Cụ thể, trong năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.154,59 tỷ đồng, giảm 31,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 469,27 tỷ đồng, giảm 49,5% so với thực hiện trong năm 2022.

Được biết, kết thúc năm 2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM ghi nhận 730,87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ. Như vậy, ước tính kế hoạch năm 2023 của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM sẽ giảm 35,8% so với thực hiện trong năm 2022, tương ứng giảm 261,87 tỷ đồng.

Thêm nữa, Công ty cũng dự kiến thông qua kế hoạch chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14% và cổ tức năm 2022 là 12% bằng tiền mặt. Trong đó, nội dung này sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Dự kiến, ngày 14/3, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại TP HCM.

Trong các tờ trình đại hội sắp tới, đáng chú ý có tờ trình tạm dừng trái phiếu chuyển đổi CII42013 đợt 5 ngày 3/5/2023.

Trước đó, trong quý IV/2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM ghi nhận doanh thu đạt 1.865,2 tỷ đồng, tăng 192,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 43,61 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 367,99 tỷ đồng, tức tăng thêm 411,6 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 274,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 221,8 tỷ đồng lên 302,6 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 34,3%, tương ứng tăng thêm 59,7 tỷ đồng lên 233,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 23%, tương ứng giảm 59,7 tỷ đồng về 352,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 12%, tương ứng tăng thêm 16,8 tỷ đồng lên 156,71 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Năm 2023, CII đặt kế hoạch lợi nhuận giảm gần một nửa, về 469,27 tỷ đồng
Năm 2023, CII đặt kế hoạch lợi nhuận giảm gần một nửa, về 469,27 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 207 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 517,6 tỷ đồng.

Như vậy, trong kỳ vừa qua, Công ty đã thoát lỗ chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 233,8 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM ghi nhận doanh thu đạt 5.755,7 tỷ đồng, tăng 101,2% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 896 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 242,1 tỷ đồng, tức tăng thêm 411,6 tỷ đồng.

Trong năm 2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục ghi nhận lỗ 557,09 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.149,62 tỷ đồng. Như vậy, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM chỉ thoát lỗ trong năm tài chính nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 1.529,4 tỷ đồng, tăng 459,8 tỷ đồng so với năm trước đó là 1.069,6 tỷ đồng.

CII thuyết minh doanh thu tài chính năm 2022 chủ yếu là 810 tỷ đồng từ lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính; 666,8 tỷ đồng lãi từ các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, tiền gửi và trái phiếu…

Theo thông tin từ CII, công ty đang sở hữu 7 dự án BOT giao thông, trực tiếp hoặc gián tiếp qua CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R). Tình đến 31/12/2022, tổng vốn đầu tư chưa thu hồi của CII tại các dự án BOT đạt khoảng 20.844 tỷ đồng, bao gồm 9.277 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và 11.567 tỷ đồng từ vốn vay.

Trước đó, vào năm 2020, CII đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với giá chuyển đổi cơ sở ban đầu là 21.494 đồng, giá chuyển đổi các kỳ tiếp theo (6 tháng/lần) bằng giá chuyển đổi của kỳ trước đó thêm 6%. HĐQT trình kế hoạch điều chỉnh giá chuyển đổi cho lô này, áp dụng từ đợt 6 trở đi là 10.000 đồng, không tiếp tục áp dụng điều khoản chống pha loãng (Tại Nghị quyết số 44/NQ-ĐHĐCĐ ngày 2/6/2020).

Gia tăng nguồn thu từ các dự án BOT cầu đường là một trong những mục tiêu lớn nhất của CII trong năm 2023, với việc hợp nhất dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự án có doanh thu lớn nhất trong danh mục hiện tại từ quý 3/2023). CII cho biết sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tăng giá vé tại một số dự án BOT theo lộ trình đã quy định trong hợp đồng.