Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước làm ngập hơn 25 ha rừng và đổ thải trái quy định hàng triệu m3 đất đá
Năm 2020, thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư đã tích nước lòng hồ, gây ngập úng, làm chết cây rừng, thảm thực vật thuộc hệ sinh thái rừng với diện tích trên 28 ha, trong đó đất lâm nghiệp không có rừng hơn 3,3 ha.

Thủy điện Thượng Kon Tum công suất 240 MW, đưa vào hoạt động năm 2020. Cũng trong năm 2020 UBND tỉnh Kon Tum quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này với diện tích sử dụng hơn 910 ha.

Công trình này sau khi tích nước tại đầu nguồn sông Đăk Snghé tạo thành hồ chứa trên đất xã Đăk Tăng và xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) rộng khoảng 7 km2, dung tích 145 triệu m3.

Theo điều tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, năm 2020 thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư đã tích nước lòng hồ, gây ngập úng, làm chết cây rừng, thảm thực vật thuộc hệ sinh thái rừng với diện tích trên 28 ha, trong đó đất lâm nghiệp không có rừng hơn 3,3 ha. Diện tích rừng bị chết thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý.

Hiện tại, khu vực hồ chứa của thủy điện Thượng Kon Tum, một diện tích lớn cây trồng ven lòng hồ đã chết lá, thảm thực vật biến mất. Số lượng cây chết thậm chí không chỉ nằm trong đất của dự án. Rất nhiều diện tích cây rừng nằm ngoài diện tích đất của dự án thủy điện Thượng Kon Tum bị chết. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Kon Tum, do việc tích nước, vận hành hồ thủy điện Thượng Kon Tum, tổng số cây chết 25,36 ha, trong đó 8 ha rừng phòng hộ.

Các hộ dân tái định cư gần thủy điện Thượng Kon Tum luôn sống trong lo âu khi tại khu vực này đã trải qua hàng trăm vụ động đất trong thời gian qua.
Các hộ dân tái định cư gần thủy điện Thượng Kon Tum luôn sống trong lo âu khi tại khu vực này đã trải qua hàng trăm vụ động đất trong thời gian qua.

Cơ quan chức năng đã khởi tố và điều tra vụ tích nước lòng hồ thủy điện khiến 25 ha cây rừng chết, xem có hay không sai sót trong việc đo đạc và xác định diện tích rừng được chuyển đổi mục đích và thu hồi.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định trách nhiệm để cây rừng chết thuộc về bên được tư vấn, đo đạc lập bản đồ, thẩm định và giám sát cắm mốc vùng ngập nước. Cụ thể, cơ quan chức năng đã làm việc với ông Phạm Mạnh Hùng (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đo đạc và bản đồ Viễn Thám. Đây là đơn vị được Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh thuê hợp đồng tư vấn đo đạc, lập bản đồ địa chính và cắm mốc ranh giới vùng ngập nước phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum.

Ban đầu cơ quan chức năng xác định, trách nhiệm gây hậu quả thiệt hại về rừng (hơn 25ha) tại lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum thuộc về Công ty Cổ phần đo đạc và bản đồ Viễn Thám. Ngoài ra, Cty Cổ phần thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh có trách nhiệm liên quan trong việc ký kết hợp đồng, nghiệm thu thành quả đối với hồ sơ tư vấn, thiết kế đo đạc ranh giới lòng hồ.

Cùng với đó là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giám sát, thẩm định hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt đối với diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng. Hồ sơ vụ việc này hiện đang được Công an tỉnh Kon Tum tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định.

Trước đó vào tháng 2/2022, Thanh tra Chính phủ đã kết luận hàng loạt sai phạm liên quan đến tài nguyên, môi trường và bảo vệ rừng tại công trình này. Cụ thể, chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã đổ thải trái quy định hàng triệu m3 đất, đá; điều chỉnh dự án nhưng không thực hiện ký quỹ hơn 31 tỷ đồng.

Một trong những vấn đề còn đang vướng mắc là xử lý đất thải phát sinh trong quá trình thi công. Theo quy định, đất thải phải được thu hồi, xử lý để san trả lại mặt bằng và đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế xử lý số đất thải này.

Đến nay, việc khắc phục sai phạm vẫn đang rất chậm trễ trong khi hậu quả đang tác động từng ngày tới môi trường và cuộc sống người dân.

Đáng chú ý, Thượng Kon Tum bị cho liên quan động đất ở địa bàn hai năm qua. Nếu trước năm 2020, tại địa bàn chỉ ghi nhận hơn 30 trận động đất thì từ 2021 - thời điểm thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu vận hành đã ghi nhận 200 trận động đất mới gây lún nứt nhiều nhà dân tại khu vực.