Thông tin được ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP HCM đưa ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố khóa X diễn ra vào sáng 11/7.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến tiến độ xây dựng dự án cầu Cần Giờ, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Thành phố cho biết huyện Cần Giờ có thuận lợi để phát triển giao thông xanh, thành phố du lịch. Nhưng để phát triển được thì hạ tầng phải đi trước và vấn đề được cử tri, lãnh đạo Thành phố nhìn nhận là phải ưu tiên xây dựng cầu Cần Giờ.

Dự án cầu Cần Giờ ban đầu dự kiến kết hợp đầu tư giữa hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với nguồn vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hình thức BT, công trình phải tìm nguồn vốn đầu tư khác. Sở Giao thông - Vận tải hiện đang nghiên cứu đầu tư dự án theo hợp đồng BOT, hợp đồng BT (theo hình thức trả bằng tiền theo cơ chế của Nghị quyết 98 của Quốc hội) hoặc đầu tư công.

Dự kiến, dự án sẽ trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2025.

Phối cảnh thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ với một trụ tháp biểu tượng hình cây đước, đặc trưng của Cần Giờ. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.
Phối cảnh thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ với một trụ tháp biểu tượng hình cây đước, đặc trưng của Cần Giờ. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM.

Cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, huyện biển duy nhất của TP HCM, có tổng chiều dài dự kiến 3,6 km, quy mô 6 làn xe, độ tĩnh không thông thuyền 55 m. Dự án dự kiến sẽ được thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023 và khởi công vào cuối tháng 4/2025. Cầu sẽ được thiết kế kiến trúc dây văng một trụ tháp lấy biểu tượng hình cây đước, cây “đặc sản” của rừng ngập mặn Cần Giờ và là biểu tượng huyện Cân Giờ.

Cầu Cần Giờ là dự án trọng điểm để phát triển huyện Cần Giờ với lợi thế là du lịch, giao thông xanh. Vì vậy, Hội đồng nhân dân TP HCM cũng đã đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021 – 2025. Dự án giúp kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và khu vực lân cận; qua đó tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung dự án cầu Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020. Chính quyền Thành phố ngay sau đó đã bắt tay vào việc tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, lựa chọn nhà đầu tư,… Phương án đầu từ lúc đầu dự kiến là BT đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, sau khi có luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, hình thức dầu tư BT của dự án đã dừng lại và Thành phố tính toán các phương thức đầu tư khác, bao gồm BOT, BT trả chậm bằng tiền, đầu tư công…

Theo kế hoạch, dự án cầu Cần Giờ có điểm đầu tại nút giao đường 15B với đường số 2 thuộc huyện Nhà Bè và điểm cuối kết nối đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 2 km thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Công trình cầu Cần Giờ khi hoàn thành sẽ thay thế phà Bình Khánh độc đạo đã và đang quá tải từ nhiều năm nay.