Giá lợn hơi miền Bắc

Giá lợn hơi hôm nay 23/10 tại thị trường miền Bắc tăng mạnh, giao dịch quanh mức 36.000 - 42.000 đ/kg

Theo đó, heo hơi tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang đồng loạt tăng giá từ 1.000 - 2.000 đ/kg, lên mức 36.000 đ/kg. Cũng là mức giá thu mua heo hơi thấp nhất khu vực.

Tương tự, Thái Nguyên, Thái Bình và Ninh Bình cũng đang tăng mạnh 2.000 - 4.000 đ/kg, cùng ở mức 37.000 đ/kg. Đây cũng là mức giao dịch heo hơi đang duy trì tại Bắc Giang.

Đặc biệt, Hà Nội là tỉnh thành có mức tăng giá heo hơi hôm nay nhiều nhất, tăng tới 5.000 đ/kg, giao dịch ở 41.000 đ/kg.

Còn tại Hưng Yên, thương lái đang thu mua heo hơi với giá 42.000 đ/kg, tăng mạnh 4.000 đ/kg so với hôm qua. Và đây cũng là địa phương có mức giá cao nhất khu vực.

Giá heo hơi hôm nay 23/10/2021 tại thị trường miền Bắc tiếp tục đà tăng, tăng thêm 1.000 - 5.000 đ/kg so với hôm qua.

Giá lợn hơi miền Trung

Giá heo hơi hôm nay 23/10 tại miền Trung và Tây Nguyên biến động trái chiều.

Cụ thể, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Thuận tăng nhẹ một giá, điều chỉnh giao dịch lên 36.000 - 39.000 đ/kg.

Thanh Hóa và Nghệ An cùng tăng mạnh 3.000 đ/kg, hiện thu mua heo hơi lần lượt với giá 36.000 và 37.000 đ/kg.

Trong khi đó, Bình Định điều chỉnh giá thu mua xuống còn 35.000 đ/kg sau khi giảm mạnh 3.000 đ/kg. Đây cũng mức heo hơi được thu mua thấp nhất khu vực.

Riêng tỉnh Quảng Bình và Ninh Thuận không có biến động vê giá, tiếp tục thu mua heo hơi ở mức 38.000 đ/kg.

Giá lợn hơi miền Nam

Tại miền Nam, giá heo hơi hôm nay 23/10 đang tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đ/kg so với hôm qua.

Cụ thể, các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Hậu Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng cùng tăng nhẹ 1.000 đ/kg lên 38.000 đ/kg.

Sau khi tăng 2.000 đ/kg, TP HCM, Tây Ninh và Cần Thơ cùng điều chỉnh giá thu mua lên khoảng 38.000 - 40.000 đ/kg.

Các tỉnh thành còn lại đi ngang, tiếp tục giao dịch heo hơi quanh mức 37.000 - 38.000 đ/kg.

Giá lợn hơi bật tăng, dự báo tuần tới thịt lợn hạ nhiệt.
Giá lợn hơi bật tăng, dự báo tuần tới thịt lợn hạ nhiệt.

Thị trường lợn hơi chuyển biến tích cực

Chiều 22/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt heo, giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường.

Theo báo cáo của các bộ, ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, giá heo hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá heo hơi giảm mạnh. Trong tháng 3 và tháng 4, giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8 và tháng 9/2021 giá còn 42.000-50.000 đồng; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp tết nguyên đán.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá giảm sâu là do dịch COVID-19 làm giảm cầu từ 30-50%. Mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế, do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế.

Giá tại trang trại chăn nuôi xuống thấp nhưng hiện nay có thực trạng giá thịt heo thành phẩm chưa giảm tương xứng so với giá heo hơi. Giá thịt heo thành phẩm phổ biến ở mức 60.000- 100.000 đồng/kg tại chợ và ở mức 98.000- 130.000 đồng/kg tại siêu thị.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý, việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết bởi ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân. Vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan nhà nước. Phó thủ tướng đã đưa ra nhiệm vụ cho từng bộ ngành.

Các bộ ngành, địa phương sẽ khẩn trương có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.

Bộ Công thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh tra kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt heo hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.

Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi.

Bộ GTVT rà soát, nắm rõ thêm tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng một số nơi “cát cứ”, gây khó khăn cho bà con trong tiếp cận thị trường (phương tiện chuyên chở khó đến với bà con). Phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thống nhất trên toàn quốc.