Thông báo của Fanny ghi rõ: "Kem Fanny là thương hiệu kem Pháp cao cấp đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, với cam kết sử dụng 100% nguyên liệu tự nhiên kết hợp cùng nghệ thuật làm kem bậc thầy. Không dừng lại ở việc sản xuất kem ăn truyền thống, Fanny luôn sáng tạo để cho ra đời hàng trăm tác phẩm kem mới lạ, đột phá và có tính mỹ thuật cao.

Với mong muốn mang đến cho tất cả thực khách Việt Nam cũng như du khách nước ngoài có cơ hội thưởng thức kem Pháp đăng cấp năm sao, Fanny đã không ngừng mở rộng chuỗi nhà hàng kem cùng hàng ngàn đối tác phân phối khắp Việt Nam với nhiều hình thức sản phẩm dịch vụ khác nhau".

Thêm một ông lớn gục ngã, doanh nghiệp F&B cần cơ cấu lại nếu muốn vượt qua thời
Một cửa hàng kem Fanny tại Hà Nội.

Tài sản chuyển nhượng của Fanny bao gồm: Thương hiệu kem và một số thương hiệu F&B khác; Một nhà máy sản xuất kem và các tài sản khác trong công ty.

Được biết, Fanny là một thương hiệu kem mang phong cách Pháp của Việt Nam, được ra đời từ năm 1994 bởi ông Jean Marc Bruno – một chuyên gia hàng đầu từ trường đào tạo nổi tiếng thế giới về kem và bánh ngọt Le Noootre Paris (Pháp). Theo giới thiệu, các nguyên liệu cốt yết đều được nhập khẩu từ Pháp và các cùng nguyên liệu độc quyền trên thế giới.

Hiện tại, kem Fanny là một trong số các thương hiệu tiêu dùng của do Công ty CP Hàng tiêu dùng TNC (một thành viên của Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) đầu tư xây dựng. TNC còn là đơn vị quản lý rất nhiều thương hiệu khác như dòng nước uống La’Pure, Apilo - kem Italy, Shalala – kem Pháp, Bonheur Deli – bánh Pháp cao cấp,..

Động thái chuyển nhượng của thương hiệu kem Fanny diễn ra khi các lệnh nới lỏng giãn cách sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu được thực hiện, một lần nữa cho thấy sự "đuối sức" của các doanh nghiệp ngành F&B, ngay cả những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính.

Qua gần 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Fanny đã có chuỗi nhà hàng tại TP HCM, Đồng Nai, An Giang, Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng… với nhiều sản phẩm đa dạng từ cà phê, trà trái cây nhưng vẫn ghi dấu ấn với những loại kem sô cô la và hoa quả.

Giá của các loại kem Fanny ở phân khúc trung - cao cấp, với mức giá khoảng 65.000 đồng/ly 100ml. Ngoài ra, dòng kem dạng hộp có giá 250.000 đồng/hộp 475ml, 960.000 đồng/hộp 3l.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra, chuỗi cửa hàng của Fanny trên toàn quốc đã phải đóng cửa hoàn toàn. Dù nhanh nhạy chuyển đổi sang mô hình bán hàng online thông qua các trang thương mại điện tử như Shopee nhưng tình hình kinh doanh của thương hiệu này không mấy sáng sủa.

Không chỉ Fanny, thời gian qua hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong ngành F&H cũng phải "cay đắng" đóng cửa một số chi nhánh nổi tiếng nhất của mình tại TP HCM và Hà Nội.

Chuỗi cửa hàng Soya Garden cũng đã đóng cửa tại nhiều điểm quan trọng tại TP HCM. Trên website của Soya Garden, cửa hàng cuối cùng tại TP HCM đã không còn hiển thị, tại Hà Nội cũng chỉ còn danh sách 8 cửa hàng.

Thương hiệu Starbucks cũng đóng cửa chi nhánh Starbucks Rex nằm trong khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, TP HCM).

Các doanh nghiệp F&B cần thay đổi tư duy thời "hậu đại dịch"

Đại dịch Covid-19 những tháng qua đã thay đổi hoàn toàn thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ lên ngôi trong điều kiện "bình thường mới". Chính vì vậy, nhiều thương hiệu F&B bắt đầu tính toán, tư duy lại toàn bộ các cấu thành của mô hình kinh doanh để đáp ứng được sự dịch chuyển này. Trong đó, các yếu tố về tính linh hoạt, tiện lợi, an toàn được đề cao.

Thêm một ông lớn gục ngã, doanh nghiệp F&B cần cơ cấu lại nếu muốn vượt qua thời
Theo chuyên gia, để phục hồi và tiếp tục tăng trưởng thời gian tới, các doanh nghiệp F&B cần hoạch định các chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp.

Theo khảo sát của Bộ phận bán lẻ Savills Việt Nam vào tháng 7/2021, tỷ trọng doanh thu của kênh trực tuyến (online) so với tổng doanh thu của hãng trung bình tăng 1,5-2 lần so với trước Covid-19, thể hiện tiềm năng tăng trưởng doanh thu khổng lồ nên các hãng đều dốc sức đầu tư cho mảng này.

Đây cũng chính là sự chuyển hóa trong cung cách thị trường bán lẻ F&B Việt Nam giai đoạn hậu đại dịch, dự kiến là sân chơi của thương mại điện tử và hệ thống vận chuyển, giao nhận và hàng hóa chuẩn chỉnh.

Các hộ kinh doanh ăn uống vừa và nhỏ hoặc các tiểu thương khởi nghiệp ngành F&B hoàn toàn có thể tham gia vào thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Facebook, Instagram,... để tận dụng lượng khách sẵn có khổng lồ trên sàn, tìm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của mình có nhu cầu ăn uống chuyên biệt hoặc phổ biến, tùy vào mục tiêu và định vị riêng của thương hiệu.

Với ngành nghề F&B - một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của các chính sách giãn cách xã hội, thì trong thời gian tới chắc chắn thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp.

"Chi phí mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B, kế tiếp đó là về nhân lực. Thêm vào đó, trong thời gian qua, để đảm bảo được an toàn trong mùa dịch, các cơ quan chức năng yêu cầu các nhân viên muốn đi làm lại bình thường thì ít nhất là phải được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ- giờ đây cũng là một trong những trở ngại đối với doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc trả mặt bằng sớm của một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng được đánh giá là một chiến lược hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ đang cố gắng để giữ được những cửa hàng hiệu quả để có thể cầm chừng trong thời gian ít nhất là ba tháng tới tức là Quý 4/2021, sau đó sẽ có động thái để mở rộng các chuỗi trong 2022.

Thời gian này cũng là lúc chính các doanh nghiệp cần phải ngồi lại và xem xét các chiến lược marketing, chuyển đổi giữa offline sang online, chuyển đổi về cách thức phục vụ khách hàng, chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng, nâng cao những trải nghiệm của khách hàng đối với việc chuyển đổi số nhiều hơn", bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho biết.

Theo chuyên gia, để phục hồi và tiếp tục tăng trưởng thời gian tới, các doanh nghiệp F&B cần hoạch định các chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp. Đầu tiên, lựa chọn địa điểm kỹ càng, nên xây dựng mạng lưới cửa hàng dàn trải tại nhiều quận, thành phố, địa phương để tối đa hóa sự tiếp cận đến càng nhiều khách hàng càng tốt, vừa cung cấp sự tiện lợi ăn uống ngay tại khu vực khách hàng ở, vừa bao phủ diện rộng cho mạng lưới vận chuyển và bán hàng mang đi của hãng.

Đồng thời, thu gọn lại diện tích quán chỉ vừa đủ hợp lý để tránh lãng phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chi phí thuê mặt bằng tối đa chỉ 10-16% doanh thu để duy trì hiệu quả cửa hàng. Hơn nữa, cần tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động của quán.

Cuối cùng, tập trung nguồn lực và phần tài chính tiết kiệm được để đầu tư và nuôi dưỡng hệ thống phân phối và kênh giao nhận hiệu quả, chăm chút vào các thông điệp marketing online, chăm sóc giá trị tinh thần và trải nghiệm của khách hàng tại nhà đối với sản phẩm của mình.