Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thông tin của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 3 quý vừa qua, số lượng tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 doanh nghiệp chiếm 13,7%. Số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là 4.091 đơn vị, chiếm 12,6%.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng nay khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực - Bộ Xây dựng nhận xét.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định, phân bổ lợi nhuận tốt hơn.

Những tháng cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh.

Trên thị trường, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.

Hiện tại, đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

Mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong quý III thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng thì khó khăn càng chồng chất thêm.

Đánh giá chung về tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, ảnh hưởng Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam rất nghiêm trọng.

Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì chính quyền các tỉnh, thành cũng phải tập trung chống dịch. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận... trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025...