1. Nâng mũi là gì?

Nâng mũi là phương pháp thẩm mỹ được thực hiện ở vùng mũi để đổi hình dạng hay kích thước mũi; cải thiện các khiếm khuyết ở mũi như sống mũi thấp, mũi lệch, mũi gồ; phần đầu mũi tròn, to; cánh mũi bè, dày hoặc thô; kích thước của mũi không cân xứng, quá to với khuôn mặt,.... Nhờ đó, mang lại mũi hài hòa với khuôn mặt.

Trong điều trị, phẫu thuật nâng mũi cũng được thực hiện để cải thiện các vấn đề về hô hấp hoặc chỉnh sửa những biến dạng do dị tật bẩm sinh hoặc do chấn thương gãy mũi, vẹo mũi,...

Hiện nay, có hai phương pháp chính để nâng mũi là nâng mũi phẫu thuật và nâng mũi không phẫu thuật.

  • Nâng mũi phẫu thuật bao gồm 2 phương pháp chính, dựa trên việc thay đổi cấu trúc sụn mũi là nâng mũi sụn nhân tạo và nâng mũi sụn tự thân.
  • Nâng mũi không phẫu thuật bao gồm nâng mũi bằng tiêm filler, nâng mũi bằng chỉ sinh học,....

Việc nâng mũi phẫu thuật thường có chi phí khá cao, mất nhiều thời gian để bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật. Vì vậy, với những người không có quá nhiều khuyết điểm ở mũi đồng thời e ngại một cuộc phẫu thuật có thể cân nhắc chọn lựa phương pháp nâng mũi không phẫu thuật.

2. Nâng mũi bằng chỉ collagen là gì?

Nâng mũi bằng chỉ sinh học (nâng mũi chỉ collagen) là phương pháp thẩm mỹ mũi không cần phẫu thuật. Phương pháp này giúp nâng cao sống mũi bằng cách đưa sợi chỉ sinh học vào sâu dưới da, sau đó chỉ được đính cố định vào phần mô và cơ.

Nâng mũi chỉ collagen dùng sợi chỉ nâng mũi được thiết kế với nhiều gai móc (tương tự như lưỡi câu) hoặc xoắn vặn như lò xo để bám dính tốt vào lớp mô bên trong mũi (hay còn gọi là lớp SMAS) với mục đích nâng da lên và tạo độ cao cho mũi.

Phương pháp nâng mũi bằng chỉ. Ảnh minh họa
Phương pháp nâng mũi bằng chỉ. Ảnh minh họa

Hiện nay, phương pháp nâng mũi bằng chỉ collagen được khá nhiều người biết đến và ưa chuộng. Chỉ nâng mũi có thể làm từ nhiều vật liệu như PDO, PLA, PCA…và tùy vào loại chỉ sử dụng mà thời gian duy trì mũi có thể khác nhau. Sau khi được đưa vào cơ thể, các sợi chỉ này có khả năng kích thích sản sinh collagen và elastin từ sâu bên trong, giúp cải thiện phần nào dáng mũi ngay cả sau khi chỉ đã tiêu biến.

Tại một số cơ sở thẩm mỹ, phương pháp này thường được kết hợp với tiêm filler mũi để tăng hiệu quả.

3. Ưu nhược điểm của phương pháp nâng mũi bằng chỉ

Nâng mũi bằng chỉ là một kỹ thuật tương đối mới, ra đời sau các phương pháp truyền thống (phẫu thuật, tiêm filler). Dẫu vậy, phương pháp này đã dần trở thành một dịch vụ thẩm mỹ được các chị em rất ưa chuộng nhờ vào những ưu điểm sau:

  • Ít xâm lấn hơn so với các kỹ thuật nâng mũi khác
  • Điều chỉnh dáng mũi cao, thẳng và thon gọn tự nhiên
  • Giá thành tương đối rẻ
  • Quy trình thực hiện đơn giản và nhanh chóng, chỉ khoảng 20 phút
  • Không yêu cầu nghỉ dưỡng lâu, có thể sinh hoạt và làm việc ngay sau khi nâng mũi
  • Không cần phải gây mê
  • Sợi chỉ sinh học có thể tự tiêu và giúp kích thích sản sinh collagen.

Ngoài ưu điểm, phương pháp này cũng có một số hạn chế như:

  • Chỉ tác động đến phần sống mũi, không thể cải thiện các nhược điểm ở cánh mũi và không mang lại hiệu quả với trường hợp có đầu mũi ngắn hoặc quá to.

  • Không phải loại chỉ nào cũng tương thích với mũi, vì thế có thể gây dị ứng đối với một số trường hợp.
  • Thời gian duy trì ngắn vì theo thời gian chỉ tự tiêu. So sánh với phương pháp tiêm filler mũi thì phương pháp cấy chỉ sẽ có thời gian duy trì được lâu hơn mặc dù không bằng phương pháp phẫu thuật.

4. Nâng mũi bằng chỉ có an toàn không?

Kỹ thuật nâng mũi bằng chỉ có độ xâm lấn thấp nên tương đối an toàn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của bác sĩ điều trị. Muốn cấy chỉ vào mũi, bác sĩ sẽ cần phải gây tê và dùng kim ấn để luồn chỉ vào.

Quá trình đưa chỉ vào bên trong cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu thực hiện không đúng cách, sẽ có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Hoặc nếu cấy chỉ vào không đều có thể gây hiện tượng sống mũi lệch, mũi mất cân đối.

Chất lượng chỉ là một vấn đề khác cũng cần được quan tâm. Khi điều trị tại một cơ sở thẩm mỹ, bạn nên tìm hiểu xem loại chỉ được sử dụng có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất bởi một thương hiệu uy tín không.

Một ca tai biến phải lấy chỉ từ mũi ra - Ảnh: BVCC
Một ca tai biến phải lấy chỉ từ mũi ra . Ảnh: BVCC

Đã có nhiều trường hợp bó chỉ đưa vào không tương thích với cơ địa gây ra các tác dụng phụ như: dị ứng, chảy máu kéo dài, nguy cơ khô mũi, viêm xoang… Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến hiện tượng đau kéo dài, viêm thân mũi, nhiễm trùng thủng đầu mũi, chân mũi thò ra ngoài khiến cho mũi bị biến dạng, bị vẹo hay 2 lỗ mũi không đều nhau.

Rất khó để lấy các sợi chỉ không tương thích ra khỏi mũi, phải nạo vét trong mũi rất đau đớn. Bên cạnh đó, quá trình nạo chỉ không thể lấy hết chỉ ra hoàn toàn. Chỉ còn sót lại trong mũi rất dễ nhiễm trùng và sẽ tạo thành ổ chứa vi trùng, gây tình trạng viêm nhiễm nặng, hoại tử... Những biến chứng trên đa phần đến từ việc bệnh nhân thực hiện cấy chỉ, nâng mũi ở các trung tâm thẩm mỹ, spa nhỏ không đảm bảo điều kiện y tế, thậm chí có cả trường hợp thực hiện tại nhà.

Do đó trước khi quyết định nâng mũi, bạn nên tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn phương pháp phù hợp cho mình, đồng thời cần đến các cơ sở uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.