HNX cho biết, sau khi xem xét báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán đã quyết định đưa OIL vào diện cảnh báo từ ngày 23/3, do BCTC năm của OIL bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Theo quy định áp dụng điểm a khoản 1 Điều 33 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị cảnh báo, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Theo tìm hiểu, PV OIL là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được thành lập theo quyết định ngày 6/6/2008 của HĐQT PVN trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh Phân phối Sản phẩm Dầu mỏ (PDC).

Ngày 7/3/2018, hơn 200 triệu cổ phiếu OIL chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 20.200 đồng/cp. Sau đó 5 tháng, PV OIL chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/8/2018.

Ngày 2/1/2019, gần 981.000 cổ phiếu OIL được đăng ký giao dịch bổ sung trên UPCoM. Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu được đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM của PV OIL là hơn 201,4 triệu đơn vị.

Cổ phiếu OIL bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/3
Cổ phiếu OIL bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/3. Ảnh minh họa

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, OIL ghi nhận doanh thu thuần tăng 80% so với năm 2021, đạt 104.214 tỷ đồng, song lãi ròng đạt 723 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2021.

Tại thời điểm ngày 31/12, Công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 185 tỷ đồng. Tuy nhiên, OIL cho biết, so với thời điểm trước cổ phần hóa ngày 31/12/2017 có lỗ lũy kế tới 1.676 tỷ đồng, con số ghi nhận hiện tại đã giảm 1.491 tỷ đồng và giảm sâu so với mức lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ ghi nhận hồi cuối năm 2014. Phần lỗ lũy kế còn lại sẽ được dứt điểm trong thời gian ngắn tới.

Ngoài ra, OIL đang ghi nhận khoản nợ thu khó đòi hơn 894 tỷ đồng, trong đó khoản nợ khó đòi chủ yếu là từ công ty con (Petec) là 683,5 tỷ đồng. Các khoản nợ này được ghi nhận trước thời điểm cổ phần hóa OIL năm 2018 và đều được trích lập dự phòng 100% nên không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh hiện tại của Công ty, có thể hoàn nhập cũng như ghi nhận vào lợi nhuận khi thu hồi được nợ.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/3, cổ phiếu OIL giảm 1,15%, xuống 8.600 đồng/CP.