UBS đã đồng ý mua lại ngân hàng Credit Suisse với 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,3 tỷ đôla, 3,02 tỷ euro) sau khi Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức một thỏa thuận để giải cứu Credit Suisse - một trong những ngân hàng toàn cầu được coi là sẽ khó có thể tưởng tượng nếu sụp đổ.

Ngân hàng châu Âu này từng nắm giữ tài sản trị giá 1,6 nghìn tỷ đôla và sử dụng hơn 120.000 người lao động trên toàn thế giới.

Trước khi sáp nhập, số lượng nhân viên tại UBS và Credit Suisse lần lượt vào khoảng 72.000 và 50.000.

Theo báo cáo, động thái cắt giảm việc làm không nêu cụ thể về những vị trí nào, tuy nhiên sẽ có tới 11.000 nhân viên có thể bị sa thải chỉ riêng ở Thụy Sĩ.

Báo cáo cũng nói rằng các công việc ở Mỹ cũng có thể gặp rủi ro. UBS hiện đang đàm phán để kết thúc một thỏa thuận có thể trao quyền kiểm soát phần lớn ngân hàng đầu tư của Credit Suisse cho nhà giao dịch Phố Wall Michael Klein.

Logo ngân hàng Thụy Sỹ UBS. Ảnh: Internet.
Logo ngân hàng Thụy Sỹ UBS. Ảnh: Internet

UBS cũng cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ đưa cựu Giám đốc điều hành Sergio Ermotti trở lại để giúp đối phó với những rủi ro mới. Ông Ermotti, từng là Giám đốc điều hành UBS giai đoạn 2011 - 2020, được ghi nhận là người đã khôi phục danh tiếng của UBS nhờ các gói cứu trợ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

UBS và Credit Suisse đều nằm trong số 30 ngân hàng trên thế giới "quá lớn để sụp đổ”, do đó được coi là những Ngân hàng Quan trọng trong hệ thống toàn cầu (GSIB). Các ngân hàng này được xếp hạng theo mức độ quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu và phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn, như mức vốn dự phòng để ứng phó khi xảy ra khủng hoảng.

Các quy định nghiêm ngặt nhất hiện đang được áp dụng đối với ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ. UBS sẽ có thể tăng thứ hạng sau vụ sáp nhập trên. Cơ quan chức năng Thụy Sĩ sẽ phải nghiên cứu cách quản lý một ngân hàng lớn hơn, với những nguy cơ mang tính hệ thống cao hơn.