Nhức nhối vấn nạn "thương hiệu một đằng, nguồn gốc một nẻo"
Những cửa hàng mang phong cách Hàn, Nhật nhưng xuất xứ Trung Quốc nở rộ ở Việt Nam từ vài năm trở lại đây. Có một điểm chung là các thương hiệu đều na ná nhau ở sản phẩm, phong cách phục vụ, giá cả, tên thương hiệu... khiến người tiêu dùng (NTD) rất khó phân biệt với một loạt các thương hiệu giống nhau ở phần tên gọi như: Miniso, Daiso, Mumuso, Yoyoso, Minigood… Hầu như các chuỗi cửa hàng này đều chọn vị trí thuận lợi, mặt tiền đẹp, mặt hàng bắt mắt, nổi bật, trang trí theo phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản để thu hút khách hàng.
Các thương hiệu khá giống nhau từ logo, cách bày, phong cách, quảng cáo cho đến nguồn gốc hàng hóa? |
Về nhận diện thương hiệu, logo của các thương hiệu này khá giống nhau. Một số khách hàng cho rằng logo của Miniso khá giống với logo của hãng thời trang nổi tiếng của Nhật Bản là Uniqlo. Và trong khi, logo thương hiệu Miniso liệu có giống với Uniqlo còn đang gây tranh cãi thì lại xuất hiện thêm một thương hiệu khác cũng có biểu hiện nhái lại logo của Miniso như Minigood, từ logo cho đến hàng hóa tại đây không có nhiều sự khác biệt so với Miniso. Trong khi đó Mumuso và Yoyoso cũng giống nhau đến kỳ lạ, từ thương hiệu, màu sắc, sản phẩm…
Các sản phẩm không quá đắt, chủ yếu bày bán mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, phụ kiện kỹ thuật số, sản phẩm quà tặng, đồ gia dụng, phụ kiện thời trang… Thông tin trên sản phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, Hàn, chỉ có một dòng chữ rất nhỏ trên tem nhãn phụ sản phẩm bằng tiếng Việt càng khiến khách hàng nghĩ đây là sản phẩm từ Nhật, Hàn thật.
Nhưng thực tế về nguồn gốc, hầu hết sản phẩm bày bán ở đây đều sản xuất tại Trung Quốc. Giá bán các sản phẩm cũng khá mềm so với hàng hóa cùng loại trên thị trường, chủ yếu ở mức dưới 100.000 đồng. Một số ít sản phẩm có giá bán cao hơn nhưng cũng chỉ khoảng 200.000 - 500.000 đồng.
Trước thực trạng trên, ngày 25/05/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1809/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (Công ty).
Mumuso từng bị các cơ quan chức năng "tuýt còi". |
Đến ngày 12/07/2018, Bộ Công Thương ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mumuso Việt Nam tại thời điểm đó có đến 99,3% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được Công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.
Ngay sau kết luận này, NTD cho rằng không chỉ Mumuso mà còn rất nhiều thương hiệu tương tự khác như Miniso, Daiso, Minigood… cũng đã và đang sử dụng chung một kịch bản tương tự và rất cần các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc kiểm tra, xử lý, đảm bảo quyền lợi cho NTD.
Cụ thể, khách hàng nếu vào bất cứ cửa hàng nào của Miniso cũng thấy dòng chữ rất to là “Miniso Japan” cùng rất nhiều thông tin sản phẩm được ghi bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, đằng sau nhãn mác đó lại xuất hiện dòng xuất xứ được ghi sản xuất tại Trung Quốc.
Được thành lập từ năm 2013 và xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào ngày 10/9/2016, chuỗi các cửa hàng Miniso nhanh chóng "làm mưa, làm gió" với hàng loạt sản phẩm đa dạng về chủng loại và giá thành được đánh giá ở mức thấp, phù hợp với sinh viên; được giới thiệu như một thương hiệu bán lẻ đến từ Nhật Bản và đã có không ít khách hàng nhầm tưởng Miniso là thương hiệu của Nhật, bày bán các sản phẩm của Nhật bởi từ logo đến bao bì của các sản phẩm đều xuất hiện tiếng Nhật.
Miniso được truyền thông và biết đến như một thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng đến từ Nhật Bản. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV Doanh Nhân Việt Nam, phần lớn hàng hóa tại Miniso đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Trên bao bì các sản phẩm của Miniso đều cố định có các dòng chữ “Miniso Japan” và nhiều chữ tiếng Nhật - điều này càng khiến người tiêu dùng "tin tưởng" rằng đây là những hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản.
Đa dạng mẫu mã... |
Khi PV hỏi nhân viên tư vấn tại đây rằng tất cả sản phẩm đều là của Nhật hay không thì nhận được phản hồi là cửa hàng có cả hàng Nhật và hàng Trung Quốc nhưng khi yêu cầu chỉ muốn xem hàng Nhật thì đến nhân viên của Miniso cũng không chỉ ra được (?!).
...đến chủng loại. |
Một trường hợp khác nhầm lẫn Miniso có xuất xứ từ Nhật Bản là chị O. (Tôn Thất Tùng, Hà Nội): “Tôi tưởng đấy là hàng Nhật vì thấy logo và sản phẩm có chữ Japan”.
...nhưng các hàng Nhật đều xuất xứ từ Trung Quốc. |
Theo quan sát, từ các sản phẩm mỹ phẩm cho đến văn hóa phẩm, thậm chí cả đồ gia dụng, đồ chơi đều ghi xuất xứ hàng từ Trung Quốc nhưng có lẽ vẫn không thể tránh khỏi những hiểu lầm nếu khách hàng không tìm hiểu, xem xét sản phẩm kỹ càng.
Tương tự, Minigood cũng là thương hiệu bán lẻ có phong cách, bán hàng theo phong cách Hàn Quốc với các mặt hàng như mỹ phẩm, quà tặng, đồ gia dụng, phụ kiện kỹ thuật số… khá giống Mumuso. Điểm chung của cả 2 hệ thống gắn mác hàng Hàn Quốc này cũng đều phần lớn sản xuất tại Trung Quốc.
Minigood có logo gần như "đạo nhái lại của Miniso? |
Một thương hiệu khác là Daiso cũng được biết đến bán nhiều hàng Nhật tại Việt Nam. Trên các giá để hàng tại Daiso đều ghi một dòng chữ rất to “Daiso Japan - Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”. Tuy nhiên, không khó để khách hàng tìm ra rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc phổ biến từ chén, bát, gạt tàn thuốc lá, chai lọ các loại… đến gel lạnh. Vào hệ thống siêu thị này, người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là sản phẩm từ Nhật, đâu là sản phẩm của Trung Quốc.
Daiso Japan nhưng phần lớn toàn là hàng Trung Quốc ? |
Chưa bàn đến giá cả sản phẩm đắt hay rẻ, chất lượng sản phẩm tốt hay không tốt song chính việc mập mờ về quảng bá thương hiệu đang khiến nhiều khách hàng Việt Nam hiểu nhầm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tại chuỗi cửa hàng của các thương hiệu này. Phải chăng đây là “chiêu trò” tinh vi mà nhà sản xuất của các thương hiệu nói trên tung ra thị trường, nhằm qua mắt, trục lợi từ niềm tin người tiêu dùng?
Căn cứ Điều 8 - Luật Bảo vệ Người tiêu dùng; người tiêu dùng có những quyền lợi sau:
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.