Thị trường khách sạn Việt Nam năm 2021 vẫn chưa thể hồi phục nhanh

Trong diễn đàn “Du lịch và khách sạn Việt Nam – Quản trị trong thời điểm bất thường và con đường phía trước” diễn ra vào ngày 20 tháng 10 năm 2021, Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nhận định: “Do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, lượng du khách nội địa Việt Nam giảm 16% và doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm giảm 41% so với cùng kỳ năm.” Có thể nói, hai năm vừa qua là khoảng thời gian vô cùng khó khăn và thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam khi phải liên tục đối mặt với những biến cố khó khăn của dịch bệnh như: các chuyến bay nội địa – quốc tế bị huỷ hoặc gián đoạn, các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng phải tạm dừng, đóng cửa hay lệnh giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng khiến hoạt động kinh doanh đóng băng.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường khách sạn khu vực miền Nam 6 tháng đầu năm 2021, trước làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các biện pháp giãn cách khiến nhu cầu lưu trú tại khách sạn sụt giảm mạnh, 17 dự án khách sạn tại đây cũng buộc phải tạm dừng hoạt động. Cụ thể, nguồn cung giảm 11% theo quý ở cả ba phân khúc, chỉ còn 13.400 phòng với 103 khách sạn hoạt động. Riêng tại TP.HCM, tổng nguồn cung còn 10.400 phòng đến từ 74 dự án khách sạn, giảm 22% theo quý và giảm 27% theo năm. Với những tác động của đợt dịch thứ 4 và những quy định giãn cách nghiêm ngặt, tỉ lệ lấp đầy của các khách sạn trong Quý II/2021 chỉ đạt 18%, giá phòng trung bình chỉ 69USD/phòng/đêm.

Thị trường khách sạn Việt Nam: Bước chuyển mình trong năm 2022
Khách sạn Pullnam Hà Nội. Ảnh internet

Tại Hà Nội, trong Quý III/2021, giá thuê và công suất khách sạn cũng giảm mạnh. Theo báo cáo thị trường khách sạn Quý III của CBRE Việt Nam, giá phòng bình quân (ADR) đạt 94,4 USD/phòng/đêm, giảm gần 4% so với Quý III/2020 và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, công suất phòng bình quân đạt 26,2%, giảm khoảng 3% so với Quý III/2020, chủ yếu do nhiều khách sạn thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Đà Nẵng, một trong những điểm đến du lịch thu hút và trọng điểm nhất của Việt Nam cũng phải đối mặt với tỉ lệ sụt giảm công suất và giá thuê kỉ lục so với những năm gần đây. Trước sức ảnh hưởng của đại dịch, giá phòng khách sạn là 108USD/phòng/đêm với tỉ lệ lấp đầy trung bình lên tới 61% (trong năm 2019). Năm 2020, công suất giảm chỉ còn 17% với giá phòng trung bình chỉ 54USD/phòng/đêm. Công suất tiếp tục giảm còn 11% vào năm 2021, với giá phòng trung bình chỉ 49USD/phòng/đêm.

Trao đổi với chủ khách sạn De L’amour tại Đà Nẵng (xin phép được giấu tên), anh chia sẻ do dịch bệnh kéo dài, anh đã phải đóng cửa và rao bán khách sạn nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa thể tìm được chủ mới. Việc kinh doanh khó khăn và chi phí vận hành tốn kém, chưa kể tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường và các chính sách hỗ trợ từ nhà nước còn chưa nhiều là những lí do phổ biến khiến nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với ngành khách sạn trong thời gian gần đây.

Một chủ khách sạn khác tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ đã phải thay đổi phương thức kinh doanh (từ dịch vụ khách sạn sang cho thuê nhà ở/studio) để tự thích nghi với thị trường trong tình hình dịch bệnh. Mặc dù chi phí vận hành và duy trì khá cao so với lượng khách không đều và giảm nhiều, nhưng chị cho rằng các chủ khách sạn cần nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh để đối phó với tình hình thực tế của dịch bệnh COVID-19.

Một khách sạn đang rao bán tại Đà Nẵng
Một khách sạn đang rao bán tại Đà Nẵng. Ảnh Hương Lan

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách chính của thị trường khách sạn Việt Nam vẫn là khách nội địa, chủ yếu là các khách lẻ đi công tác, các khách chuyên gia nước ngoài đang lưu trú và công tác tại Việt Nam. Mặc dù đã có những dấu hiệu tái khởi động khả quan hơn khi nhiều tỉnh thành đã có lộ trình khôi phục về trạng thái “bình thường mới”, song song với đó là chiến dịch đẩy sử dụng “hộ chiếu Vacxin” cho du lịch, năm 2021 vẫn là một bức tranh ảm đạm và chưa có nhiều biến chuyển tích cực của thị trường khách sạn Việt Nam.

Bức tranh năm 2022: Liệu có thể chuyển mình mạnh mẽ?

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam đánh giá: “Triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021. Việc phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.”

Những ngày cuối năm 2021, có thể thấy Việt Nam đang từng bước nới lỏng các quy định, hạn chế được thiết lập do đại dịch, hướng tới việc “chung sống an toàn với COVID-19” và nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế hoạt động và phát triển trở lại bằng những chủ trương đúng đắn, biện pháp phục hồi hiệu quả, đề xuất gia tăng những gói hỗ trợ, kích cầu cho các doanh nghiệp để có thể mang lại những tín hiệu tích cực trong năm 2022, đặc biệt là đối với ngành du lịch trong nước.

Du lịch Phú Quốc
Tính đến tháng 12/2021, lượng khách nội địa đến Phú Quốc có sức bật đáng kể. Ảnh internet

Tại Phú Quốc, việc áp dụng hộ chiếu Vacxin đã được tỉnh Kiên Giang cho triển khai đầu tiên tại Việt Nam từ tháng 11/2021, với nỗ lực tiên phong tái khởi động ngành du lịch tại Việt Nam sau đại dịch. Tính đến tháng 12/2021, lượng khách nội địa đến Phú Quốc có sức bật đáng kể, tỉnh Kiên Giang cũng đồng thời chuẩn bị nhiều chính sách để sẵn sàng cho các kịch bản đón khách an toàn cả trong nước và quốc tế trong năm 2022.

Tại Hội An (Quảng Nam), các hoạt động tham quan, du lịch, phố đi bộ và xe không động cơ, phố đêm, hoạt động hướng dẫn tham quan tại khu phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà… đã được trở lại từ ngày 15/11/2021. Để kích cầu du lịch, Hội An cũng quyết định giảm 50% giá vé tham quan khu phố cổ và các làng nghề truyền thống đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, sự kiện, lễ hội hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm 50% phí tham quan cho du khách để kích cầu du lịch (bao gồm các điểm tham quan như Vịnh Hạ Long, Khu di tích và Rừng quốc gia Yên tử, Bảo tàng Quảng Ninh) bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2022 đến 30/6/2022. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục có nhiều chính sách để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với trạng thái bình thường mới, kích cầu cho thị trường khách sạn và du lịch tái khởi động.

Vịnh Hạ Long – một trong những điểm đến hot nhất của tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm 50% phí tham quan để thu hút du khách
Vịnh Hạ Long – một trong những điểm đến hot nhất của tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm 50% phí tham quan để thu hút du khách. Ảnh Funtime

Thị trường khách sạn tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi và có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2022, khi kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế đón khách du lịch nước ngoài sẽ được triển khai vào 1/1/2022. Có thể nói, bức tranh thị trường khách sạn Việt Nam năm 2022 sẽ khởi sắc trở lại, nhưng có thể chuyển biến mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế nước nhà hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa thể giải đáp.