HAGL Agrico sau khi về tay ông Trần Bá Dương sắp có lãi?

Trước đó, ngày 8/1/2021, Công ty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi (Thadi) của tỷ phú Trần Bá Dương – Chủ tịch tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO) - chi hơn 7 nghìn tỷ đồng để thâu tóm nốt phần cổ phiếu còn lại tại Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của bầu Đức. Từ đây Thadi đổi tên thành Thagrico còn “ghế nóng” Chủ tịch HAGL Agrico thì được chuyển giao từ bầu Đức sang cho ông chủ Trường Hải. Đây được coi là một "cú sang tay" đình đám trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kể từ cú bắt tay trị giá 1 tỷ USD (22 nghìn tỷ đồng) giữa Hoàng Anh Gia Lai và THACO ngày 8/8/2018, cho đến giờ ông Trần Bá Dương đã đầu tư 40 nghìn tỷ đồng vào công ty của bầu Đức, trong đó chủ yếu là đầu tư cho nông nghiệp. Sau khi tiếp quản gia sản nông nghiệp mà bầu Đức đã gây dựng trong gần một thập kỷ, ông Dương khẳng định không bán cho cổ đông ngoại mà sẽ phát triển bằng được công nghệ cao.

Tỷ phú Trần Bá Dương nói xây dựng sân bay, mua máy bay để chăm sóc cây trồng, kỳ vọng đạt xuất khẩu 1 tỷ USD chuối và Campuchia sẽ là địa danh sản xuất, xuất khẩu chuối lớn nhất nhì thế giới.

Thaco thâu tóm loạt thương hiệu đình đám giờ kinh doanh ra sao?
Năm 2021 tỷ phú Trần Bá Dương (bìa phải) – Chủ tịch tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO) đã mua lại Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của ông Đoàn Nguyên Đức (bìa trái).

Chính phát ngôn này của ông Trần Bá Dương đã giúp cho cổ phiếu của ông ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico- mã chứng khoán HNG) ngay lập tức tím lịm, dư mua trần vào phiên giao dịch 23/12/2021. Mặc cho khi đó thị trường chứng khoán đỏ lửa, giảm sâu nhưng HNG chốt phiên vẫn giữ được giá trần. Cụ thể HNG tăng 6,8% lên 11.750 đồng/cổ phiếu. Tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu HNG, thanh khoản vọt lên 28 triệu đơn vị. Vốn hoá HNG tăng lên gần 12.200 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9/2021, HNG có tổng tài sản 20.528 tỷ đồng, giảm hơn 4.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó vốn chủ sở hữu là 12.061 tỷ đồng, nợ phải trả 8.066 tỷ, vay nợ ngắn hạn giảm mạnh hơn 2.600 tỷ đồng còn 4.097 tỷ, vay nợ dài hạn đạt 2.968 tỷ đồng. Đáng chú ý, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của HNG âm 1.940 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, HAGL thông báo sẽ bán 48,1 triệu cổ phiếu HNG để trả nợ ngân hàng, giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico xuống 11,73%.

Theo công bố thông tin, đây là giao dịch mà ngân hàng bán cổ phiếu để thu hồi nợ. Phương thức thực hiện là bán thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Thời gian dự kiến từ 17/1/2022 đến ngày 15/2/2022.

Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico sẽ giảm từ 16,07% xuống còn 11,73%. Tạm tính mức giá đóng cửa ngày 12/1 của HNG, giá trị giao dịch ước tính 577 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2021, vay ngắn hạn của HAGL ở mức 1.528 tỷ đồng, vay dài hạn 6.792 tỷ đồng.

Khoản vay ngắn hạn của HAGL là đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 500 tỷ đồng. Khoản vay dài hạn với các ngân hàng trị giá 1.205 tỷ đồng, trong đó 657 tỷ đồng đến hạn trả trong vòng 1 năm.

HAGL cũng có các khoản trái phiếu được thu xếp phát hành bởi các ngân hàng, bao gồm BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) 5.876 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 350 tỷ đồng và Công ty TNHH Chứng khoán ACB 300 tỷ đồng. Được biết khoản nợ 500 tỷ của HAGL với Sacombank đáo hạn vào ngày 31/12/2021.

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Group tiếp tục chia sẻ trong thông điệp vừa gửi cán bộ nhân viên với việc giao Thagrico đạt doanh thu 10.700 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đóng góp 7.000 tỷ đồng.

Nguồn thu này đến từ sản lượng trái cây đạt gần 400.000 tấn, mủ cao su 2.000 tấn. Thagrico sẽ trồng mới thêm 1.500 ha cây ăn trái để nâng tổng diện tích vườn chuối lên 10.300 ha, dứa 890 ha và xoài 3.700 ha. Bên cạnh đó, công ty sẽ xuất bán gần 8.500 con bò thịt và 109.000 con heo thịt thương phẩm.

Công ty sẽ chi đầu tư 4.000 tỷ đồng để cơ bản hoàn thiện mô hình sản xuất kinh doanh và bắt đầu có lãi trong năm nay. Tuy nhiên, mức lãi dự kiến không được tiết lộ.

Ngoài ra, chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường đầu năm nay, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đồng thời là Chủ tịch HAGL Agrico khẳng định sẽ không để cổ phiếu HNG bị huỷ niêm yết do thua lỗ liên tục.

Tuy nhiên, theo thông tin HAGL Agrico, HNG công bố BCTC hợp nhất quý 4/2021. Ghi nhận, doanh thu trong kỳ sụt giảm phân nửa xuống 307 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến HNG lỗ gộp hơn 467 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, tổng lỗ ròng trong quý 4/2021 ghi nhận gần 816 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi hơn 360 tỷ.

Luỹ kế cả năm, HNG ghi nhận doanh thu 1.199 tỷ đồng, giảm nửa so với mức 2.375 tỷ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ ròng hơn 1.119 tỷ đồng. Theo đó, tính đến thời điểm 31/12/2021, HNG lỗ luỹ kế 3.426,5 tỷ đồng.

Được biết, năm 2021 là năm đầu tiên Thaco chính thức cầm lái tại HNG. Tính đến 28/2/2022, số cổ phần đang lưu hành của HNG là hơn 1,1 tỷ cổ phần. Trong đó, nhóm Thaco nắm 27,63% vốn, HAG đã bán và chỉ còn sở hữu 9,4% vốn.

Nuôi tham vọng có được 10 siêu thị Emart tới 2025

Emart là thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực đại siêu thị lâu đời nhất tại Hàn Quốc, có mặt năm 1993. Hiện Emart có hơn 150 siêu thị, đại siêu thị tại Hàn Quốc, 10 trung tâm tại Trung Quốc với doanh thu vượt 13 tỷ USD vào năm 2014.

Ngày 25/5/2021, Emart Hàn Quốc và THACO đã ký kết thỏa thuận để chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền để THACO tiếp quản hoạt động kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam. Đến 27/9/2021, các bên đã hoàn tất giao dịch và THACO chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam.

Phía tập đoàn THACO cho biết, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Trong khi đó, phía Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh.

Siêu thị Emart nằm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) là điểm bán duy nhất của đại gia bán lẻ Hàn Quốc sau 7 năm nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2015.

Mới đây, theo kế hoạch mở rộng đại siêu thị Emart hậu về với Thaco dự kiến sẽ có 2 đại siêu thị đưa vào hoạt động tại TP.HCM là Emart Sala, Thủ Thiêm vào tháng 10/2022 và Emart Phan Huy Ích, Gò Vấp tháng 12/2022. Bên cạnh đó xây dựng để đưa vào hoạt động Emart tại Đồng Nai, Bình Dương và Tây Hồ Tây (Hà Nội) trong năm 2023. Dự kiến đến năm 2025, Thaco sẽ mở rộng hệ thống Emart với 10 siêu thị.

Thaco thâu tóm loạt thương hiệu đình đám giờ kinh doanh ra sao?
Thaco Group mua lại thương hiệu siêu thị Emart tại Việt Nam.

Về mục tiêu doanh thu, phía Thaco cũng đặt ra tham vọng làm cho Emart tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về doanh thu bình quân trên một siêu thị cao nhất cả nước.

Theo kế hoạch của Emart, năm 2022 sẽ tuyển dụng bổ sung nhân sự từ bên ngoài và đào tạo phát triển đội ngũ lãnh đạo đáp ứng cấu trúc, sơ đồ tổ chức và định biên theo nhu cầu phát triển mở rộng hệ thống với 10 siêu thị đến năm 2025, đáp ứng tiêu chí tiêu chuẩn nhân sự chung của Thaco và đặc thù của ngành bán lẻ từ Emart Hàn Quốc.

Trong lần chia sẻ đầu tiên khi nhận lại Emart, Chủ tịch Thaco là ông Trần Bá Dương cho biết: "Emart có nền tảng kinh doanh rất tốt, đặc biệt là hiệu quả trên từng cửa hàng. Dù vẫn Emart còn lỗ luỹ kế 115 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây rất khả quan. Đơn cử năm 2020, chỉ với một cửa hàng, siêu thị này có doanh thu xấp xỉ 1.650 tỷ đồng và lãi 43 tỷ đồng. Như vậy, tiếp tục phương châm này thì theo đại diện Thaco ngành bán lẻ không quá khó khăn như mọi người vẫn nghĩ".

Dù chưa công bố số liệu cụ thể của năm 2021, tuy nhiên theo kế hoạch Thaco kỳ vọng: Năm 2021 siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020 và đóng góp khoảng 2,2% tổng doanh thu Tập đoàn.

Hủy đăng ký công ty đại chúng trở thành tập đoàn "bí ẩn"

Theo thông tin Thaco cung cấp tới báo chí, ngày 14/05/2021, UBCKNN thông báo hủy tư cách công ty đại chúng đối với Thaco do từ ngày 01/01/2021, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có hiệu lực thi hành: Công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ với cơ cấu cổ đông'.

Tại thời điểm ngày 03/03/2021 (do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – CN TP HCM xác nhận) thì Thaco không đáp ứng điều kiện vì 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ chưa tới 3% nên Thaco đã phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng. Sau 01 năm, UBCKNN sẽ xem xét hủy tư cách công ty đại chúng trên cơ sở báo cáo của công ty.

Trong thời gian này, Thaco vẫn thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến thời điểm nhận được thông báo hủy công ty đại chúng theo quy định.

Được biết, báo cáo tài chính doanh nghiệp đã kiểm toán năm 2019 của Thaco cho thấy doanh thu thuần Thaco trong năm đạt 56.538 tỷ đồng, giảm 2.585 tỷ so với năm trước. Năm 2020, doanh thu thuần Thaco đạt 63.560 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 3.817 tỷ đồng, giảm 21%.

Gần đây nhất, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vừa diễn ra chiều ngày 31/5/2021 của Thaco, Ban điều hành đã công bố kế hoạch đầu tư của năm 2021 với hàng loạt dự án. Chỉ tính riêng 4 lĩnh vực là ô tô - cơ khí, nông nghiệp, bất động sản - hạ tầng và logistics đã được lên kế hoạch đầu tư 17.247 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 7.586 tỷ đồng đã thực hiện trong năm 2020.

Thaco thâu tóm loạt thương hiệu đình đám giờ kinh doanh ra sao?

Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Thaco. Ảnh: Tiền phong

Đáng chú ý là kế hoạch 17.247 tỷ đồng này chưa tính tới các hoạt động của mảng thương mại dịch vụ khi Thaco vừa chính thức tiến sâu vào lĩnh vực này thông qua thương vụ đình đàm, mua lại 100% vốn của E-Mart Việt Nam từ E-Mart Hàn Quốc.

Theo trình bày của Ban điều hành, Thaco tiến hành đổi tên công ty Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Truong Hai Auto corporation JSC) thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Truong Hai corporation JSC) - Thaco.

Thaco cũng đã thực hiện tái cấu trúc theo phương án thành lập các Tập đoàn con (Sub-Holding) và các Tổng công ty thành viên trực thuộc. Hai Tập đoàn con (Sub-Holding) là Công ty THACO Auto và Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (THAGRICO) hoạt động trong 2 mảng chính.

Ba tổng công ty con là Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (thương hiệu THADICO), Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (THISO) và Công ty TNHH Giao nhận Vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI).

Đại hội đồng cổ đông 2021 của Thaco Group diễn ra trong điều kiện do cổ đông nhỏ lẻ sở hữu mới đạt 2,44% tổng số cổ phần biểu quyết, nghĩa là chưa đạt điều kiện “ít nhất 10%” của Luật Chứng khoán 2019, nên Thaco được cho phép huỷ tư cách công ty đại chúng.

Như vậy, Thaco sẽ vẫn là công ty đại chúng hết năm 2021 và sẽ bắt đầu không còn là công ty đại chúng từ năm 2022.

Theo kế hoạch, Thaco sẽ tiến hành thực hiện đăng ký công ty đại chúng cho các Sub-Holding và các Tổng công ty, đồng thời thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP), trong đó: Thaco Auto sẽ được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV thành Công ty cổ phần Thaco Auto với các cổ đông ESOP đã được Đại hội cổ đông năm 2020 thông qua.

Thaco Auto sau khi chuyển đổi sang công ty cổ phần sẽ phát hành cổ phiếu để thỏa mãn điều kiện 10% số cổ phần biểu quyết của các nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn, để trong thời gian sớm nhất sẽ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển thành Công ty đại chúng và niêm yết tại thời điểm thích hợp theo Luật Chứng khoán mới.

Tiếp đến các tập đoàn con (Sub-Holding) và các tổng công ty khác cũng sẽ lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động nhằm tạo một khoản thu nhập bổ sung cho người lao động có đóng góp, cống hiến cho công ty và từng bước trở thành các công ty đại chúng trong tương lai.

Đầu năm 2022, Chủ tịch Thaco - ông Trần Bá Dương - vừa có thông điệp cho năm 2022, xác định là năm thứ 2 thực hiện chiến lược trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực. Thaco cũng đã thay đổi cơ cấu quản lý doanh nghiệp với tập đoàn mẹ Thaco Group không kinh doanh trực tiếp mà chỉ giữ vai trò đầu tư và quản trị 2 tập đoàn và 4 tổng công ty trực thuộc.

Thaco thâu tóm loạt thương hiệu đình đám giờ kinh doanh ra sao?

Trong đó, Thaco Auto: Là doanh nghiệp phụ trách hoạt động sản xuất và lắp ráp ôtô của Thaco. Năm 2022, Thaco Auto sẽ tập trung chuyên sâu vào nghiên cứu phát triển công nghệ và các tính năng thông minh, phát triển sản phẩm xe du lịch điện, xe các loại mang thương hiệu của Thaco.

Chỉ tiêu doanh số tiêu thụ xe năm nay của nhà sản xuất này là hơn 125.000 xe, bao gồm hơn 97.000 xe du lịch, 28.000 xe tải, bus, minibus. Ngoài ra, Thaco cũng dự kiến thu hơn 6.500 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh dịch vụ và cung cấp phụ tùng năm nay.

Cũng trong năm 2022, Thaco Auto sẽ chi khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư thêm 42 showroom, nâng tổng số showroom của hãng lên 383 điểm trên cả nước.

Thagrico: Là mảng nông nghiệp của Thaco với tổng phụ trách hơn 48.500 ha đất nông nghiệp tại Tây Nguyên và Campuchia. Trong đó, các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này bao gồm trồng trọt cây ăn trái; chăn nuôi bò, lợn và cung cấp các sản phẩm tươi, chế biến. Thaco hiện sở hữu 26,7% cổ phần nhưng nắm vai trò điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này với tổng diện tích 36.050 ha đất tại Lào và Campuchia. Năm nay, công ty dự kiến tiêu thụ khoảng 177.000 tấn trái cây và hơn 12.000 tấn mủ cao su với doanh thu 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải ghi nhận chi phí chăm sóc và chi phí chuyển đổi vườn cây rất lớn từ năm 2020 trở về trước, HAGL Agrico ước lỗ 2.400 tỷ đồng.

Thaco Industries: là đơn vị hiện sở hữu 20 nhà máy được tách ra từ Thaco Auto nhằm phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

Kế hoạch cho năm 2022, doanh thu dự đạt hơn 13.000 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất cơ khí, linh kiện phụ tùng trong và ngoài ngành ôtô.

Thadico: Là đơn vị chuyên phát triển các dự án KCN, KĐT, Bất động sản và Giao thông - Hạ tầng kỹ thuật.

Năm nay, công t dự kiến đẩy mạnh mảng kinh doanh này với việc xây dựng mới 35 showrom ôtô; triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động từng phần tại Khu công nghiệp Cơ khí ôtô mở rộng cho Thaco Auto; Khu công nghiệp chuyên Nông - Lâm nghiệp tại Chu Lai và Khu công nghiệp chuyên Nông nghiệp tại Thái Bình.

Thông qua Công ty Xây dựng Thadicons, Tập đoàn sẽ thi công hoàn thiện cơ bản các khu liên hợp trồng trọt tại Campuchia, Lào và Việt Nam cho Thagrico.

Thadico cũng sẽ thi công dự án mở rộng bến cảng Chu Lai và Khu cảng, logistics, phi thuế quan cho Thilogi (công ty quản lý hoạt động logistics) và 2 dự án siêu thị của Thiso (công ty kinh doanh trung tâm thương mại).

Ngoài các dự án nội bộ của Thaco Group, Thadico cũng dự kiến hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án cầu Thủ Thiêm 2 vào tháng 4 năm nay; triển khai xây dựng các dự án tại Khu đô thị Sala, Thủ Thiêm và nghiên cứu, phát triển các dự án Khu đô thị tại Chu Lai và một số tỉnh thành khác.

Công ty cũng sẽ đưa vào vận hành dự án phức hợp Socar Sala vào tháng 10/2022 và triển khai thi công 6 dự án phức hợp khác trên toàn quốc; hoàn thành bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 6/2022 và cải tạo giai đoạn 1 Trung tâm thương mại hiện hữu cho Khu phức hợp Yangon - Myamar.

Thilogi: Là công ty đầu mối tổ chức và cung ứng dịch vụ logistics trọn gói cho Thaco và đối tác. Từ đó, phát triển cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế kết nối với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và 2 miền Nam - Bắc.

Thaco cũng đặt các kế hoạch kinh doanh cụ thể trong năm nay với tham vọng phát triển cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế kết nối với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và hai miền Nam - Bắc.

Kế hoạch cho năm 2022, Thilogi sẽ thực hiện forwarding cho 55.000 container bằng đường biển về Chu Lai và đối lưu hơn 27.000 container các tuyến nội địa (trong đó gần 17.000 container cho khách hàng ngoài). Công ty cũng vận chuyển đường bộ 39.000 container trái cây và vật tư nông nghiệp từ Campuchia, Lào và Tây Nguyên đến các cảng xuất khẩu và ngược lại; vận chuyển 128.000 xe ô tô thành phẩm từ Chu Lai đến các Công ty tình thành/đại lý. Tiếp nhận hơn 720 lượt tàu với sản lượng hàng hóa thông qua cảng Chu Lai dự kiến là 4,2 triệu tấn. Thứ sau, Thiso: Là Công ty thực hiện kinh doanh thương mại, dịch vụ và bán lẻ trên cơ sở mặt bằng BĐS do Thadico phát triển. Kế hoạch năm 2022, Thiso sẽ đưa vào hoạt động thêm 2 đại siêu thị Emart tại Sala - Thủ Thiêm vào tháng 10/2022 và Emart Phan Huy Ích - Gò Vấp vào tháng 12/2022. Đồng thời, Thiso cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động Emart tại Đồng Nai, Bình Dương và Tây Hồ Tây - Hà Nội trong năm 2023.

Công ty ôtô Trường Hải (THACO - Mã chứng khoán: THA ) được thành lập vào ngày 29/4/1997, thời điểm hiện tại có vốn điều lệ khoảng 30.510 tỉ đồng, trong đó gia đình chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương sở hữu hơn 70% và cổ đông ngoại JC&C nắm giữ 26,3% vốn. Văn phòng Tổng quản TP.HCM đặt tại Tòa nhà IIA, số 10 đường Mai Chí Thọ, phường Thủ Thiêm, Quận 2. Tổng số nhân sự khoảng 20.000 người. Trong năm 2020, theo thống kê của VNR500, Công ty CP ô tô Trường Hải nằm vị trí thứ 5 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (còn được viết tắt là THACO) là một công ty cổ phần chuyên sản xuất, lắp ráp, xuất nhập khẩu, phân phối, bảo trì, sửa chữa ô tô tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đầu tư, xây dựng, thương mại dịch vụ và vận tải-logistics.