Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thích ứng với biến đối khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội;

Ưu tiên sử dụng vốn ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng, phóng chống dịch bệnh, an sinh xã hội...

Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thích ứng với biến đối khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.

Không sử dụng vốn ODA cho chi thường xuyên

Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ nội dung quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; các giải pháp, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này; theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tình hình, kết quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trừ trường hợp phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ năng vận hành trang thiết bị, máy móc; tham quan khảo sát; nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; mua sắm ô tô trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định; vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành trừ một số vật tư, thiết bị dự phòng đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Công bố thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn).

Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.

Phương thức xác định khoản mục chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước: Việc xác định các khoản mục chi đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan.

Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính đối với vốn vay ODA và vốn ODA không hoàn lại

Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Cụ thể, đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương: Cấp phát toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương.

Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài làm phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án đối tác công tư (PPP): Vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: Áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ.

Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

Ai được quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA?

Nghị định quy định rõ:

1. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 17 của Luật Đầu tư công.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:

a) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, trừ chương trình, dự án quy định tại Khoản 1.

b) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép;

c) Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuấn bị dự án đầu tư.

3. Người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại nhóm C.

Vốn ODA là gì?

Vốn ODA là nguồn tiền mà chính phủ, các cơ quan chính thức các nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, quốc tế cho các nước đang và kém phát triển vay để phát triển kinh tế – xã hội.

Vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) là viện trợ không hoàn lại hoặc hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi (cho vay lãi suất thấp) của chính phủ, cơ quan thuộc Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB), được gọi chung là các đối tác nước ngoài dành cho chính phủ và nhân dân các nước nhận viện trợ.

Hình thức cung cấp vốn ODA

Tại Điều 4 Nghị định 56/2020/NĐ-CP nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (oda) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài quy định về các phương thức cung cấp vốn:

Điều 4. Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:

1. Chương trình.

2. Dự án.

3. Phi dự án.

4. Hỗ trợ ngân sách.

Phân loại vốn ODA

Vốn hợp tác phát triển chính thức gồm có: vốn hợp tác phát triển chính thức ràng buộc (chi tại nước viện trợ); vốn hợp tác phát triển chính thức không ràng buộc (chỉ ở bất kì nước nào); vốn hợp tác phát triển chính thức ràng buộc một phần (một phần chi ở nước viện trợ, phần còn lại chỉ ở bất kì nơi nào).

Vốn hợp tác phát triển chính thức phân loại theo góc độ “vay – trả” gồm có: viện trợ không hoàn lại; viện trợ hỗn hợp; viện trợ có hoàn lại.

Viện trợ không hoàn lại

Đây là hình thức vay vốn mà nước vay không phải hoàn trả lại. Mục đích nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án cho nước vay theo thỏa thuận của 2 nước với điều kiện đó là các nhà thầu dự án sẽ do bên cho vay đảm nhận. Tuy nhiên có thể xem viện trợ không hoàn lại như một nguồn thu ngân sách của nhà nước. Được cấp phát lại theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Viện trợ có hoàn lại

Vay vốn với một lãi suất ưu đãi và một thời gian trả nợ thích hợp. Tín dụng ưu đãi chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng số vốn ODA trên thế giới. Nó không được sử dụng cho mục tiêu xã hội, môi trường. Mà thường được sử dụng cho các dự án về cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng…Làm nền tảng vững chắc cho ổn định và tăng trưởng kinh tế. Các điều kiện ưu đãi bao gồm:

· Lãi suất thấp

· Thời gian trả nợ dài

· Có khoảng thời gian không trả lãi hoặc trả nợ.

Vốn ODA hỗn hợp

Là loại ODA kết hợp hai dạng trên, bao gồm một phần không hoàn lại và tín dụng ưu đãi.