Ước tính vào năm 2021, Trung Quốc tiêu thụ hơn 3/4 số lượng chất bán dẫn được bán trên toàn cầu, đạt 556 tỉ USD nhưng chỉ sản xuất được khoảng 15% sản lượng chip toàn cầu.

Hàng loạt công ty bán dẫn Mỹ cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc
Marvell Technology tuyên bố sẽ "loại bỏ vai trò tại Trung Quốc". (Ảnh: Marvell Technology)

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng, kết hợp với chính sách COVID-19 của Bắc Kinh, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang dần mất sức hấp dẫn với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Đặc biệt với các công ty sản xuất chip bán dẫn còn bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế quyền tiếp cận công nghệ đối với các nhà sản xuất chip nhớ của Trung Quốc do Chính phủ Mỹ vừa ban hành vào đầu tháng 10.

Lệnh hạn chế này đã thúc đẩy nhiều công ty bán dẫn quyết định hướng mục tiêu ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Gần đây nhất là nhà thiết kế vi xử lý Marvell Technology Group, có trụ sở tại Santa Clara, California (Mỹ). Theo bảng xếp hạng hãng nghiên cứu Gartner, năm 2021, Marvell đứng thứ 24/25 công ty bán dẫn có doanh thu lớn nhất toàn cầu.

Công ty này tự thiết kế chip riêng nhưng cũng thực hiện các hợp đồng gia công cho những xưởng đúc vi xử lý độc lập.

Cụ thể, ngày 27/10, Phó Chủ tịch tiếp thị Marvell - Stacey Keegan cho biết, công ty đang định hình lại mảng kinh doanh, trong đó “loại bỏ vai trò tại Trung Quốc”.

Quyết định này có thể dẫn tới nhiều văn phòng, bộ phận của công ty thiết kế chip tại Thượng Hải và Thành Đô sẽ phải sa thải một lượng lớn nhân sự, giảm quy mô hoạt động.

Đáng nói, xu hướng dần dần rút ra khỏi thị trường Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra từ trước lệnh hạn chế nêu trên. Các công ty Mỹ như US DRAM và Micron Technology đã có những động thái tương tự từ đầu năm.

Hàng loạt công ty bán dẫn Mỹ cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc
Micron Technology sẽ đóng cửa trung tâm thiết kế DRAM ở Thượng Hải vào cuối năm 2022. (Ảnh: Micron Technology)

Đơn cử, vào tháng 1, Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn tại Mỹ, đã thông báo đóng cửa trung tâm thiết kế DRAM ở Thượng Hải vào cuối năm 2022 và tái bố trí địa điểm làm việc cho một số kỹ sư sang Mỹ hoặc Ấn Độ.

Theo nhiều nguồn thông tin, động thái này nhằm ngăn chặn sự rò rỉ công nghệ vào tay các đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc Đại lục.

Từ đầu năm nay, ngành công nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc liên tiếp hứng chịu lệnh cấm vận và kiểm soát xuất khẩu mới của Bộ Thương mại Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất chip bán dẫn đa quốc gia đã phải xoay chuyển kế hoạch tại thị trường Trung Quốc, ví như thanh lý xưởng sản xuất hay giảm quy mô hoạt động để tránh vi phạm lệnh cấm vận hay hạn chế nêu trên - điều có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của họ.