Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đồng thời gửi văn bản xin ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện văn bản pháp lý này, trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến từ tháng 10/2024 và dự kiến thông qua vào tháng 5/2025.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Đặc biệt, nước ngọt cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế này.

Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Song, các mức này được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh theo lộ trình từ năm 2026-2030. Việc này nhằm tăng giá bán thêm 10%, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cụ thể, với rượu 20 độ trở lên, cơ quan này chọn phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030. Rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.

Rượu, bia có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tới 100%
Rượu, bia có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tới 100%

"So với năm 2025, giá bán rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026", Bộ Tài chính cho biết, các năm sau đó, giá các mặt hàng này sẽ thêm 2-3%, tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, đồ uống Việt Nam, đến năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Bộ Tài chính cho rằng tiêu dùng rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồ uống có cồn (rượu, bia) có tính chất gây nghiện, dễ dẫn đến lạm dụng.

"Áp dụng thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia", nhà chức trách cho hay. Bộ Tài chính cũng cho rằng thuế suất cao giúp giảm tiêu thụ, hạn chế lạm dụng sản phẩm này.

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm có cồn, tính từ khi có Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990 đến nay, đã được thay đổi 12 lần, kể cả sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn. Thuế suất thời điểm cao nhất đối với rượu (trừ rượu dưới 20 độ) và bia các loại là 90%, gấp 2 lần thời điểm thấp nhất là 45%.

Trước đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và một số doanh nghiệp đã bày tỏ kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế TTĐB theo đề xuất của Bộ Tài chính. Theo các doanh nghiệp, dịch COVID-19 và việc áp dụng Nghị định 100 đã khiến doanh thu ngành bia, rượu sụt giảm nặng nề.

Năm 2023, doanh thu ngành bia giảm 11%, lợi nhuận sụt 23%. Do đó, VBA đề xuất nên lùi thời điểm áp dụng tăng thuế TTĐB với ngành bia rượu để doanh nghiệp có nguồn lực vượt qua khó khăn, qua đó đóng góp vào ngân sách Nhà nước.