Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chỉ đạo các trường học có tổ chức bán trú, công ty trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải tăng cường giám sát việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong hoạt động chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể hoặc tại các cơ sở hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn; tuyệt đối không được hợp đồng với các cơ sở chưa đủ điều kiện vệ sinh ATTP để chế biến, cung cấp thức ăn cho nhà trường hoặc công ty.

Lưu ý, giám sát việc thực hiện nghiêm các yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP theo các quy định của Luật ATTP và các nghị định quy định về vấn đề trên. Đối với người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm phải đội mũ, đeo khẩu trang, cắt ngắn móng tay, sử dụng găng tay dùng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; tuyệt đối không tham gia chế biến thực phẩm khi bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, lao phổi, tiêu chảy cấp, viêm da nhiễm trùng.

Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn ngay sau khi chế biến (không quá 2 giờ sau khi chế biến nếu bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng). Kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm, nên sử dụng nguồn thực phẩm tươi sống, hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm đông lạnh, đóng gói sẵn. Các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, các cơ sở có tổ chức bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn sẵn; tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng trên. Các Trung tâm y tế chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư y tế, phương tiện… để kịp thời cấp cứu bệnh nhân và điều tra nguyên nhân khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hỗ trợ các địa phương về chuyên môn trong công tác ATTP như điều tra nguyên nhân, xử lý, khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm…

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở có tổ chức bếp ăn tập thể nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân đặc biệt là trẻ em:

* Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần thực hiện:

1. Không sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

2. Không sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm.

3. Không sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép để chế biến thực phẩm.

4. Không sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm.

5. Không sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu để chế biến thực phẩm.

6. Không sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

7. Khu vực chế biến thức ăn, khu vực ăn uống không được gần khu vực gây ô nhiễm, hóa chất độc hại; chống được côn trùng và động vật gây hại xâm nhập.

8. Bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.

9. Không sử dụng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín.

10. Vệ sinh cơ sở và trang thiết bị dụng cụ sạch sẽ sau khi chế biến xong thức ăn.

11. Đối với người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm: Phải đội mũ, đeo khẩu trang; cắt ngắn móng tay; sử dụng găng tay dùng 01 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; Tuyệt đối không tham gia chế biến thực phẩm khi bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, lao phổi, tiêu chảy cấp, viêm da nhiễm trùng (vết thương trên cơ thể có biểu hiện mưng mủ đặc biệt vết thương trên tay).

12. Thực hiện ăn chín, uống chín; ăn ngay sau khi chế biến (không quá 02 giờ sau khi chế biến khi bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng).

13. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm; nên sử dụng nguồn thực phẩm tươi sống, hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng gói sẵn.

Tỉnh Khánh Hòa Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể
Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Ảnh minh họa

* Đối với người tiêu dùng:

1. Chọn thực phẩm an toàn, tươi ngon, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

2. Nấu kĩ thức ăn: Các thực phẩm sống như thịt gia súc, gia cầm, trứng… cần được đun nấu kĩ trước khi ăn.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín: Thực phẩm nấu chín nguội dần khi để ở nhiệt độ thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. An toàn nhất, chúng ta nên ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín: Các thức ăn thừa, phải được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ nóng (gần hoặc trên 600C), hoặc lạnh (gần hoặc dưới 100C). Đây là nguyên tắc quan trọng nếu bạn muốn bảo quản thực phẩm qua 4 hoặc 5 tiếng.

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn: Đun với nhiệt độ ít nhất là 700C là nguyên tắc tốt nhất để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm.

6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín: Thực phẩm nấu chín có thể bị ô nhiễm qua tiếp xúc với thực phẩm sống. Ví dụ: không nên chế biến thịt sống và sau đó lại dùng chung thớt và dao để thái thịt đã nấu chín. Làm như vậy sẽ tái sản sinh các sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm.

7. Luôn giữ tay sạch sẽ: Rửa tay kỹ trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác. Sau khi chế biến thực phẩm sống như cá, thịt, hoặc thịt gia cầm, nên rửa lại tay thật sạch trước khi chế biến các thực phẩm khác. Và nếu tay có vết thương, phải băng và bọc kín vết thương trước khi chế biến thực phẩm.

8. Giữ bề mặt chế biến, luôn khô ráo, sạch sẽ: Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm, bất kỳ bề mặt nào sử dụng để tiếp xúc thực phẩm phải được giữ sạch sẽ. Khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nấu nướng phải được thay và đem luộc thường xuyên trước khi tái sử dụng.

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác: Côn trùng, loài gặm nhấm, các loài động vật… thường chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm. Cách tốt nhất là nên bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa được đóng kín.

10. Sử dụng nguồn nước sạch: Nước sạch là một yếu tố quan trọng đối với việc chế biến thực phẩm và làm đồ uống. Nếu không có nguồn cung cấp nước sạch, bạn có thể đun sôi nước trước khi sử dụng chế biến thực phẩm hoặc làm đá cho các đồ uống. Cẩn thận với bất kỳ loại nước dùng để chế biến bữa ăn cho trẻ em.