Nhà đầu tư bất động sản là gì?

Nhà đầu tư bất động sản là chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản. Đầu tư hiểu đơn giản là bỏ vốn để sau này lại thu lợi nhuận. Đầu tư bất động sản là bỏ vốn kinh doanh bất động sản nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh là thuật ngữ để chỉ chung về các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi nhuận như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trung gian thương mại, xúc tiến thương mại… trong đó có hoạt động đầu tư. Các hoạt động kinh doanh không thể đứng độc lập mà nó liên quan đến nhau và tạo thành một chuỗi thống nhất.

Đầu tư được coi là hoạt động gần như đầu tiên trong kinh doanh bởi vì điều kiện tiên quyết để kinh doanh là phải có vốn mà đầu tư là hoạt động bỏ vốn. Nhà đầu tư bất động sản có thể là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Nhà đầu tư bất động sản là gì?
Ảnh minh họa

Quy định về nhà đầu tư bất động sản

Điều kiện đầu tư kinh doanh bất động sản

Điều kiện để trở thành nhà đầu tư bất động sản là phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã và có vốn pháp định không dưới 20 tỷ đồng. Điều kiện này không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ không thường xuyên. Các đối tượng này không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp căn cứ Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Các hoạt động kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư

Nhà đầu tư bất động sản bỏ vốn kinh doanh bất động sản và kinh doan dịch vụ bất động sản. Kinh doanh bất động sản là hoạt động kinh doanh có đối tượng là bất động sản như thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Kinh doanh dịch vụ bất động sản là các hoạt động như dịch vụ môi giới, tư vấn, quản lý bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản. Đây là các hoạt động kinh doanh cụ thể mà nhà đầu tư bất động sản có thể thực hiện.

Bất động sản được nhà đầu tư đưa vào kinh doanh

Các loại bất động sản là đối tượng của hoạt động kinh doanh là nhà, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai; các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.

Huy động vốn trong hoạt động kinh doanh bất động sản

Vốn đầu tư kinh doanh bất động sản có thể là tài sản của nhà đầu tư hoặc được huy động từ các nguồn khác nhau như vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh liên kết… Và một nguồn vốn khá đặc biệt khác là tiền thu được từ hoạt động mua bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai. Việc thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai thực chất là hình thức huy động vốn của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần có vốn để thực hiện dự án thì có thể huy động từ chính khách hàng của mình, giao kết hợp đồng mua bán và yêu cầu họ trả tiền trước và sau này khi hoàn thành dự án thì nhận nhà sau.

Nhà đầu tư bất động sản là gì?
Ảnh minh họa

Kiến thức về pháp luật cần thiết cho nhà đầu tư bất động sản

Khi trở thành nhà đầu tư bất động sản thì kiến thức về pháp luật là yếu tố cơ bản cần có. Nếu kiến thức về kinh doanh, marketing, bán hàng… khiến cho bạn kinh doanh có lãi thì kiến thức về pháp luật giúp bạn kinh doanh an toàn và trước khi tính đến việc có lãi thì hãy biết cách giữ an toàn cho mình.

Kiến thức đầu tiên mà nhà đầu tư cần biết về pháp luật kinh doanh bất động sản là điều kiện về vốn đầu tư. Ngoài vốn pháp định thì nhà đầu tư nên biết về tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong thực hiện dự án đầu tư bất động sản.

Theo đó pháp luật quy định nhà đầu tư để được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên. Bên cạnh đó là điều kiện huy động vốn thông qua hình thức kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai. Để đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh thì công trình phải được thi công xong phần móng, một số hoạt hạng mục khác và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện.

Đối với những nhà đầu tư là cá nhân nhỏ lẻ thì cần tìm hiểu về chế độ sử dụng các loại đất, chế độ sử dụng nhà ở và các công trình thương mại dịch vụ. Nhất là đối với những người đầu tư vào các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng du lịch như condotel, biệt thự du lịch, homestay... Nhiều người đã ký hợp đồng “mua” các bất động sản du lịch này mà không được cấp giấy tờ về quyền sử dụng vì chưa có cơ chế đối với hoạt động mua bán này.

Mọi người cần phân biệt được đất ở và đất thương mại dịch vụ, công trình nhà ở và công trình có mục đích kinh doanh. Tránh trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép như tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở dẫn đến vi phạm pháp luật.