Đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả

CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần hơn 55,546 tỷ đồng, sau khi loại trừ mảng thức ăn chăn nuôi. Lãi ròng đạt 3,120 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi do đã chuyển giao mảng kinh doanh này, doanh thu thuần của Masan đạt 55,546 tỷ đồng, tăng 4.8% so với mức 52,978 tỷ đồng cùng kỳ.

Kết quả, Masan thu được gần 3,120 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng, tăng 47% so cùng kỳ. Riêng quý III/2022, lãi ròng của MSN giảm 53% so với cùng kỳ, còn hơn 543 tỷ đồng.

Về Phúc Long Heritage (PLH), trong 9 tháng, Phúc Long đạt 1,143 tỷ đồng doanh thu và 199 tỷ đồng EBITDA. Các cửa hàng flagship đạt 761 tỷ đồng doanh thu và 233 tỷ đồng EBITDA.

Trong quý III, Phúc Long đã mở thêm 15 cửa hàng flagship. Dự kiến trong quý IV, Masan sẽ tiếp tục mở mới 30 cửa hàng flagship để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Xây dựng hệ thống vận hành và quy trình nhằm thiết lập nền tảng cho việc siêu mở rộng quy mô trong năm 2023.

Trong khi đó, PLH đã đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí và tập trung vào các cửa hàng flagship. Ước tính, nhờ tối ưu hóa chuỗi kiosk (tích hợp Phúc Long vào WinMart+), Phúc Long dự kiến tăng thêm 27 tỷ đồng lợi nhuận.

Nguồn: VietstockFinance
Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của MSN: Nguồn: VietstockFinance

Trong báo cáo của mình, Masan thừa nhận hệ thống kiosk Phúc Long hoạt động kém hiệu quả. Với số liệu trên có thể thấy hệ thống kiosk đang mang về 382 tỷ đồng cho Phúc Long trong 9 tháng đầu năm, tức chiếm hơn 33%. Trong đó, EBITDA âm 34 tỷ đồng.

Ngoài ra, Masan cho hay, các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN (cửa hàng tích hợp WinMart - nhu yếu phẩm, Techcombank - dịch vụ tài chính, Phúc Long - trà và cà phê, Dr. WIN - chăm sóc sức khỏe và Reddi - dịch vụ viễn thông) đầu tiên có doanh thu/ngày tăng 116% so với các kiosk tại các cửa hàng WinMart+.

Do đó, trong thời gian tới lãnh đạo Masan Group sẽ tập trung tiếp tục cải thiện hiệu quả vận hành của kiosk bên trong cửa hàng WIN, qua đó, mở rộng quy mô mô hình này.

Thương vụ đình đám trên thị trường M&A

Tháng 5/2021, Masan mua 20% vốn cổ phần của Phúc Long với giá 15 triệu USD, tương ứng định giá 75 triệu USD.

Không lâu sau, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.

Điều đáng nói, cái giá ông lớn đã bỏ ra cho 31% cổ phần Phúc Long là 110 triệu USD, tương ứng định giá vốn cổ phần công ty này là 355 triệu USD, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ sau khoảng 7 tháng, giá trị của Phúc Long đã được định giá tăng gấp gần 5 lần.

Thời điểm đó, trên nhiều diễn đàn tài chính, thương vụ này được nhiều người bàn tán sôi nổi. Nhiều người cho rằng, Phúc Long đang được định giá quá đắt khi P/E tính ra rơi vào khoảng 15x, trong khi P/E của ngành nước uống, giải khát hiện đang ở khoảng 25 – 30.

Thương vụ đã đem lại cho cả Masan và Phúc Long những trái ngọt đầu tiên. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ
Các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trả lời cho những nghi ngờ đó, trong báo cáo tài chính (BCTC) quý II, Masan báo lãi đậm với lợi nhuận trước thuế đạt 3.335 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đến từ 2 nguyên nhân chính.

Đầu tiên, phải nói đến việc Masan đã nâng được biên lợi nhuận gộp trong kỳ từ hơn 22% lên 28%, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng trưởng gần 10% bất chấp doanh thu thuần giảm 12,5%. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung. Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm của Masan đạt 1.591 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, trong 1.591 tỷ doanh thu hoạt động tài chính, có 1/3 đến từ việc đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây. Masan cho biết, trong kỳ, tập đoàn đã ghi nhận khoản lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trước đây vào Phúc Long Heritage.

Tương tự, nhờ cộng hưởng với hệ sinh thái của Masan, hiệu quả hoạt động của Phúc Long đã cải thiện đáng kể. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Masan, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Phúc Long đạt 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) cũng đạt 117 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II/2022, Phúc Long có 74 cửa hàng flagship, 19 cửa hàng nhỏ và 971 kiosk đang hoạt động. Các cửa hàng flagship ghi nhận doanh thu 549 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 và 281 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng lần lượt là 22% và 36,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, biên lợi nhuận sau thuế của các cửa hàng flagship đạt lần lượt 25,0% và 23,6% trong 6 tháng đầu năm 2022 và quý I/2022. Các cửa hàng này được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Long trong nửa cuối năm 2022 khi công ty đặt mục tiêu mở thêm 40-50 cửa hàng flagship. Đối với các kiosk, Phúc Long cũng cho ra mắt thực đơn thử nghiệm với kết quả khả quan, giúp tăng 75% doanh thu của kiosk mỗi ngày dù chưa thực hiện bất cứ hoạt động marketing nào.