Thị trường chứng khoán ngày 6/10: Tất cả nỗ lực ngày hôm qua đã bị thiêu đốt, VN-Index mất gần 30 điểm
Diễn biến phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 6/10

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/10, thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index giảm 29,74 điểm (-2,69%) xuống 1.074,52 điểm. HNX-Index giảm 6,99 điểm (2,89%) xuống 235,13 điểm. UPCoM-Index giảm 1,38 điểm (-1,65%) xuống 82,41 điểm.

Thanh khoản tăng trở lại, giá trị khớp lệnh HoSE tăng nhanh về cuối phiên, lên hơn 20% so với phiên trước, đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản lại giảm sàn hàng loạt: IJC, TCH, GEX, DXG, KBC, DRH, HDG, NLG... Tương tự, nhóm chứng khoán cũng có hàng loạt mã giảm sản, gồm nhiều cổ phiếu lớn như VND, HCM, các mã CTS, BSI, VCI, VIX... SSI giảm xuống sát giá sàn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ có EIB đi ngược thị trường tăng 6,3% lên 36.950 đồng/cổ phiếu cùng TPB dừng ở tham chiếu, còn lại đều giảm mạnh. Trong đó, LPB giảm hết biên độ xuống 11.200 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí không có mã nào tăng. Bên cạnh GAS, PLX kể trên, hai mã: PVB, PVC cùng giảm 2,9%, PVD giảm 2%, PVS giảm 3%.

Nhóm cổ phiếu thép giảm sâu. Ngoài cổ phiếu HPG kể trên, hai mã: HSG, NKG giảm kịch sàn xuống lần lượt 12.650 đồng/cổ phiếu và 16.200 đồng/cổ phiếu, SMC giảm 5,1%, POM giảm 2,9%, HMC giảm 1,9%, TLH giảm 1%, DTL giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng lao dốc khi hàng loạt mã như: BSI, CTS, HCM, VCI, VIX, VND giảm sàn. Các mã: FTS giảm 6,1%, TVB giảm 5,8%, APG giảm 4,5%, AGR giảm 4,1%, VDS giảm 2,9%, ORS giảm 2,3%, TVS giảm 2,3%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2210 đảo chiều, mất tới 35,2 điểm, tương đương -3,16% xuống 1.080 điểm, khớp lệnh tới hơn 412.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ phủ gần như kín bảng. Khối lượng giao dịch phiên này CTCB2206 vượt trội với 3,16 triệu đơn vị, nhưng mã này về tham chiếu tại 20 đồng/cq.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định những biến động gần đây do các sự kiện địa chính trị toàn cầu gây ra góp phần làm nổi bật các lợi thế của Việt Nam.

Về tầm nhìn đến cuối năm 2022, công ty chứng khoán này có những nhận định và kỳ vọng gồm: Giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát; Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnhtranh của Việt Nam trong thu hút FDI trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang có sự tái cấu trúc mạnh mẽ và 3 lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến các ngành, công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên lưu ý về những áp lực đến từ thế giới có thể tác động tiêu cực vào sự tăng trưởng, ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý, trong tháng 9, tỷ giá USD/VND đã tăng xấp xỉ 1,9% so với tháng trước. Theo quan điểm của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), những áp lực bên ngoài có thể gián tiếp khiến khối ngoại bán ròng.