Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Khó nhưng phải làm
Đô thị hóa tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. (Ảnh: Internet)

Hệ luỵ khôn lường bởi đô thị hoá quá nhanh

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu (BĐKH). Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 2-3 độ C và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20 cm.

Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12/2017, trên toàn quốc có 813 đô thị; tốc độ đô thị hóa khá nhanh với tỷ lệ đô thị hóa trung bình là 35,7%. Hệ luỵ của tốc độ phát triển vượt bậc ấy là đến nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của BĐKH, như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường; khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán.

Diễn biến khí hậu cực đoan trong những năm gần đây đã cho thấy BĐKH không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến các vùng dễ tổn thương như Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, vùng núi cao…, mà cả với hầu hết các đô thị trên cả nước. Theo kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên & Môi trường, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh.

Ví dụ điển hình nhất chính TP. Hà Nội. Trong những tháng gần đây, thành phố liên tiếp hứng chịu những đợt mưa lớn, bão, gây ngập úng trên diện rộng, nhiệt độ thay đổi thất thường. Nhiều ý kiến phân tích rằng, nguyên nhân của hiện tượng úng ngập trên địa bàn thủ đô là do diện tích mặt nước và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần dưới tác động tốc độ đô thị hóa nhanh.

Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Khó nhưng phải làm
Tình trạng ngập lụt ở Hà Nội mỗi khi mưa lớn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2020 diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm 203,63ha. Nhiều ao hồ đã bị san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh đó là tình trạng người dân lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác.

Mặt khác, diện cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước bị suy giảm, thay bằng bê tông hoá của các khu đô thị, toà nhà cao tầng. Điều này còn dẫn đến một hệ quả khác là gây ra hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” vào mùa hè, gây ngột ngạt, bức bối cho người dân; đặc biệt dễ thấy tại các tuyến phố nhiều tòa nhà cao tầng như Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Khuất Duy Tiến,…

Tuy nhiên, không chỉ riêng thủ đô Hà Nội mà rất nhiều thành phố trên cả nước đều đã trải qua hậu quả ngập lụt nặng nề do mưa lớn kéo dài, bất thường, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân và xã hội. Đơn cử như các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cần Thơ, …

Chưa bao giờ, BĐKH thu hút sự chú ý nhiều đến như vậy, đặc biệt đối với các cư dân đô thị. Theo Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) năm 1992, BĐKH là sự biến đổi của khí hậu do hoạt động của con người gây ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và do sự biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kỳ có thể so sánh được.

Vì nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động phát triển của con người, nên khu vực đô thị – vốn là nơi tập trung đông đảo dân cư, công trình hạ tầng – vừa là tác nhân vừa khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH.

Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Khó nhưng phải làm
Các đô thị có tốc độ đô thị hoá càng nhanh thì càng dễ chịu tác động bởi BĐKH. (Ảnh: WMO)

Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 50% dân số trên thế giới hiện nay đang sống tại đô thị và sẽ tăng lên tới 70% vào năm 2050. Các nghiên cứu cũng dự đoán dân số đô thị sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và khu vực phát triển đô thị mới cùng hệ thống hạ tầng sẽ tăng lên gấp ba. Do đó, nhu cầu về năng lượng, cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị sẽ ngày càng gia tăng trong thập kỷ tới, gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, biến đổi cảnh quan.

Trong bài nghiên cứu “Thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và quản lý đô thị” của ThS. Nguyễn Việt Dũng – Viện Quy hoạch Môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn thuộc Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP), một số tác động của BĐKH tới đô thị có thể được khái quát thành 6 loại sau: tác động tới sức khoẻ, tác động tời cung ứng thực phẩm, tác động tới khu vực ven biển, tác động tới nguồn nước, tác động tới hệ thống hạ tầng, tác động tới kinh tế và thương mại.

Lồng ghép BĐKH vào quy hoạch là xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, quy hoạch đô thị ở Việt nam là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị bền vững và bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Khẳng định lồng ghép BĐKH vào quy hoạch đô thị là tất yếu, chính phủ đã có nhiều động thái đáng chú ý. Trong đó có thể kể tới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030”. Theo đó xây dựng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ của UBND thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao.

Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Khó nhưng phải làm
Lồng ghép BĐKH trong quy hoạch đô thị là xu hướng tất yếu. (Ảnh: Internet)

Tiếp đó, trong Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký, ban hành ngày 14/9/2021, đã nêu rõ: TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển không gian đô thị phù hợp chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển của thành phố và vùng TP Hồ Chí Minh, thích ứng BĐKH, ngập úng, triều cường, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Mặt khác, ngày 7/1/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quả thực, các văn bản pháp luật là nguồn tham chiếu quan trọng để thực hiện hiệu quả việc xây dựng quy hoạch đô thị thích ứng với BĐKH, tuy nhiên nội dung này vẫn tương đối mới tại Việt Nam, do đó cần sự tham khảo, nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng.

Theo giới chuyên gia, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm để thích ứng với những áp lực mới từ BĐKH là một thử thách đối với các nhà quy hoạch và những nhà hoạch định chính sách và ra quyết định. Dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, tạo cơ sở nền tảng để kiến tạo nên những đô thị phát triển bền vững – nơi con người có thể sống và phát triển hài hoà với thiên nhiên và môi trường.

BĐKH cần được coi là cơ hội chứ không phải thách thức. Cơ hội để xem xét lại cách làm quy hoạch hiện nay đã thực sự bền vững về mặt môi trường hay vẫn coi phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu? Cơ hội để đơn giản hóa quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, một mặt vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, mặt khác tạo điều kiện cho các dự án đầu tư phát triển đô thị sớm được triển khai. Cơ hội để minh bạch hóa quá trình lập quy hoạch khi thích ứng với BĐKH đòi hỏi có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Cơ hội để ra quyết định công một cách khoa học và xem xét lợi ích của tất cả các đối tượng liên quan thay vì một nhóm thiểu số. Và trên hết, cơ hội để hội nhập quốc tế, tận dụng được sáng kiến, xu thế mới, tránh mắc phải những sai lầm mà nhiều nước phát triển đã gặp phải.

(Trích trong bài nghiên cứu “Thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và quản lý đô thị” của ThS. Nguyễn Việt Dũng – Viện Quy hoạch Môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn thuộc Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia)