JICA đánh giá triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam rất lạc quan, tươi sáng - Ảnh 1.

Trưởng Đại diện JICA Việt Nam Shimizu Akira đánh giá nguồn nhân lực chất lượng tốt là chìa khóa giúp Việt Nam thành công trong tương lai

Trưởng Đại diện JICA Việt Nam Shimizu Akira đưa ra nhận định khi trao đổi bên lề với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ ngay sau cuộc họp báo giữa kỳ JICA Việt Nam, ngày 12/10 tại Hà Nội.

Ông Shimizu Akira đánh giá kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ổn định, nền kinh tế sẽ tiếp tục lạc quan tươi sáng từ năm 2022 cùng với chính sách "sống chung với COVID-19" và bổ sung dự toán chi ngân sách.

Theo người đứng đầu Cơ quan tác quốc tế Nhật Bản, tầm quan trọng của đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu tăng mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Việt Nam đang trở thành một điểm đến triển vọng thu hút doanh nghiệp FDI.

Một điều khá ấn tượng là có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh sang Việt Nam, ông Shimizu Akira cho biết.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị Việt Nam vẫn cần thận trọng trước tình hình biến động kinh tế thế giới do tình hình chính trị tại Ukraine, vật giá leo thang và Mỹ tăng lãi suất.

Nguồn nhân lực chất lượng tốt – chìa khóa giúp Việt Nam thành công

Ông Shimizu Akira dự báo, Việt Nam sẽ dần mất đi lợi thế về nguồn nhân lực do tình hình già hóa dân số trong 30 năm tới và mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ hiện tại.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác (chỉ bằng 10% năng suất của Singapore, 40% năng suất của Thái Lan, 60% năng suất của Philippines), nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề còn hạn chế để đáp ứng được với cơ hội việc làm tăng cao.

Do đó, ông Shimizu Akira khuyến nghị Việt Nam cần khẩn trương phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động tăng cao trong thời gian tới.

Theo ông, JICA đã và đang hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững thông qua các hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, như hợp tác với trường Đại học Việt Nhật (VJU), Viện Phát triển nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), và hợp tác kỹ thuật thực tập sinh kỹ năng.

Cụ thể, JICA đã hợp tác với trường Đại học Việt Nhật từ năm 2015. Đến nay, đã có 260 học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ và hiện có hơn 200 sinh viên và học viên đang theo học tại trường.

Trong lĩnh vực đào tạo lao động có tay nghề, JICA đang lên kế hoạch cùng với Chính phủ Việt Nam xây dựng dự án vốn vay ODA hỗ trợ 13 trường đào tạo nghề.

"Nếu các thủ tục được hoàn tất và dự án được triển khai, chúng tôi kỳ vọng công tác đào tạo lao động trẻ có tay nghề cao trong thời gian tới sẽ có những phát triển nhất định", ông hy vọng.

"Chúng tôi luôn mong muốn hướng đến trong các hợp tác là cuối cùng chính người Việt Nam có thể truyền tải tri thức cho người Việt Nam", ông Shimizu Akira bày tỏ.

Kỳ vọng sớm thông xe tuyến đường sắt đô thị TPHCM tuyến số 1

Ông Shimizu Akira cho biết các dự án của JICA trong đó có công trình tuyến đường sắt đô thị TPHCM tuyến số 1 bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến các hoạt động đi lại trong nước cũng như xuất nhập cảnh bị hạn chế.

Hiện nay, toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam, tiến độ hoàn thành của công trình đạt khoảng 90%.

Ông hy vọng, dự án sẽ sớm được thông xe đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và giảm ùn tắc giao thông tại TPHCM.

Trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn, 30 đến 40 năm, với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, theo JICA, trong các dự án vốn vay ODA phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ nước ngoài, đồng thời trong suốt thời gian dài thực hiện dự án luôn có sự tham gia của các công ty Việt Nam, nhờ vậy, Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong xây dựng hay quản lý bảo trì sau khi dự án kết thúc, qua đó hiệu quả của dự án sẽ được tăng cường.

Tuy nhiên, JICA cũng khuyến nghị phía Việt Nam đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án ODA.

Trong năm tài chính 2021 của Nhật Bản (từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022), JICA đã cung cấp cho Việt Nam khoản vay cam kết trong dự án vốn vay ODA là 10,8 tỷ yên (tương đương 75 triệu USD), dự án Hợp tác kỹ thuật là 4,9 tỷ yên (tương đương 34 triệu USD), viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (tương đương 5 triệu USD), với hơn 100 dự án lớn nhỏ.

Trong thời gian tới, JICA sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam để nâng cao cơ sở hạ tầng chất lượng cao hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, phát huy vai trò Việt Nam, quốc gia kiểu mẫu thực hiện "Sáng kiến Y tế toàn cầu" của Nhật Bản, và hỗ trợ nước ta trung hòa carbon vào năm 2050.

Hợp tác của JICA hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản thông qua cải thiện môi trường đầu tư, thương mại và kinh doanh của Việt Nam, đồng thời thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản thông qua chuyển giao kỹ thuật giữa con người với con người và phát triển nguồn nhân lực.

JICA đánh giá triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam rất lạc quan, tươi sáng - Ảnh 3.