Hóa đơn GTGT chỉ hơn chục triệu nhưng rao bán cả trăm triệu đồng

Ngày 6/9, Bộ Tài chính đã có phản hồi trước phản ánh của báo chí về việc các loại ghế massage Trung Quốc bán ở Việt Nam nhưng mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, có thể gây thất thu thuế khi các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn VAT hoặc ghi không đúng giá trị dù mỗi chiếc ghế có giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng.

Theo Bộ Tài chính, đối với hoạt động kinh doanh ghế massage, ngày 24/8, Tổng cục thuế đã kịp thời ban hành công văn số 3131/TCT-TTKT chỉ đạo cục thuế các tỉnh, TP rà soát, kiểm tra hóa đơn đối với ghế massage và các mặt hàng tương tự.

Trong đó, cần rà soát, phân loại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ghế massage và những mặt hàng tương tự trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan để tăng cường các biện pháp quản lý đối với các đối tượng nêu trên.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đã chỉ đạo Đội QLTT số 1 kiểm tra hàng loạt cửa hàng kinh doanh ghế massage trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt cửa hàng KLC vì bán ghế massage không niêm yết giá theo đúng quy định, mức phạt 750.000đ.
Đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt cửa hàng KLC vì bán ghế massage không niêm yết giá theo đúng quy định, mức phạt 750.000đ.

Cụ thể, tại cửa hàng ghế massage KLC số 7-9 đường Phan Bội Châu (TP Buôn Ma Thuột), lực lượng chức năng phát hiện của hàng KLC bán ghế massage không niêm yết giá theo đúng quy định, nên đã lập biên bản xử phạt cửa hàng KLC vì bán ghế massage không niêm yết giá theo đúng quy định với mức phạt 750.000đ.

Được biết, trên website chính thức của KLC là Ghemassageklc.com thì các sản phẩm ghế massage KLC được rao bán từ 15 triệu đồng đến 179 triệu đồng.

Tại cửa hàng ghế masage ATOCHI số 69 Phan Chu Trinh, đoàn kiểm tra yêu cầu quản lý cửa hàng xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của ghế massage trưng bày tại đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh, đại diện cửa hàng cho biết mình chỉ là quản lý và không cung cấp được các giấy tờ trên. Lực lượng chức năng cũng tiến hành lập biên bản xử phạt cửa hàng ATOCHI bán ghế massage không niêm yết giá theo quy định, mức phạt 750.000đ.

Đáng chú ý, tại cửa hàng ATOCHI 69 Phan Chu Trinh lực lượng chức năng đã phát hiện ghế massage bị xé nhãn mác và nhiều ghế massage không có tem phụ.

Danh sách các model ghế massage thương hiệu ATOCHI và chi tiết giá hóa đơn GTGT được lực lượng QLTT liệt kê.
Danh sách các model ghế massage thương hiệu ATOCHI và chi tiết giá hóa đơn GTGT được lực lượng QLTT liệt kê.

Đặc biệt, căn cứ nội dung hóa đơn GTGT mà cửa hàng cung cấp cho lực lượng chức năng thì ghế massage ATOCHI có mức giá khá phổ thông nhưng giá trên website chính thức của ATOCHI là Atochi.vn lại vô cùng đắt đỏ, thậm chí gấp đến 3 lần so với giá hóa đơn GTGT. Ví dụ:

Ghế massage ATOCHI model ATT 112 hóa đơn GTGT là 11,8 triệu đồng được rao bán trên website chính thức của ATOCHI với giá 36,5 triệu đồng; Ghế massage ATOCHI model ATT 228 có hóa đơn GTGT 14 triệu đồng - trên website bán Atochi.vn bán 80 triệu đồng; và nổi bật là ghế massage ATOCHI model G379 có hóa đơn GTGT 24,5 triệu đồng nhưng trên website chính thức của ATOCHI thì sản phẩm cùng mã trên lại được rao bán lên tới 125 triệu đồng.

Cửa hàng kinh doanh ghế massage KLC và ATOCHI bị xử phạt, hé lộ hóa đơn GTGT gây sốc
Giá bán ghế Massage ATOCHI được công bố trên website chính thức của thương hiệu ATOCHI.

Quy định xử phạt của Chính phủ về hành vi trốn thuế

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối chia sẻ, đóng thuế là nghĩa vụ của các doanh nghiệp và mọi công dân. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về thuế đang xảy ra theo chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Các đối tượng phạm tội đã triệt để lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi cá nhân, gây ra hậu quả lớn cả về vật chất và phi vật chất cho xã hội. Theo đó, trốn thuế được hiểu là việc thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp và tăng số thuế được hoàn.

Tại Điều 143 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định các hành vi trốn thuế bao gồm 11 hành vi, tương ứng với 11 khoản tại Điều luật này.

Trong đó có thể dễ dàng thấy, hành vi ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa hay dịch vụ đã bán được quy định tại khoản 3 Điều này là một trong những hành vi vi phạm đang diễn ra hết sức phổ biến hiện nay. Hành vi này thường gặp ở các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng khách sạn, vận tải tư nhân, xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng, bán ô tô và xe máy, hàng trang trí nội thất…

Hiện nay, quy định xử phạt hành vi trốn thuế đã được Chính phủ quy định rất chi tiết tại Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, mới ban hành gần đây nhất vào ngày 19/10/2020. Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm mà các hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt theo các mức khác nhau.

Nếu số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế và chưa được xóa án tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, có mức phạt tù thấp nhất 3 tháng, cao nhất là 7 năm tù giam.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền thấp nhất 300 triệu đồng, cao nhất 10 tỷ đồng tùy theo số thuế trốn. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong khoảng thời gian từ 1 - 3 năm.