Xây dựng hệ sinh thái 5G, sớm phủ sóng 5G toàn quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Cụ thể, theo Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT), Việt Nam đặt mục tiêu sớm phủ sóng 5G tới các khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, khu công nghiệp có nhu cầu ứng dụng 5G ngay khi cấp phép và đến năm 2025, cơ bản 5% dân số được phủ sóng và đến năm 2030, 100% dân số được phủ sóng 5G.

Hệ sinh thái 5G tại Việt Nam: Phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030
Phủ sóng 5G toàn quốc có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)

Tại Hội thảo “Thúc đẩy kết nối: Phát triển Hệ sinh thái 5G tại Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT, cho biết: "Với việc sẵn sàng về hạ tầng viễn thông băng rộng qua cáp quang và di động, công nghệ 5G sẽ là tiền đề để tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế thực hiện chuyển đổi số, sẵn sàng cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Các chuyên gia đánh giá, để thúc đẩy hệ sinh thái 5G trong nước không thể thiếu sự góp mặt các các nhà mạng viễn thông trong và ngoài nước nhằm giúp phát triển hệ sinh thái 5G dễ tiếp cận đến nhiều khu vực trong nước hơn.

“5G sẽ giúp xây dựng một xã hội kết nối, tạo thuận lợi cho triển khai các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng số tới mọi người dân, mọi tổ chức. Với nhận thức đó, chúng tôi đã và đang nỗ lực phát triển các sản phẩm, giải pháp cũng như tham gia triển khai hạ tầng kết nối số, các nền tảng số, tận dụng và phát huy hiệu quả các lợi ích của công nghệ 5G, góp phần xây dựng hạ tầng số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.”, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch VNPT Technology, đơn vị Khoa học Công nghệ thuộc Tập đoàn VNPT nêu nhận định.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ sinh thái di động 5G còn cần có sự hỗ trợ từ chính phủ trong việc mở rộng quy mô, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEMs) phát triển nhiều thiết bị hỗ trợ 5G hơn và được phân phối rộng rãi bởi các đại lý trên toàn quốc.

Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến tháng 6/2022, Bộ đã cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Viettel là nhà mạng có nhiều vị trí thử nghiệm nhất, đứng thứ hai là VinaPhone. Bộ TT&TT đang xem xét cấp phép thử nghiệm 5G cho MobiFone.

Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm những ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường, phương án kỹ thuật, để xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức.