Giá thịt lợn ngày 16/8

Giá thịt lợn hơi hôm nay 16/8 tăng nhẹ tại khu vực miền Bắc, biến động trái chiều tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực miền Nam.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng tại một vài tỉnh thành và dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng tăng 1.000 đồng/kg, tại Hưng Yên và Hà Nội giá heo hơi hôm nay được thương lái thu mua ở mức 71.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Tương tự, cùng tăng 2.000 đồng/kg, tại Phú Thọ và Bắc Giang giá lợn hơi lần lượt điều chỉnh giao dịch lên mức tương ứng là 69.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thấp nhất 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nam.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay biến động trái chiều 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 58.000 - 67.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 66.000 đồng/kg, ngang bằng với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong khi đó, thương lái tại Quảng Ngãi cũng đang giao dịch lợn hơi với giá 66.000 đồng/kg sau khi giảm 2.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đắk Lắk. Mức giá cao nhất khu vực 67.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng/giảm từ 1.000 - 4.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, tại Vũng Tàu điều chỉnh giao dịch xuống còn 62.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, Tây Ninh và Trà Vinh lần lượt nâng giá thu mua lên 62.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg, tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tương tự, mức giá được ghi nhận tại Đồng Nai và Đồng Tháp sau khi tăng 4.000 đồng/kg lần lượt là 64.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại Cà Mau.

Giá thực phẩm ngày 16/8: Thịt lợn mức tăng cao nhất 4.000 đồng/kg, lúa gạo đi ngang
Giá thịt lợn ngày 16/8 có mức tăng cao nhất là 4.000 đồng/kg.

Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay có sự chênh lệch về giá lợn hơi và các sản phẩm từ lợn nên xảy ra hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Việc này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm và lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng vào Việt Nam.

Theo nhận định, khả năng lợn và các sản phẩm từ lợn có thể xâm nhập thông qua vận chuyển theo đường bộ và đặc biệt là có khả năng các sản phẩm từ lợn xâm nhập qua đường biển vào địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng với các địa phương trong cả nước, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các địa phương và nhất là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển heo nhập lậu và xử lý nghiêm, tiêu hủy các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xâm nhập vào tỉnh.

Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 415.000 con và trong thời gian từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 21 ngày không phát sinh các trường hợp lợn mắc bệnh. Việc tăng cường thực hiện công tác kiểm soát vận chuyển lợn ra, vào tỉnh sẽ giúp cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ động kiểm soát và phòng ngừa các loại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe đàn heo và góp phần cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Giá lúa gạo ngày 16/8

Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường lúa Hè thu ổn định, giao dịch lúa chậm.

Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giữ vững giá so với phiên đầu tuần. Cụ thể, tại An Giang, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức giá 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; IR 504 ở mức 5.300 – 5.450 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi 5.900 – 6.000 đồng/kg, nếp tươi Long An 6.200 – 6.400 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 8.150 – 8.250 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tiếp tục duy trì ổn định ở mức 8.650 – 8.750 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá ổn định. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg; cám khô 8.500 – 8.550 đồng/kg.

Thị trường lúa gạo trong nước, lượng gạo nguyên liệu về lai rai, ít hơn so với những ngày trước, các kho mua lựa mặt, lựa giá. Giao dịch trầm lắng, người mua ít. Thị trường lúa Hè thu ổn định, giao dịch lúa chậm, sức mua từ các thương lái và nhà máy không nhiều.

Giá thực phẩm ngày 16/8: Thịt lợn mức tăng cao nhất 4.000 đồng/kg, lúa gạo đi ngang
Giá lúa gạo ngày 16/8 tiếp tục xu hướng đi ngang.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu duy trì ổn định. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Tháng 8/2022, USDA dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021 – 2022 được dự báo sẽ tăng nhẹ so với dự báo trước đó. Nhập khẩu sẽ tăng cao do nhu cầu cao hơn từ Bangladesh, Philippines và Iraq. Tương tự, xuất khẩu cũng cao hơn một chút do sự gia tăng xuất khẩu đến từ Ấn Độ và Thái Lan.

Nhập khẩu gạo của một số quốc gia năm 2022 dự báo tăng so với ước tính trước đó. Tại Philippines, dự kiến lượng gạo nhập khẩu năm 2022 sẽ đạt 3,2 triệu tấn.

Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh vì họ lo ngại Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo nên đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Tuy lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch tăng không tương xứng, do thương nhân ép giá và tính ra giá trị xuất khẩu gạo sang Philippines giảm chứ không tăng so với cùng kỳ năm 2021.