Cơ sở hành nghề không phép, người thực hiện không chứng chỉ hành nghề phẫu thuật

Những ngày qua, dư luận xôn xao vì câu chuyện một cô gái 22 tuổi quê Long An đã không may qua đời sau khi đi nâng mũi. Cụ thể, ngày 14/1, chị P.T.D.H (22 tuổi, quê Long An) đến cơ sở thẩm mỹ H.M.P tại ngõ 147A Tân Mai (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để nâng mũi.

Thông tin từ người nhà nạn nhân chia sẻ trên báo chí cho biết, đến trưa cùng ngày 14/1/2022, gia đình nạn nhân nhận được thông báo chị H đang được cấp cứu tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng nguy kịch.

Người nhà tiếp tục đưa chị H đến một bệnh viện tại Long An để điều trị, nhưng đã tử vong không lâu sau đó.

Trả lời báo chí, chủ cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ H.M.P, cho biết, nạn nhân không phải là khách của cơ sở này, mà chủ cơ sở cho bạn và nhân viên của bạn mượn địa điểm, máy móc nâng mũi cho chị H. Bản thân chủ cơ sở không liên quan việc này, nhưng do xảy ra ở cơ sở mình, nên anh này vẫn hỗ trợ gia đình nạn nhân các thủ tục. Chủ cơ sở cũng nói rằng, trước đó đã từng cho người bạn kia mượn cơ sở của mình để phẫu thuật cho khách.

Vụ cô gái 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi: Phẫu thuật thẩm mỹ và lỗ hổng quản lý
Nạn nhân P.T.D.H.

Vào cuộc điều tra, Công an quận Hoàng Mai xác định những người có mặt khu vực chị H. làm phẫu thuật ngày 14/1, gồm: Nguyễn Sỹ Giang (1995, quê quán Yên Thành, Nghệ An); Lê Ngọc Anh (SN 1990, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, là bác sĩ Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội); Nguyễn Thanh Bình (SN 1991, trú ở huyện Đan Phượng, Hà Nội); Nguyễn Thiện Lễ (SN 1999, quê quán Lục Nam, Bắc Giang); cùng 2 người liên quan trong vụ việc là Trần Thế Anh (SN 1991, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Hoàng Minh Phong (SN 1994, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội).

Căn cứ tài liệu điều tra xác định, qua quan hệ xã hội, Giang quen biết Hoàng Minh Phong và theo Phong học nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Khoảng tháng 2/2021 Phong rủ Giang về làm tại cửa hàng thẩm mỹ viện của Phong tại 18C (Tổ 20, phường Tương Mai).

Bản thân Giang biết Phong không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn đồng ý làm cùng Phong. Giang lên mạng xã hội đăng bài làm phẫu thuật thẩm mỹ để tìm khách, nếu có khách, Giang trực tiếp tiến hành làm phẫu thuật thẩm mỹ cho khách.

Khoảng tháng 5/2021, chị P.T.D.H. liên hệ nhắn tin với Giang, nói muốn làm phẫu thuật nâng mũi và đã nhiều lần chuyển tiền (tổng số tiền 35 triệu đồng) cho Giang để đặt cọc. Giang hẹn ngày 14/1/2022 sẽ tiến hành làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi cho chị H. tại của hàng thẩm mỹ của Phong.

Ngày 13/1, Giang thông báo cho Phong về trường hợp chị H. và bảo Phong liên hệ bác sĩ gây mê. Đầu giờ chiều 14/1, chị H. đến cơ sở thẩm mỹ "chui", và được Giang đưa lên tầng 6 của ngôi nhà để làm thủ tục phẫu thuật.

Khi tiến hành phẫu thuật có Giang, Ngọc Anh, Bình tham gia; Ngọc Anh là người gây mê (thuốc Midazolam 5mg/ml do Ngọc Anh mang đến); Bình và Đăng phụ hỗ trợ Giang. Ngọc Anh tiến hành gây mê cho chị H. rồi Giang tiến hành tiêm thuốc tê tại vị trí mổ.

Sau đó, Giang tiến hành mổ đầu mũi của chị H. Chừng 20 phút, Ngọc Anh nói chị H. có dấu hiệu sức khỏe không tốt nên bảo Giang dừng phẫu thuật. Ngọc Anh tiến hành sơ cứu và cho chị H. thở oxy, hô hấp nhưng lúc này cô gái trẻ đã rơi vào tình trạng hôn mê.

Giang nói Đăng khâu định hình lại mũi cho chị H., rồi liên hệ với Phong báo sự việc. Biết tin, Phong gọi Thế Anh đi ôtô của Thế Anh chở chị H. đến bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, còn Phong bỏ đi.

Trong quá trình làm việc, Lê Ngọc Anh xuất trình bằng bác sĩ đa khoa do Đại học Y Hà Nội cấp; Chứng chỉ định hướng chuyên khoa, chuyên ngành gây mê hồi sức cũng do Đại học Y Hà Nội cấp; Chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế Hà Nội cấp, với phạm vi hoạt động chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa gây mê hồi sức.

Vì sao nên nỗi?

Về mặt y học “Phẫu thuật thẩm mỹ là một chuyên ngành phẫu thuật liên quan đến việc phục hồi, tái thiết hoặc thay đổi cơ thể con người. Nó có thể được chia thành hai loại. Đầu tiên là phẫu thuật tạo hình bao gồm phẫu thuật sọ não, phẫu thuật tay, phẫu thuật vi phẫu và điều trị bỏng. Loại thứ hai là phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi phẫu thuật tạo hình nhằm mục đích tái cấu trúc một bộ phận của cơ thể hoặc cải thiện chức năng của nó, phẫu thuật thẩm mỹ nhằm mục đích cải thiện vẻ ngoài. Cả hai kỹ thuật này đều được sử dụng trên toàn thế giới".

Còn theo khoản 20, Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có đưa ra khái niệm về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như sau: “Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng của con người".

Hiện tại, ở Việt Nam có 3 loại hình kinh doanh làm đẹp chính gồm: dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thẩm mỹ và chuyên khoa thẩm mỹ. Ba loại hình kinh doanh này hoàn toàn khác biệt. Do đó pháp luật Việt Nam cũng đưa ra những quy định khác nhau cho những người kinh doanh 3 loại dịch vụ này.

Thứ nhất, cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp là những cơ sở làm tóc, làm móng, trang điểm,… Những dịch vụ này hoàn toàn không sử dụng chất gây tê khi thực hiện nghiệp vụ làm đẹp. Vì vậy, cơ sở kinh doanh nói trên không phải báo cáo hoạt động với sở y tế địa phương.

Thứ hai, cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp).

Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định (tại khoản 5, phần bổ sung Điều 23a NĐ 109/2016, trong NĐ 155/2018/NĐ-CP) gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Thứ ba, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyêt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu.

Ngoài những yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị y tế... thì theo quy định người hành nghề đã có chứng chỉ chuyên khoa định hướng Tạo hình thẩm mỹ và đã thực hành đủ 18 tháng về chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Địa điểm nơi nạn nhân được phẫu thuật thẩm mỹ (Ảnh: Tuổi trẻ).
Địa điểm nơi nạn nhân P.T.D.H được phẫu thuật thẩm mỹ (Ảnh: Tuổi trẻ).

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có dịch vụ thẩm mỹ. Những vi phạm cơ bản về giấy phép hoạt động kinh doanh, chuyên môn kỹ thuật. Tùy hành vi vi phạm mà mức phạt đối với cơ sở kinh doanh thẩm mỹ có thể lên tới 50.000.000 đồng.

Nếu như những năm 1990 chỉ có các cơ sở y tế tư nhân mới có dịch vụ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và số cơ sở có giấy phép hành nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện nay, số cơ sở y tế được cấp phép phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ lên tới con số hàng trăm và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong quá trình quản lý những năm gần đây, việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động càng ngày càng tăng cao. Đến năm 2021, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép cho 65 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 7 BV có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, hiện nay có 1 lượng lớn spa, thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng tiến hành kĩ thuật phẫu thuật thẩm mỹ. Tất cả các spa và thẩm mỹ này đều hoạt động trái pháp luật. Do đó mới xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm như của cô gái nói trên.

Công bằng mà nói, những sự việc đáng tiếc xảy ra trong vấn đề phẫu thuật thẫm mỹ không chỉ tới từ những kẻ kinh doanh vô lương tâm hay sự chưa chặt chẽ của pháp luật mà còn bắt nguồn từ sự cả tin, thiếu hiểu biết của nhiều khách hàng. Nhiều người khi có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ không tìm hiểu kỹ về thủ thuật mình muốn làm, những yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh... mà chỉ vội tin vào những lời giới thiệu, quảng cóa. Trong số đó, một lỗ hổng nguy hiểm gây ra hậu quả nặng nề là các trang web, facebook, fanpage quảng cáo các dịch vụ làm đẹp tràn lan trên mạng, quảng cáo quá sự thật, đưa hình ảnh hấp dẫn nhằm câu khách khiến nhiều chị em thấy rẻ, đẹp và tin dùng. Việc này đã góp phần cho các cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai phép.

Cùng với đó, rõ ràng, vấn đề đặt ra ở đây là việc cấp phép quản lý, nhất là công tác quản lý của chính quyền địa phương. Qua vụ việc này, các chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc nắm, rà soát và siết chặt quản lý hệ thống phòng khám, TMV tư nhân đang hoạt động trên địa bàn.