Trong cuộc đua về công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), các ông lớn công nghệ vẫn chi mạnh tay, nhưng nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu chán nản, hụt hẫng với khoản đầu tư này.
Đến nay, đối với nhiều công ty, niềm hứng khởi trước viễn cảnh của công nghệ AI tạo sinh (Generative AI) đã nhường chỗ cho bối rối vì khó khai thác giá trị thực.
Theo S&P Global, tỷ lệ doanh nghiệp hủy bỏ hầu hết các dự án thử nghiệm AI sinh tăng vọt lên 42 %, so với 17 % năm ngoái.
Giám đốc Klarna - hãng “mua trước trả sau” của Thụy Điển, thừa nhận đã sa đà cắt giảm nhân viên chăm sóc khách hàng nhờ AI, nay buộc phải tuyển người trở lại.
Khi giám đốc điều hành của một hãng công nghệ lớn tại San Francisco ngồi nhâm nhi ly rượu với lãnh đạo những khách hàng thuộc nhóm Fortune 500, anh ta thường nghe đi nghe lại một thông điệp: “Chúng tôi thất vọng và bực bội. Không hiểu sao mọi thứ lâu thế, đã chi cả đống tiền mà chẳng thấy kết quả.”
Nhận định người tiêu dùng vẫn rất hào hứng, Sam Altman - CEO OpenAI, tiết lộ ChatGPT mỗi tuần có khoảng 800 triệu người dùng. Nhiều người đã coi AI sinh là công cụ quen thuộc nơi công sở.
Tuy nhiên, tiềm năng “thay đổi cuộc chơi” chỉ thành hiện thực khi hàng loạt doanh nghiệp thực sự tích hợp AI vào sản phẩm và quy trình. Với tiến độ ì ạch, nhiều lãnh đạo đã rơi vào “vùng trũng vỡ mộng”, theo cách gọi của John Lovelock (Gartner) - hiểu đơn giản là quá trình hụt hẫng sau khi cơn hưng phấn vì một công nghệ mới (hype cycle) lắng xuống.
Đây là bài toán nan giải cho nhóm “siêu quy mô” (hyperscalers) như Alphabet, Amazon, Microsoft và Meta – những hãng vẫn đổ tiền xây hạ tầng AI.
Pierre Ferragu (New Street Research) ước tính tổng chi đầu tư của họ sẽ chiếm 28% doanh thu năm nay, so với 12% mười năm trước. Liệu lợi nhuận thu về có đáng để chi đậm?
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều rào cản cản trở doanh nghiệp, chẳng hạn như dữ liệu cục bộ, hệ thống công nghệ thông tin cũ kỹ, thiếu nhân lực chuyên môn, nỗi lo bot gây sai sót, vi phạm quyền riêng tư hay lộ dữ liệu.
Trong khi đó, các “ông lớn” vẫn không ngừng rao giảng về AI. Tuần này, tại hội nghị lập trình viên thường niên, Microsoft và Google phô diễn hết cỡ. Satya Nadella và Sundar Pichai nói đầy hào hứng về “chuyển dịch nền tảng” và “web tác tử” nơi các AI bán tự động tương tác thay người dùng.
Hai CEO nhấn mạnh ,mô hình AI ngày càng tốt, nhanh, rẻ và phổ cập. Elon Musk còn bất ngờ xuất hiện qua video, thông báo phòng thí nghiệm xAI sẽ đưa mô hình Grok lên nền tảng đám mây Azure của Microsoft (ngay sau khi Altman dùng cùng kênh để ca ngợi quan hệ sâu sắc với Microsoft). Cả Nadella lẫn Pichai đều khoe chỉ số mới – số “token” mà mô hình xử lý – chứng tỏ lưu lượng bùng nổ.
Những thước đo truyền thống như doanh thu hay lợi nhuận tạm gác lại trong các bài phát biểu trên. Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, doanh thu AI từ mảng đám mây của Alphabet, Amazon, Microsoft vẫn còn khiêm tốn so với số tiền họ rót ra, và chủ yếu đến từ các phòng lab AI, startup – đôi khi nhưng đơn vị này cũng do chính họ rót vốn.
Ông Lovelock nhận định với The Economist, lợi ích lớn nhất với "hyperscalers" thường nằm ở việc ứng dụng AI vào chính sản phẩm, vận hành của họ.
Đơn cử, Google sẽ ra mắt chế độ “AI mode” theo dạng hội thoại cho công cụ tìm kiếm, dựa trên Gemini. Hiện, phần tóm tắt AI bên cạnh kết quả tìm kiếm đã được 1,5 tỉ người dùng mỗi tháng. Google cũng đưa AI tạo sinh vào mảng quảng cáo để giúp khách hàng soạn nội dung, tối ưu chiến dịch.
Meta, dù không cung cấp dịch vụ đám mây, cũng đã dùng mô hình Llama mã nguồn mở để cải thiện quảng cáo.
Microsoft nhúng AI vào bộ ứng dụng văn phòng, nền tảng mã nguồn Github. Mới đây hãng sa thải 6.000 nhân viên, nhiều người là lập trình viên – minh chứng AI có thể thay thế một phần công việc.
Amazon tận dụng AI trong thương mại điện tử để gợi ý sản phẩm, tối ưu logistics.
Nếu những dự án này thành công, chúng có thể truyền cảm hứng để các công ty khác tiếp tục thử nghiệm, cho tới khi tìm ra cách khai thác AI hiệu quả.
Đáng chú ý, "vùng trũng vỡ mộng" của công nghệ AI luôn có hai hướng chuyển tiếp. Bên cạnh hướng đi tiêu cực - vỡ mộng hoàn toàn với AI, chu trình Gartner cho thấy một xu hướng khác là "sự giác ngộ", tức là nhiều doanh nghiệp không đầu tư hoặc đầu tư thiếu có thể cảm thấy hối tiếc. Minh chứng rõ nhất là Apple khi chậm chân với AI tạo sinh, đang nếm trái đắng: phiên bản Siri tăng cường AI lỗi nặng tới mức phải hoãn ra mắt.
Ông Lovelock dự đoán giai đoạn “vùng trũng” này sẽ kéo dài tới cuối năm sau, tức là các doanh nghiệp vẫn đang đứng giữa 2 quyết định - nên đầu tư tiếp vào công nghệ AI hay dừng lại.
Trong lúc ấy, các hyperscalers vẫn đang rất tích cực.
Kevin Scott (CTO Microsoft) cho rằng cần cải thiện khả năng “ghi nhớ” của tác nhân AI để chúng nhớ bối cảnh; website phải có giao thức mới cho phép truy cập dòng dữ liệu. Microsoft vừa tham gia giao thức nguồn mở Model Context Protocol (Anthropic khởi xướng), bên cạnh Amazon, Google, OpenAI.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định thứ họ thiếu không phải mô hình AI thông minh hơn, mà là cách biến AI thành công cụ hữu ích. Ông Scott gọi đây là “khả năng treo lửng” (capability overhang). Ông và Dario Amodei (đồng sáng lập Anthropic) kêu gọi khách hàng hãy nghĩ lớn và kiên trì với công nghệ AI.
© thitruongbiz.vn