Hội thảo khoa học đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022
Bốc xếp hàng tại Tân Cảng Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19", hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam; phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2021; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022.

Từ đó, các chuyên gia kinh tế đề xuất những khuyến nghị, chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.

Cụ thể, theo các chuyên gia, chính sách tài khóa cần được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới. Còn chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động...

Đặc biệt, cần chú trọng hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản. Liên quan đến an sinh xã hội, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì, mở rộng đối tượng thụ hưởng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức.