dự án có thời hạn sử dụng là 140 ha, diện tích sử dụng tạm thời hơn 50 ha. Thời hạn thuê đất 50 năm.

Để thực hiện dự án, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Công Thương để bổ sung quy hoạch đối với dự án trên trong khi thiếu số liệu đo gió theo quy định.

Quá trình triển khai dự án đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện của người dân.

Tin bất động sản ngày 11/4: Thủ tướng yêu cầu cắt giảm thủ tục rườm rà trong giao dịch đất đai
Một công trình điện gió ở huyện Ea Hleo. Ảnh: PLO.vn

Ngoài ra, dự án này triển khai khi chưa hoàn thành các thủ tục cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV giải pháp năng lượng gió HBRE có công suất 28 MW tại xã Dlêi Yang, huyện Ea H'leo. Dự án được triển khai trên diện tích hơn 20 ha, thời gian thuê đất 50 năm.

Tuy nhiên, UBND tỉnh trình phê duyệt bổ sung quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trong khi việc khảo sát, đo lập dự án không thực hiện theo đúng quy định.

Khu vực làm dự án không thuộc quy hoạch đất năng lượng, chưa thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận về hợp đồng mua bán điện; cho phép đóng điện khi dự án chưa hoàn thành lắp đặt cột gió; chậm tiến độ.

Dự án trang trại sinh thái Tân Lâm Nguyên tại Lâm Đồng

Trang trại sinh thái Tân Lâm Nguyên có vị trí tọa lạc tại xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng, cách ranh giới địa phận giữa 3 tỉnh Đắk Lắc, Đắk Nông và Lâm Đồng chỉ khoảng 12 km theo tuyến đường Quốc lộ 27.

Trang trại sinh thái Tân Lâm Nguyên có tổng diện tích 30 ha trên 6 ngọn đồi, sở hữu 4 khu A-B-C-D, 1 con suối và 4 hồ lớn. Dự án được phân thành 75 lô đất với mỗi lô có diện tích từ 2.274 – 5.117 m2.

Dự án Tân Lâm Nguyên có hơn 1 ha đất bằng làm khu vườn sinh thái với các nhà sàn, nhà cây kết hợp canh tác tự nhiên, được phân thành các hạng mục bao gồm: Nhà sàn đón khách, nhà làm việc, hệ thống hồ cá sinh thái, khu nhà vườn, nhà nghỉ trung tâm sinh thái, cầu bộ hành, nhà điều hành và các khu vực chăn nuôi trồng trọt…

Tin bất động sản ngày 11/4: Thủ tướng yêu cầu cắt giảm thủ tục rườm rà trong giao dịch đất đai
Mặt bằng phân lô dự án Trang trại sinh thái Tân Lâm Nguyên.

Tại dự án với địa thế nằm trên các quả đồi, phía trước là suối nước chảy. Cách Quốc Lộ 27 chỉ tầm 1,5 km với đường xi măng 3 m. Ngoài ra gần trang trại còn có các khu du lịch khác như: Suối Nước Mát, suối Nước Nóng, hồ Lắk, Thác 7 tầng, các khu rừng nguyên sinh, đem đến các trải nghiệm phong phú cho chủ nhân.

Chủ đầu tư dự án Trang trại sinh thái Tân Lâm Nguyên Lâm Đồng là Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Phát triển Lâm Nguyên, được thành lập ngày 08/07/2019, đặt trụ sở tại số 23 Nguyễn Thượng Hiền, phường 5, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 02/11/2019, tổ chức lễ động thổ trồng cây Trang trại sinh thái Tây Lâm Nguyên.

Các lô đất tại dự án Tân Lâm Nguyên có mức giá bán từ 580 triệu đồng/lô 4.000 m2, khoảng 1,4 triệu đồng/m2.