Sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương, Tài chính, mỗi lít xăng RON 95 giảm 430 đồng/lít, về mức 24.230 đồng/lít; xăng E5 RON 92 có giá mới là 23.350 đồng/lít, giảm 370 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương, Tài chính, mỗi lít xăng RON 95 giảm 430 đồng/lít, về mức 24.230 đồng/lít; xăng E5 RON 92 có giá mới là 23.350 đồng/lít, giảm 370 đồng/lít.

Cụ thể, Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương đã ra thông báo điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh từ 15h00 hôm nay (5/9).

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 5/9, xăng RON 95-III giảm 430 đồng, từ mức 24.660 đồng/lít xuống còn 24.230 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 370 đồng, từ mức 23.720 đồng/lít xuống còn 23.350 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel tăng thêm 1.430 đồng/lít lên ngưỡng 25.180 đồng/lít; dầu hỏa tăng lên mức 25.440 đồng/lít. Riêng dầu mazut lại giảm 470 đồng, về 16.070 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn giá xăng là 451-493 đồng/lít, với dầu mazut là 641 đồng/kg, còn chi quỹ đối với xăng dầu hỏa 100 đồng/lít và dầu diesel là 300 đồng/lít.

Trước đó, giá xăng dầu trong nước đã trải qua nhiều biến động với 5 lần giảm liên tiếp của giá xăng. Phiên gần đây nhất (ngày 22/8), giá xăng được giữ nguyên. Còn giá dầu có chiều hướng tăng. Hôm 22/8, dầu diesel cũng đã tăng 850 đồng/lít, dầu hỏa tăng 730 đồng/lít.

Liên quan đến chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, giới kinh doanh xăng dầu cho rằng cơ chế điều hành giá hiện nay khiến giá xăng dầu không bắt nhịp kịp so với diễn biến giá thế giới. Việc điều hành chậm hơn khiến cho doanh nghiệp chịu thiệt hại và thua lỗ nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi biến động giá tăng giảm mạnh và cơ chế điều hạnh chậm hơn so với thị trường thế giới.

Giá dầu thô thế giới bật tăng trở lại trong hôm nay khi vừa qua, nhóm G7 (Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ) thông báo đã đồng ý áp dụng cơ chế giá trần đối với sản phẩm dầu thô do Nga xuất khẩu. Mục đích của biện pháp này là cắt giảm nguồn thu của Điện Kremlin và làm suy yếu khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Ngoài ra, G7 còn muốn hạ giá nhiên liệu để khống chế lạm phát và bảo vệ người tiêu dùng trong nước mình. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác của những người mua lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất cứ nước nào áp giá trần.

Hiện tại. thông tin chi tiết về cơ chế giá trần này vẫn đang được hoàn thiện và chưa được đưa ra chính thức. Nhưng các chuyên gia phân tích năng lượng đã bày tỏ quan ngại về tính khả thi, đặc biệt là việc các nhà nhập khẩu dầu thô lớn như Ấn Độ và Trung Quốc có đồng ý áp giá trần hay không.