Ngày 10/10, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đóng phiên cuối tuần ở mức 79,59 USD/thùng, trong phiên có lúc vọt hơn 2% lên mức 80,11 USD/thùng; dầu Brent đóng phiên ở mức 82,58 USD/thùng, trước đó, hợp đồng này tiến 1,7% lên mức 83,32 USD/thùng.

Giá dầu thô WTI của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất gần 7 năm mặc dù Mỹ cho biết không có ý định sử dụng nguồn dầu thô từ Cục Dự trữ dầu mỏ chiến lược để phục hồi kinh tế.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại Hà Nội, giá xăng trong nước khó tránh khỏi tăng mạnh bởi giá nhiên liệu thế giới leo thang nhanh do đó Liên bộ Công Thương – Tài chính có thể sẽ điều chỉnh tăng 800-1.000 đồng mỗi lít xăng, 1.000-1.200 đồng mỗi lít dầu nếu không sử dụng quỹ bình ổn.

Ngày 11/10, giá xăng có thể tăng tới 1.000 đồng/lít
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng với giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên tới 83 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, tác động rất lớn đến giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều hành sắp tới.

Tại kỳ điều hành ngày 25/9, Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng E5 RON 92 lên cao nhất 20.710 đồng một lít (tăng 570 đồng) và RON 95 cao nhất 21.940 đồng một lít (tăng 550 đồng). Cơ quan điều hành cũng chi 850 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92. Xăng RON 95 và các mặt hàng dầu không chi quỹ bình ổn giá tại kỳ điều hành lần này. Từ cuối tháng 2 đến nay, mỗi lít xăng RON 95 đã tăng khoảng 4.700 đồng còn E5 RON 92 tăng khoảng 4.400 đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng với giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên tới 83 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, tác động rất lớn đến giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều hành sắp tới.

Hiện tại số dư quỹ bình ổn chỉ còn khoảng 670 tỉ đồng, và có đến 14 đầu mối bị âm quỹ. Riêng 2 tập đoàn lớn là Petrolimex và PVOil có số âm quỹ bình ổn lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

"Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 35-43%. Nhưng với việc sử dụng quỹ bình ổn giá, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng 30-35%, thấp hơn mức tăng của thế giới. Dù đã sử dụng quỹ rất nhiều để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng không hẳn là không còn dư địa, quỹ vẫn còn. Dù vậy, phải tính toán các công cụ khác để hài hòa, vì diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh" - ông Đông nêu.

Cũng theo ông Đông, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%.

Do đó, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp, trong đó có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhất là thuế bảo vệ môi trường, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ.